.
Quán bên đường

Học thêm bị cấm, học... kèm bùng lên!

Tưởng cấm dạy thêm, học thêm, học sinh sẽ được giảm phần nào áp lực. Trên thực tế, học thêm bị cấm thì tình trạng học kèm lại được dịp bùng lên.

Anh chị làm tạp vụ của khách sạn nuôi hai con học tiểu học. Trước đây, họ phải làm thêm mới đủ tiền trang trải cho việc ăn học của con. Dạo này, học thêm bị cấm, sợ con không theo kịp chương trình trên lớp, anh chị lại lo “cày” kiếm thêm tiền để có thể mời gia sư về kèm cặp con mình.

Ở nhà bên cạnh, thầy thuốc đông y bỗng phải kiêm thêm nghề giáo viên bất đắc dĩ. Cũng vì lo con không tự “bơi” với chương trình như hiện nay, nên các ngày nghỉ và buổi tối biến thành giờ học sôi nổi của cả gia đình. Mẹ các bé cho hay đang tìm gia sư tốt về kèm con trở thành học sinh giỏi.

Mục đích không cho dạy thêm, học thêm là nhằm giúp học sinh được giảm gánh nặng bài vở, phụ huynh bớt chi phí cho con học hành và góp phần hạn chế tình trạng “chạy” trước chương trình trên lớp. Ngược một nỗi là bị cấm đi học thêm nhưng học sinh lại được thoải mái đi học kèm. Bên cạnh đó, ở các buổi học kèm, học sinh có thể “chạy” trước chương trình bao nhiêu cũng được! Chưa kể nhiều nơi học sinh vẫn còn bù đầu học thêm… chui như thường.

Điều này cho thấy “thị trường” học vẫn đang vận hành theo quy luật cung-cầu. Nếu thực sự người học rất cần học thêm theo đúng nghĩa là học “để hiểu biết thêm” thì cấm hay quản lý mới là giải pháp hay trong thời điểm hiện nay? Bên cạnh đó, cứ để học sinh than thở vì khối lượng bài vở quá tải; nhà trường, xã hội vẫn coi trọng thành tích học tập hơn chất lượng thực tế thì có cấm dạy thêm, học thêm cũng chỉ là cách để những kiểu dạy khác phát triển. Có chăng là cách dạy và cách học “mới” không dùng chữ “thêm” mà nằm dưới một tên gọi khác để tránh sự bắt bớ của pháp luật…

TRÀ MY

;
.
.
.
.
.