.
CHUYỆN XƯA XỨ QUẢNG

Giai thoại về Học Hoàng

.

Ông tên thật là Trương Trọng Hoàng, người ấp Lạc Thiện làng Hòa Mỹ Tây, tổng Chiên Đàn, huyện Hà Đông xưa (nay là thôn Thuận An, xã Tam An, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) sống vào khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.

Ông học giỏi nhưng thi Hương mãi không đỗ, chỉ được danh hiệu “Học sinh”; vì thế, người địa phương quen gọi là Học Hoàng. Do văn hay chữ tốt, ông thường được nhiều người tìm đến để xin chữ dùng cho việc hiếu hỉ. Nhiều vị cao niên ở làng Hòa Tây còn nhớ nhiều giai thoại về ông.

Tập sách có đăng toàn văn bài “Tam Kỳ phủ, bách thập bát xã” của Học Hoàng.
Tập sách có đăng toàn văn bài “Tam Kỳ phủ, bách thập bát xã” của Học Hoàng.

“Phong cự”

Ở phủ Tam Kỳ xưa có một tay Việt gian ngầm làm việc đắc lực cho Pháp. Y không giữ chức vụ gì nhưng lý hương ai cũng kiêng dè và tìm cách xuê xoa để y không tâu với quan trên những điều bất lợi đối với mình. Một lần, nhà cụ Cử Trịnh (tức cử nhân Trịnh Luyện) có đám giỗ, mời Học Hoàng đến dự. Cụ Học từ chối, thưa: “Học vấn tui dưới hạng tú tài, đâu dám ngồi với mấy ông tú, ông cử là khách của anh”. Biết chú em cột chèo nói kháy, cụ Cử cười: “Chú nói thế chứ tài văn chương của chú ở đây ai không biết! Mời chú xuống, có việc chúng tôi cần nhờ!”.

Cụ Học xuống Kim Đới (quê cụ Cử); giữa bữa giỗ thấy khách khứa bàn chuyện làm tấm hoành phi đi mừng nhà mới tay Việt gian nói trên. Ai cũng đồng lòng nhờ cụ Học Hoàng nghĩ cho mấy chữ. Cụ Học bảo: “Chữ viết cho hoành phi thì phải ít - mà tính tui thì viết càng ít càng tốt. Nay quý ông phó thác, tôi xin ghi hai chữ phong cự . Quý ông nghĩ sao?”. Nghĩ sao nữa! “Phong” nghĩa là nền nếp gia phong; “Cự” nghĩa là lớn lao, được nhiều người tôn xưng. Cả tiệc giỗ đều đồng lòng chọn câu “Gia phong cao cả” mà cụ Học đề nghị.

Được tặng tấm biển “Phong cự ”, chủ nhân đắc ý cho treo ngay giữa gian nhà mới. Sau đó có người đến xem và bảo: “Ông bị chơi xỏ rồi!”. Sau khi được giải thích “phong” còn có nghĩa là “gió”, “cự ” còn có nghĩa là “chống”; chủ nhà tái mặt bởi hiểu ngay “gió chống ” là “giống chó”. Té ra thiên hạ chửi ngầm mình là “cái giống làm chó săn” cho thực dân, y hạ ngay tấm trướng xuống!

Quan “hám ăn” và quan đạo đức

Trước năm 1908, tri phủ Tam Kỳ là Từ Thiệp gian ác và tham ô có tiếng.  Mấy người buôn bán lớn ở Tam Kỳ có việc bèn chung nhau mang tiền đến lo lót nhưng vì chưa đạt yêu cầu nên y không nhận. Có người mách là quan rất giận. Các nhà buôn bàn nhau mang lụa và bút mực ra nhà cụ Học Hoàng xin chữ làm tấm trướng đi kèm theo với món tiền hối lộ lớn hơn cho “hợp lễ nghĩa”. Họ vừa ra khỏi ngã ba Chiên Đàn đến cống Ông Hiền thì gặp cụ Học trên đường vào Tam Kỳ. Mừng quá! Bèn kể lý do đến cụ xin chữ. Cụ bảo: “Sẵn đây tôi viết ngay cho”. Biết ý “muốn lấy lòng ” của các nhà buôn, cụ Học bảo họ mài mực, trải lụa ngay trên bệ cống rồi liền tay thảo mấy chữ “Tâm cảm nhân lương” (lòng cảm kích người tốt ). Bọn nhà buôn mừng quá vì đúng là bọn họ muốn bày tỏ lòng “cảm mến” (tâm cảm) với quan; lại nghe ca ngợi là người tốt (nhân lương) chắc quan rất hài lòng!

Khi tấm trướng yên vị ở phủ, một hôm Học Hoàng giả bộ đến xin xem. Khi đọc xong, cụ bảo với thư lại trong phủ: “Ai viết câu này thiệt là xấc xược hết chỗ nói!”. Chức việc trong phủ xúm nhau vặn hỏi, cụ khề khà giải thích: “Chữ  Tâm 忄(tấm lòng) nằm bên chữ Cảm 感 (cảm kích) là chữ Hám 憾 (giận); chữ Nhân 人 (người) nằm bên trên chữ Lương良 (tốt) là chữ Thực 食 (ăn). “Tâm cảm nhân lương” là có ý bảo quan phủ các anh “hám thực” - ngoài mặt làm ra vẻ giận nhưng trong lòng thì hám ăn”.

Nghe báo lại, Từ Thiệp tím mặt cho dỡ tấm trướng xuống ngay. Các nhà buôn hay tin, mặt cắt không còn giọt máu, chắc mẩm phen này thế nào cũng bị trị tới nơi. Rất may, Từ Thiệp chưa kịp xuống tay thì cuộc biểu tình chống sưu thuế nổ ra năm 1908  ở Tam Kỳ, y phải đổi đi nơi khác.

Sau đó, để yên lòng dân, chính quyền cử về Tam Kỳ một tri phủ có đức độ là ông Lê Trung Khoản. Khi ông về hưu, Học Hoàng làm một bài phú đưa tiễn ngầm khen tặng vị quan được yêu mến này. Bài phú đó có tên “Tam Kỳ phủ, bách thập bát xã” (118 xã thuộc phủ Tam Kỳ) dùng các địa danh làng xã tại địa phương để hình thành các cặp câu biền ngẫu có nghĩa hoàn chỉnh. Xin đơn cử một đoạn để thấy tài sắp xếp khéo léo của tác giả:

“Công ký Tài Đa/ Công hựu Phú Mỹ - Phẩm cách Long Bình/ Học vấn Sung Mỹ - Lam Điền, Tích Phước, chủng Quế Phương nhi bản, chiếm Xuân Vinh/ Thạnh Mỹ, Trường An, danh Phước Lộc nhi phong, gia Vinh Quý...”  

Tạm diễn ý: “Ông đã nhiều tài, lại (làm cho làng xã) giàu đẹp. (Ông) vừa có phẩm cách tươi tốt, vừa có học vấn sung mãn. (Ông) tích phước đức như trồng cây quế thơm làm gốc (để) chiếm bảng vàng; (ông) mang lại sự hưng thịnh bằng an (cho làng xã), tiếng tốt như gió bay đi càng tăng thêm điều vinh quý”.

Trong đoạn văn trên có nhiều tên các làng xã xưa (được in nghiêng) ở phạm vi Phú Ninh, Tiên Phước và Núi Thành thuộc Nam Quảng Nam bây giờ.

PHÚ BÌNH

;
.
.
.
.
.