.
Chương trình “Thành phố có nhà ở”

Để sớm chạm tay vào đích

Cũng như Chương trình “Thành phố có việc làm”, Chương trình “Thành phố có nhà ở” là bộ phận hợp thành quan trọng của Chương trình “Thành phố 3 có” - một chương trình an sinh xã hội nổi tiếng từng góp phần khẳng định thương hiệu Đà Nẵng những năm qua.

Chương trình “Thành phố có nhà ở” bao gồm cả việc hình thành các khu nhà ở hiện đại với những căn hộ cao cấp đầy đủ tiện nghi, bao gồm cả việc người dân đô thị tự xây mới hoặc tự nâng cấp nhà ở của mình cho kiên cố và sang trọng hơn; nhưng Chương trình “Thành phố có nhà ở” chủ yếu hướng tới việc hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư chung tay góp sức để những người không đủ khả năng về tài chính - những người thu nhập thấp - có điều kiện có được nhà ở, hơn thế nữa có điều kiện được sở hữu nhà ở. Có nhiều hình thức tạo điều kiện: thông qua các hoạt động từ thiện như là chương trình Mái ấm tình người của Hội Từ thiện thành phố và Đài Phát thanh-Truyền hình Đà Nẵng, hoặc thông qua các đề án của chính quyền thành phố như là Đề án xây dựng 7.000 căn hộ chung cư phục vụ Chương trình “có nhà ở” cho nhân dân trên địa bàn Đà Nẵng đang được tích cực triển khai, như là Đề án xây dựng ký túc xá cho sinh viên ngoại tỉnh đang học tập trên địa bàn thành phố…

Để sớm chạm tay vào đích của Chương trình “Thành phố có nhà ở”, cần đặt chương trình này trong bối cảnh đã có Nghị quyết Kỳ họp thứ 5 của Hội đồng Nhân dân thành phố khóa VIII về phân bổ dân cư trên địa bàn thành phố. Nói cách khác, các khu chung cư dành cho người thu nhập thấp - trong đó ưu tiên các trường hợp thuộc diện thu hồi đất phục vụ chỉnh trang đô thị nhưng chưa được bố trí đất tái định cư - cần được tiếp tục quy hoạch và xây dựng ở vùng ven nhằm giãn dân ra ngoại thành.

Tuy nhiên nếu hiểu nhà ở không chỉ là nơi để ở mà còn là một không gian sống, một môi trường sống an bình và văn hóa thì các khu chung cư được xây dựng ở xa trung tâm như vậy cần bảo đảm cho cuộc sống của những người thu nhập thấp có đủ tiện ích tối thiểu của cuộc sống đô thị như điện, như nước sạch, như phương tiện giao thông công cộng, như trạm y tế và nhất là trường học… Chính sách phân bố đầu tư cho giáo dục-đào tạo hiện nay đang có xu hướng tập trung vào khu vực trung tâm vốn có nhiều thuận lợi.

Thật ra đối với khu vực trung tâm là nơi có kinh tế phát triển, người dân có khả năng đóng góp cao hơn thì nên khuyến khích mở trường ngoài công lập có thể thu học phí cao tương ứng với chất lượng phục vụ, nhường ngân sách để đầu tư cho giáo dục ở vùng khó khăn, cư dân nghèo thu nhập thấp. Ngân sách nói ở đây bao gồm cả kinh phí dùng để ưu đãi thu hút thầy giỏi chứ không chỉ là kinh phí xây dựng cơ sở vật chất-kỹ thuật phục vụ cho dạy - học. Về vấn đề này, Nhật Bản cũng từng có một quan niệm tương tự: chính phủ Nhật ưu tiên đầu tư cho những trường nghèo và còn hạn chế về điều kiện nâng cao học vấn cho học sinh chứ không tập trung quá nhiều cho các trường điểm tại những thành phố lớn. Đó cũng là cách góp phần tạo nên sự công bằng trong giáo dục - một khía cạnh cốt lõi của công bằng xã hội.

Các khu chung cư dành cho người thu nhập thấp được đầu tư từ ngân sách thành phố chủ yếu để cho thuê - thậm chí để bố trí miễn phí cho các trường hợp thuộc diện thu hồi đất phục vụ chỉnh trang đô thị nhưng chưa được bố trí đất tái định cư. Điều này không có trở lực gì lớn nếu như quỹ phúc lợi của thành phố đủ khả năng gánh vác. Tuy nhiên trong bối cảnh thành phố đang mất cân đối thu - chi như hiện nay, để có thể tiếp tục duy trì và sớm chạm tay vào đích của Chương trình “Thành phố có nhà ở”, chính quyền thành phố cần tính đến phương án bán trả góp một số căn hộ chung cư cho những người thu nhập thấp có nhu cầu sở hữu căn hộ đang ở và điều kiện tài chính ổn định, nhằm thu hồi vốn để tái đầu tư xây dựng những khu chung cư mới. Để tăng thêm tính khả thi, cần có cơ chế ưu đãi thu hút các ngân hàng thương mại vào cuộc bằng cách cho chủ hộ vay tiền để mua nhà của chính quyền thành phố, sau đó chủ hộ sẽ trả dần hằng tháng với lãi suất phù hợp cho ngân hàng. Kinh nghiệm của Singapore cho thấy ngay từ năm 1964, chính phủ Đảo quốc Sư tử đã thực hiện kế hoạch “Cung cấp quyền sở hữu nhà cho người dân” nhằm tạo điều kiện cho người dân mua được căn hộ của chính mình dưới hình thức hỗ trợ tiền vay thế chấp lãi suất thấp và kéo dài thời gian hoàn vốn.

Đối với một địa phương đang nỗ lực thực hiện chính sách an sinh xã hội với nhiều cách làm mạnh dạn và mới mẻ như Đà Nẵng, chắc chắn Chương trình “Thành phố có nhà ở” sẽ tiếp tục được thúc đẩy bằng những giải pháp ngày càng căn cơ hơn, chẳng hạn như bên cạnh việc khẳng định vai trò hết sức quan trọng của chính quyền thành phố, của hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư, cần đề cao và phát huy đúng mức hơn vai trò của những chủ thể khác như các nhà đầu tư vào thị trường nhà ở xã hội và nhất là bản thân người thu nhập thấp…

BÙI VĂN TIẾNG

;
.
.
.
.
.