Lãnh đạo Bộ Xây dựng trong buổi làm việc gần đây với Đà Nẵng về chương trình nhà ở xã hội, cho rằng Đà Nẵng là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước trong việc thực hiện chương trình này. Tất cả những khó khăn về vốn, đất đai đã được chính quyền thành phố giải quyết rốt ráo, cố gắng để mỗi gia đình, mà chủ yếu là người nghèo, người thu nhập thấp có chỗ ở ổn định. Bởi, an cư mới có thể lạc nghiệp.
Với chị Lê Thị Thu, từ hồi được cấp nhà chung cư, tiền thuê nhà cũng được miễn, chị nhẹ nhõm: “Được thế là mừng rồi!”. |
Mái ấm bình yên
Ngày mới lập gia đình cách đây 14 năm, vợ chồng chị Lê Thị Thu (phòng 303/S4, tổ 58 phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) đành ở chung với gia đình nhà chị ở phường Nại Hiên Đông. Nhà đông anh em, ai cũng nghèo, mỗi người nhường nhau một tí cho vợ chồng chị có thêm chỗ tá túc. Chị Thu nhớ lại: “Nhìn quanh ai cũng nghèo như mình, xung quanh nhà thì toàn cây bụi, nước xâm xấp, đầy ruồi muỗi”. Tuổi thơ của chị em chị Thu in đậm ký ức về những mái nhà tôn tạm bợ ven sông Hàn, những khu nhà chồ san sát nhau bên mé sông, người đi biển, người làm cá trên sông, bọn trẻ đi học chữ được chữ mất… Năm 2005, cả khu giải tỏa. 3 năm sau được chuyển lên khu chung cư đầu tuyến Hoàng Sa-Trường Sa này, chị Thu mới thở phào nhẹ nhõm, không sợ mưa nắng; nếp sống bởi thế cũng thay đổi hẳn.
Anh Đỗ Văn Ánh, tổ trưởng tổ dân phố 21-A3, khu chung cư Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà cho biết, đây là một trong những khu chung cư đầu tiên của thành phố dành cho hộ giải tỏa, được bố trí từ năm 2003, diện tích khá nhỏ (từ 39 đến 41m2/hộ), trước đây với chính sách bán trọn gói (quy giá nhà ra vàng, cho người dân nợ) nên các hộ không phải trả tiền thuê nhà hằng tháng. Không nắm kỹ số liệu nhưng anh Ánh cho biết hầu hết các em học sinh ở đây đi học được miễn tiền học phí, miễn bảo hiểm y tế học sinh… Đời anh Ánh cũng có nhiều bước chuyển biến tích cực, như anh nói, là không biết có phải ở chung cư dành cho người nghèo không. Trước đây anh theo cha đi biển, rồi biển giã thất thu, anh lên bờ làm nghề xe thồ được 2 năm, rồi xin sang làm công nhân Công ty Môi trường đô thị. Anh bảo “Làm công nhân có lương ổn định, chứ đi xe thồ bữa có bữa không. Hai vợ chồng kiếm mỗi tháng chừng 5 triệu, tằn tiện cũng đủ lo cho con ăn học”.
Từ những căn nhà tự cất của dân, chủ yếu là nhà tạm, đến những căn hộ trong các khu chung cư, dù nhiều nhà chưa rộng, chưa đẹp theo ý muốn, nhưng những gì thành phố dành cho người nghèo, người thu nhập thấp như tạo một mái ấm bình yên cho họ, miễn thu tiền nhà hằng tháng cho hộ nghèo… đã làm yên tâm hơn những gia đình nghèo.
Chưa hết, bằng cách làm linh động như rà soát hộ nghèo ở nhà tạm có đất ở ổn định, nhà cấp 4 xuống cấp, UBND các quận, huyện, phường xã đã lên danh sách rồi vận động các ngành, các đoàn thể, các tổ chức, cá nhân đóng góp xây dựng mới, sửa chữa hàng trăm căn nhà. Hội LHPN thành phố Đà Nẵng cũng khảo sát 1.313 hộ phụ nữ đặc biệt nghèo, hộ nghèo, cận nghèo đang ở nhà thuê, ở nhờ tại các quận: Hải Châu, Sơn Trà, Thanh Khê, đề xuất lãnh đạo thành phố bố trí chung cư cho 473 hộ phụ nữ nghèo bức xúc về nhà ở.
Những đứa con của anh Đỗ Văn Ánh, ở phòng 208 tổ 21-A3, chung cư Nại Hiên Đông được cha mẹ chăm lo chuyện học hành để thoát “kiếp nghèo”… |
Một cách làm của Đà Nẵng
Từ Nghị quyết 25 của HĐND thành phố về thực hiện Chương trình xây dựng “Thành phố 3 có” (có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn hóa - văn minh đô thị) đến đề án “Có nhà ở” cho nhân dân giai đoạn 2005-2010; đề án Xây dựng 7.000 căn hộ chung cư; dự án đầu tư xây dựng chung cư cho cán bộ, công nhân viên; đề án Xây dựng nhà ở cho học sinh, sinh viên (HSSV) với mục tiêu từ năm 2009 đến 2015 giải quyết chỗ ở cho khoảng 80.000 HSSV;… Đà Nẵng đã thực sự tạo ra bước đột phá trong việc triển khai xây dựng các chương trình nhà ở xã hội. Tập trung vào các đối tượng khó khăn về chỗ ở là hộ chính sách, hộ nghèo chưa có chỗ ở ổn định, các hộ tái định cư, các đối tượng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước như cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang.
Hiện nay, thành phố đã cơ bản xóa được 3.206 căn nhà ổ chuột, nhà chồ, đưa dân vào sống trong các khu dân cư có điều kiện tốt hơn về kết cấu hạ tầng cũng như điều kiện sinh hoạt. Tính đến thời điểm hiện nay, thành phố đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 164 khu chung cư với 7.756 căn hộ. Ngoài ra, thành phố đang có 41 khối nhà với hơn 4.000 căn hộ đang được triển khai xây dựng và 59 khối nhà với gần 8.700 căn hộ đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Với quỹ nhà hiện có, Đà Nẵng có chủ trương tạo cuộc sống ổn định cho các hộ dân đang trong quá trình tái định cư, đồng thời bố trí các hộ đang ở trong các khu nhà liền kề và các khu tập thể xuống cấp đã xây dựng trước đây vào các khu chung cư mới để từng bước cải thiện điều kiện sinh hoạt của người dân.
Ông Nguyễn Đăng Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố cho biết, trong quỹ An sinh xã hội vận động các doanh nghiệp đóng góp, ưu tiên số 1 của MTTQ các cấp là xóa nhà tạm cho hộ nghèo và giúp xây nhà đại đoàn kết. Qua 12 năm triển khai đã xây dựng được 12 nghìn căn nhà đại đoàn kết (từ 8 triệu/hộ nay tăng lên 25 triệu đồng/hộ), đồng nghĩa với 12 nghìn hộ dân có nhà ở ổn định; hỗ trợ trên 5.000 căn nhà xuống cấp, cơ bản đã xóa xong vấn đề nhà tạm. Cách làm của Đà Nẵng cũng khác trong hỗ trợ xây nhà đại đoàn kết, theo mô hình có nhà ở vững chắc kiểu “3 trong 1” là xóa nhà tạm, chống bão và chống lũ. Những hộ không có đất ở ổn định được thành phố bố trí chung cư cho hộ nghèo và hộ thu nhập thấp. Đặc biệt, ông Nguyễn Đăng Hải nhấn mạnh, để triển khai tốt chương trình “3 có” - với vấn đề có nhà ở - chúng ta phải phấn đấu nhiều hơn nữa, phải vận động từ nhiều nguồn lực. Từ khái niệm có nhà ở đặt ra mục tiêu khi đã có nhà, mỗi người phải tự vươn lên làm ăn, làm giàu cho gia đình, không thể trông chờ vào sự giúp đỡ của Nhà nước…
Từ đầu năm 2012 đến nay, thành phố có chủ trương không thu tiền thuê nhà chung cư với các đối tượng sau: 1.346 hộ diện giải tỏa, 69 hộ ở tạm chờ đất, 177 hộ thuộc diện bán đấu giá hoặc cho các đơn vị mượn để cưỡng chế với tổng số tiền 291 triệu đồng. Có 880 hộ nghèo ở chung cư được giảm 50% tiền thuê nhà với tổng số tiền gần 200 triệu đồng. Có 246 hộ thuộc diện chính sách (liệt sĩ, thương binh, có công với cách mạng…) được miễn giảm tiền thuê nhà các mức 50%, 70% và 100%... Nguồn: Phòng Quản lý chung cư, Công ty Quản lý Nhà chung cư TP. Đà Nẵng |
HOÀNG NHUNG