Lào chưa phải là thiên đường du lịch, vắng khu mua sắm sầm uất, không dịch vụ, khách sạn hạng sang. Nhưng đến Lào, người ta tìm thấy sự giàu có về tinh thần lẫn không gian yên bình, đậm chất Á đông tại Cánh đồng Chum ở Xiengkhuang, cố đô LuangPrabang, thủ đô Vientiane hay thị trấn Vang Vieng…
Một góc Khải hoàn môn Patuxay tại Lào. |
Những bước khởi sắc
Nhiều năm nay, các công ty du lịch tại Đà Nẵng muốn đưa khách Việt Nam sang Lào đều đi theo đường bộ qua các cửa khẩu Lao Bảo ở Quảng Trị hay Bờ Y ở Kon Tum. Không ít du khách có sở thích tổ chức đoàn đi bằng ô-tô tự lái (caravan) sang Lào. Anh Nguyễn Hồng Tuấn, phụ trách tour Lào, Công ty TNHH MTV Lữ hành Vitours Đà Nẵng cho rằng, điều thú vị trong loại hình du lịch caravan là suốt hành trình, những thành viên trong đoàn có dịp trao đổi, chia sẻ cảm xúc, thông tin, hình ảnh về điểm đến qua máy bộ đàm hay chủ động dừng chân ở bất kỳ địa điểm nào mình yêu thích để chụp ảnh, khám phá. Nhờ tính ưu việt này, cuối năm 2011, Vitours đã đón đoàn caravan Lào gồm 22 xe 4 chỗ ngồi đến tham quan, mua sắm tại Đà Nẵng. Ngược lại, Vitours cũng tổ chức 4 đoàn tham quan (mỗi đoàn khoảng 50 khách) đi theo đường hành lang kinh tế Đông Tây sang Lào. Mỗi đoàn tham quan thường mang theo hướng dẫn viên du lịch là người Việt Nam tại Lào hoặc người Lào sinh sống, học tập tại Việt Nam để thuận tiện trong việc giao tiếp.
Nắm bắt nhu cầu đi lại của du khách, cuối tháng 3-2012, sau quá trình khảo sát, nghiên cứu, Hãng hàng không Quốc gia Lào (Lao Airlines) đã thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên lộ trình Pakse – Savannakhet – Đà Nẵng, đưa 70 hành khách đáp xuống sân bay quốc tế Đà Nẵng. Sau chuyến bay này, Lao Airlines đã mở văn phòng đại diện tại Đà Nẵng để khai thác nguồn khách du lịch hai chiều Lào-Việt. Chặng đi xuất phát từ Pakse lúc 9 giờ đến Savannakhet lúc 9 giờ 30, từ Savannakhet chuyến bay khởi hành lúc 10 giờ 10 đến Đà Nẵng lúc 11 giờ 40. Chặng về từ Đà Nẵng lúc 14 giờ 10, trở lại Savannakhet lúc 15 giờ 40. Đại diện Lao Airlines tại Đà Nẵng cho biết, thị trường khách tiềm năng cho đường bay này là Việt kiều tại Savannakhet và khách đi theo tour du lịch. Khi có nguồn khách ổn định, Lao Airlines sẽ thường xuyên tổ chức đường bay trên với tần suất 3 chuyến/tuần vào thứ ba, năm, bảy bằng máy bay ATR72. Để duy trì đường bay, hãng Lao Airlines cũng sẽ nối chuyến từ thủ đô Vientiane (Lào), Bangkok (Thái Lan) về Pakse để tăng lượng khách.
Ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng nói, để tránh tình trạng “chết yểu” như một số đường bay quốc tế khác, phía Đà Nẵng đề nghị Lao Airlines tổ chức các đoàn famtrip đưa các hãng lữ hành, đại diện khách sạn, báo chí Lào đến Đà Nẵng và miền Trung tìm hiểu trị trường, sản phẩm du lịch, trao đổi hợp tác với các doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng và ngược lại. Cũng theo ông Bình, nằm trong khuôn khổ hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Đà Nẵng đến thị trường Lào, đầu tháng 11-2012, Trung tâm đã tham gia hoạt động Năm du lịch quốc gia Lào tại tỉnh Savanakhet, tiến hành phát phiếu khảo sát trên các chuyến bay Lao Airlines để biết được nhu cầu của khách Lào trong thời gian tới. Hiện nay, lượng khách Lào đến Đà Nẵng chưa nhiều. Để thu hút, Đà Nẵng cần đưa ra mức giá cạnh tranh, căn cứ trên lợi thế du lịch và quan hệ hợp tác hữu nghị Việt-Lào.
Công viên của Phật ở tỉnh Xiengkhuang, nơi đây có những tượng Phật rất lớn. |
Đi và cảm nhận
Được biết, Vitours Đà Nẵng đang có một số chương trình tour như “Vientiane hoa trắng tháp vàng” 5 ngày 4 đêm theo lộ trình từ Đà Nẵng-Lao Bảo-Thakhet-Vientiane-Savanakhet-Huế hay tour “Đến Nam Lào” theo lộ trình Đà Nẵng-Kon Tum-Pakse-Watphou-Savanakhet-Vientiane-Thakhet-Lao Bảo-Huế với thời gian tương tự. Đây là 2 tour sang Lào được nhiều du khách lựa chọn thời gian qua. Các tour thường xuyên khởi hành vào thứ 7 hằng tuần, chưa kể tour ghép đoàn, xuất phát bất cứ lúc nào theo yêu cầu của khách.
Lào chưa phải là thiên đường du lịch, vắng khu mua sắm sầm uất, không dịch vụ, khách sạn hạng sang. Nhưng đến Lào, người ta tìm thấy sự giàu có về tinh thần lẫn không gian yên bình, tĩnh lặng, đậm chất Á đông tại Cánh đồng Chum ở Xiengkhuang, cố đô LuangPrabang, thủ đô Vientiane hay thị trấn Vang Vieng… Theo ông Nguyễn Hồng Tuấn, điểm thu hút du khách khi đến Lào còn là ẩm thực, đặc biệt là các món thịt nướng, lạp xưởng, cá hấp lá chuối, xôi nếp, dừa nướng (dừa để nguyên trái nướng vừa phải, rồi lột vỏ ướp lạnh), tép nhảy (tép sống, nặn chanh cho chín tái, cuốn với rau)… Ngược lại, du khách Lào khi đến Đà Nẵng thích tắm biển và ăn hải sản, mua sắm. Người Lào khá dễ chịu, hay cười, ít phàn nàn khi gặp tình huống không mong muốn trong quá trình tham quan, mua sắm. Có lẽ, tình hữu nghị bền chặt mấy chục năm là sợi dây gắn kết giúp du khách 2 nước dành cho nhau cái nhìn thiện cảm, đầm ấm.
Anh Nguyễn Văn Hưng, từng theo đoàn caravan sang Lào dịp đầu năm đã chia sẻ một số điểm du khách không nên bỏ qua khi đến Lào như Hang động ở Viengxay, Wat Sisaket, Patuxay, Pha That Luang, cố đô LuangPrabang, Cánh đồng Chum ở Xiengkhuang, Vientiane… “Ai thích sự sôi động, ồn ào sẽ nghĩ Lào buồn lắm. Nhưng, phía trong nếp sống trầm lặng đó là cách sống “biết hưởng thụ”, phong phú về tinh thần. Theo tôi, khi đánh giá một đất nước không chỉ nhìn vào sự sung túc về vật chất mà phải nhìn vào sự giàu có về tinh thần. Ở mức độ cá nhân, tôi thấy người Lào thật giàu có, họ bằng lòng với thực tại”, anh Hưng nói.
TIỂU YẾN