.

Gốm cổ hồn Việt

.

Hiện sở hữu bộ sưu tập đồ sứ Trung Quốc và tiền cổ được giới chơi cổ vật cho là có giá trị, thế nhưng anh Trương Hoài Tuyên lại mê đắm đồ sành, anh gọi là đồ đất, xứ Việt.

 Anh Trương Hoài Tuyên mường tượng đến cảnh ché rượu Quảng Đức qua tay những người trước anh.
Anh Trương Hoài Tuyên mường tượng đến cảnh ché rượu Quảng Đức qua tay những người trước anh.

Trong giới chơi cổ vật ở Đà Nẵng, nếu hai “cây đa” Dương Thái Bình và Phạm Phú Khánh am hiểu chuyên sâu về đồ sứ thì nhà sưu tập Trương Hoài Tuyên lại có thể cho lời khuyên cho bất cứ ai muốn tìm hiểu về tiền cổ và… đồ đất nung. Tiền cổ là thú chơi hạng “quý tộc”, ai mà không mê; có điều, lại “kiêm” luôn cái việc mê đồ đất nung, sản phẩm dành cho giới bình dân, ở một con người thì quả là… xưa nay hiếm.

16 năm trước anh làm nghề buôn phế liệu. Một lần vào Phú Yên, nghe có người bán mấy kg tiền cổ, anh đến nơi thì thấy có thêm cái ché rượu bằng sành kiểu dáng, màu men rất lạ, do đồng bào dân tộc đem xuống đổi. Tiện thể, anh mua luôn cả hai. Chiếc ché, lúc đầu cứ tưởng lâu ngày nó bị dính bùn đất, về kỳ cọ ra mới hay dưới lớp men là hoa văn vẽ chìm. Mù tịt về kiến thức cổ vật, anh nhờ những người chuyên đồ gốm cổ tra cứu, thì ra đó là sản phẩm của làng gốm cổ Quảng Đức ở Tuy An, tỉnh Phú Yên.

Gốm cổ Quảng Đức ra đời từ hơn ba trăm năm trước. Thời hoàng kim, sản phẩm của làng nghề nổi tiếng này đã được bán đi nhiều nơi trong nước, từ người Kinh đến người Thượng, cả quan ta lẫn quan Tây khắp vùng đều tìm đến mua. Triều Nguyễn biết tiếng, từng cho người đặt các nghệ nhân nơi đây làm những chậu hoa lớn bằng đất nung đắp nổi các hình tượng như: Tứ linh, Bát tiên quá hải, Ngư tiều canh mục,… để đưa về trang trí cho kinh thành Huế.

Cái ché rượu của anh Tuyên không phải là vật dụng của vua chúa, quan lại, nhưng anh lại mê tít. Anh gọi nó là “hàng độc”, đi khắp nơi chưa thấy cái thứ hai. Trong nhà anh có chiếc bình rượu gốm sứ đời Khang Hy, Trung Quốc, anh đem ra đặt cạnh chiếc ché Quảng Đức rồi xuýt xoa: “Anh thấy không, đồ Việt ăn đứt đồ Tàu. Xem hai cái đứng cạnh nhau mới thấy cái hồn Việt, cái chất Việt không lẫn vào đâu được”.

Đồ gốm là những đồ vật được tạo hình từ chất liệu gốm và được nung ở nhiệt độ thấp nhất là 5000C. Đồ gốm bao gồm đồ đất nung không tráng men hoặc có tráng men, đồ gốm trơn, đồ sành, đồ bán sứ, và đồ sứ. Sành là loại gốm rất rắn, chế từ đất sét thô, có tráng men, nung ở nhiệt độ khoảng 1.0000C.

Đứng bên bình sứ Tàu, chiếc ché sành Quảng Đức như cô gái chân quê đứng bên nàng thiếu nữ đài các chốn thị thành. Anh thích cái chân quê như ngày trước Nguyễn Bính từng trải lòng: “Van em, em hãy giữ nguyên quê mùa”. Những lúc chạm tay lên “cô gái chân quê” kỳ lạ ấy, anh mường tượng cái cuộc phiêu lưu kỳ thú của “cô” qua tay biết bao người, bao đời trước khi đến với anh. “Cô” hẳn đã đi qua rất nhiều đám ma, đám cưới, hay những cuộc chia tay, hội ngộ… và được chuyền tay qua nhiều người với những tự tình chân phác khi thì nỉ non, ai oán, lúc lại náo nức, hân hoan.

Cái duyên ban đầu là sưu tập tiền xu bằng đồng, nhưng khi bắt gặp đồ đất nung gắn với đời sống người Việt, anh lại đâm mê ngay. Tuy chỉ đơn giản là những bình vôi, ấm trà, ché rượu... nhưng mỗi thứ có thể kể cuộc đời thăng trầm của mình bằng một ngôn ngữ dành riêng cho những người biết nghe. Anh nhặt nhạnh, nhặt nhạnh mãi cho đủ các kiểu dáng của từng bộ sưu tập. Mà cái đồ cổ thì nhiều thứ đã thất truyền, phiêu dạt khắp chốn giang hồ, anh lo, không biết đến cuối đời có đủ bộ dược không?

Một chiếc bình rượu có dáng “độc”.
Một chiếc bình rượu có dáng “độc”.

Gặp cái ché rượu Quảng Đức là duyên may, chứ sưu tập đồ cổ chẳng khác nào đi câu, không phải bữa nào cũng được. Một lần nghe ở Bình Định có người có đến mấy chục cái bình rượu, anh cất công vào đó “điều đình” 3 lần mới mua được. Lần khác, nghe ngoài Cù Lao Chàm có câu đối cổ, anh ra nài nỉ mãi mà dân không chịu nhượng lại, đành quay qua sưu tập... vỏ ốc. Bắt gặp một chiếc vỏ ốc khá lớn, dài khoảng 20cm, hoa văn đều, đẹp như là có con người đặt bút vẽ lên, anh mua 500 nghìn đồng, một số tiền cách đây hơn 10 năm là khá lớn. Chuyến đi coi như mất, nhưng cái được là vô giá: tận mắt chiêm ngưỡng không gian nguyên sơ của cái cù lao nằm heo hút ngoài khơi Hội An, lúc nó chưa biết đến thế nào là khói xe máy.

Bảo tàng Phú Yên hiện trưng bày nguyên một bộ sưu tập gốm cổ Quảng Đức. Lò gốm lừng danh này đã chấm dứt việc chế tác theo lối truyền thống từ năm 1950 do chiến tranh giặc dã, nhưng những sản phẩm gốm men sò của Quảng Đức còn sót lại cũng đủ minh chứng cho một thời vang bóng của dòng gốm này. Cũng vì mê cái ché rượu Quảng Đức, anh đã biết đến các đồ đất nung ở các lò gốm Châu Ổ (Quảng Ngãi), gốm Gò Sành (Bình Định)… Tuy mỗi lò, mỗi dòng sản phẩm có một nét riêng, nhưng cái chung nhất là tất cả đều toát lên cái hồn Việt, chất Việt.

 Cái ché rượu Quảng Đức của anh ngó qua thì chẳng thấy gì, nhưng đích thị đạt 4 tiêu chuẩn định giá đồ cổ (nhất dáng, nhì da, tam kỳ, tứ cổ) của anh em trong nghề. Nghĩa là, vừa hội đủ kiểu dáng, nước men, lạ, xưa, thêm nữa, còn minh chứng cụ thể của tinh thần tự tôn dân tộc, không bắt chước ai. “Rượu ngon chẳng quản be sành/ Áo rách khéo vá hơn lành vụng may”, ông bà mình dạy thế, bảo sao anh không quý nó cho được?...

VIÊN PHÚC QUÂN

;
.
.
.
.
.