.

Thăm lăng mộ Hồng Y Thụy Thái Vương

.

Lăng mộ của Hồng Y Thụy Thái Vương tuy cũng nằm trên địa bàn thuộc huyện (nay là thị xã) Hương Trà nhưng đi lại trắc trở, khá xa. Vì thế mà ít người biết, nếu không được người trong Phủ Thụy Thái hướng dẫn thì tôi cũng khó đặt chân đến.

Cửa vào lăng Thụy Thái vương.
Cửa vào lăng Thụy Thái vương.

Rời Huế, tôi theo quốc lộ 1A ra phía Bắc. Vượt qua ngã ba đường tránh Huế đến thị xã Hương Trà ở Tứ Hạ, cách Huế chừng 17 cây số. Chạy thêm chừng vài cây số nữa đến gần đầu phía nam cầu An Lỗ nhìn qua thì thấy có một con đường nhỏ dẫn lên phía tây. Theo con đường làng này vài cây số xuất hiện một cổng làng mang tên Lai Thành. Nhưng rất tiếc, lăng mộ Hồng Y không còn thuộc làng Lai Thành như sử sách đã ghi. Dân địa phương bảo “Phải đi lên phía tây, vượt ngang qua khỏi đường sắt phía nam cầu Hiền Sĩ chừng 100m nữa, hỏi người ta chỉ cho”. Đúng như vậy. Lăng mộ Hồng Y Thụy Thái Vương dựng trên một gò cao nhìn ra bờ nam sông Bồ trong xanh, nay thuộc tổ Long Khê, Phường Hương Vân, TX Hương Trà, cách về phía tây đường sắt 100m, cách quốc lộ 1A ở đầu phía nam cầu An Lỗ 3km, và cách Phủ Thụy Thái gần 24km.

Tuy trên bản đồ thuộc Phường Hương Vân nhưng trong thực tế, tổ Long Khê vẫn quê như bất cứ một làng quê vùng đồi núi nào khác. Từ đường làng ven sông Bồ nhìn lên thấy Cửa cổng dẫn vào lăng uy nghi như một tòa tháp dựng lên giữa một vùng cây cỏ um tùm.

Cái cảnh quan hoang vu của ngôi lăng chứng tỏ nơi đây còn giữ được sự yên tĩnh hiếm có. Một cảm giác “khám phá cổ” rất thú vị dâng lên trong lòng tôi. Tôi vạch cỏ, bẻ cây leo lên hơn mươi bậc cấp đến cửa lăng. Hai cánh cửa song sắt rỉ rét khép hờ tôi đẩy cửa bước vào lăng.   

Như vào thăm lăng mộ các ông hoàng bà chúa khác, tôi gặp ngay một bức bình phong lớn. Theo kiến trúc Huế quan niệm dựng bức bình phong để ngăn đón ma quỷ và những luồng gió độc thổi vào thạch mộ, buộc người vào lăng phải rẽ ra hai bên phải và trái. Sau bức bình phong xây hai nhà bia thấp vững chắc nhưng đường nét tinh tế. Bên trong dựng hai tấm bia đá thanh khắc tiểu sử cuộc đời của Hồng Y Thụy Thái Vương.

Tấm bia phía sau khắc cả hai mặt. Mặt nhìn ra ngoài  khắc dòng chữ  Hán:  “Thụy Thái Vương Thụy Đôn Chính Chi Tẩm”

Từ nhà bia nhìn vào trong thấy một thạch mộ ba tầng, bốn mái, trụ giữa một cái sân rộng. được bảo vệ mặt hậu bằng một bức bình phong lớn. Cặp nhà bia vững chắc, khoảnh sân rộng, thạch mộ và bức bình phong hậu to lớn, chứng tỏ những người chủ xây dựng ngôi lăng mộ đã nghĩ đến việc đối phó với sự tàn phá của khí hậu mưa nằng gió bão ở Huế. Tôi đã đi nghiên cứu nhiều khu lăng mộ của các ông hoàng bà chúa nhưng ít thấy có nơi nào gây cho tôi cảm giác bền vững như khu lăng mộ này. Tôi hơi thắc mắc thì khi bước đến cuối thạch mộ, đọc được hai tấm bia mạ chữ vàng đính vào mặt trong bức bình phong hậu, thắc mắc của tôi được giải đáp ngay.

Nhìn từ ngoài vào, tấm bên trái khắc (phiên âm chữ Hán) tóm tắt tiểu sử của ông:

NGUYỄN PHƯỚC TỘC,
ĐỆ TAM CHÁNH HỆ,
THỤY THÁI VƯƠNG,
HIẾN TỔ CHƯƠNG HOÀNG ĐẾ ĐỆ TỨ TỬ
SINH Ư MINH MỆNH THẬP TỨ NIÊN (1833)
HOÀNG VŨ TỰ ĐỨC TAM THẬP NIÊN (1877)
NĂNG VĂN THIÊN THỊ  MINH DANH VU THẾ
ĐỆ NHỊ TỬ NÃI CUNG TÔN HUỆ HOÀNG ĐẾ
TỰ TÔN VỊ  HOÀNG ĐẾ THÀNH THÁI
TẰNG TÔN VI DUY TÂN HOÀNG ĐẾ
ĐẦU THIÊN NIÊN KỶ III
CANH THÌN NIÊN MẠNH ĐÔNG CÁT NHẬT,
THỤY THÁI VƯƠNG PHÒNG ĐỒNG CẨN GHI”

 

Tấm bên phải ghi (chữ quốc ngữ):

“Lăng được trùng tu đầu Thiên niên kỷ thứ III, vào ngày 6-9-2000 (9 tháng 8 năm Canh Thìn) với kinh phí do Trưởng Nam  của ông bà Vĩnh Cơ là Bảo Hưởng phụng cúng bởi hiếu tâm, với sự cộng tác của Ban Quản trị Phủ cùng tất cả bà con Thụy Thái Vương Phòng trong và ngoài nước . Đương kim Chủ tự Bảo Túc phụng ghi”

Như thế khu lăng mới được trùng tu 13 năm (2000-2012). Sau này gặp lại người trong Phủ thờ, tôi nhắc lại thắc mắc của tôi và được bà con cho biết thêm: Phủ và người cháu có hiếu tâm bỏ tiền ra trùng tu khu lăng yêu cầu nhà thầu phải thực hiện 2 tiêu chí nghiêm ngặt nhất: Một là giữ nguyên kích thước, hình dáng, đường nét y như lăng được xây dựng dưới thời Tự Đức; hai là trùng tu bằng vật liệu tốt nhất để khu lăng có tuổi thọ cao trước sự khắc nghiệt của khí hậu thời tiết ở Huế. Thảo nào! Nhờ sự bền vững như thế nên dù chung quanh cây rừng mọc um tùm khu lăng mộ vẫn không bị tác động gì. Trùng tu di tích của người trong dòng họ mà chủ trương và thực hiện được như thế thật đáng quý. Nhiều di tích quốc gia được Nhà nước bỏ tiền tỷ ra trùng tu, có nơi trùng tu đã làm biến dạng mất cái gốc của di tích và vừa trùng tu xong đã hỏng.  

Một điều thú vị nữa mà bất cứ ai đi thăm khu lăng cũng sẽ thấy ngay: Khu lăng tọa lạc trên một dãy đồi cao, mặt nhìn về phía tây - bắc. Dòng sông Bồ trong xanh làm tiền án chảy từ trái sang phải ngay dưới chân đồi, vượt qua bên kia sông, nơi xa kia là dãy Trường Sơn hùng vĩ  bạt ngàn. Thật là một nơi “cát địa” (đất tốt). Có lẽ nhờ thế mà Hồng Y Thụy Thái Vương chỉ là một ông hoàng mà có ba đời con, cháu rồi chắt nữa làm vua. Điều bí ẩn, không rõ nơi  “Cát địa” ấy ẩn chứa một yếu điểm gì không mà hậu duệ của ông làm vua mà “một vua chết đói, hai vua bị đày!”. Ông Bảo Nhẫn – người chăm sóc Phủ Thụy Thái hiện nay kể với tôi: “Tôi nghe người xưa truyền lại: Lúc Ngài Thụy Thái qua đời, các thầy địa của Nam triều tìm mãi không chọn được cát địa (đất tốt) để táng ông. Sau đó vua Tự Đức phải cho vời một ông thầy Tàu đến Huế mới tìm được huyệt mộ bên hữu ngạn sông Bồ cho ông. Huyệt mộ tốt, con ông (Ưng Ái), cháu ông (Bửu Lân) rồi chắt (Vĩnh San) của Phủ Thụy Thái được làm vua. Nhưng đến đầu thế kỷ XX, người Pháp làm đường xe lửa băng qua dãy đồi dành cho khu lăng mộ Thụy Thái, long mạch bị cắt đứt nên mới sinh ra “hai vua bị đày”. Không rõ chuyện phong thủy ấy có thực hay không rất khó kiểm chứng.

 Nhưng sự đời, được nhiều quá thì cũng phải chịu mất một phần mới công bằng! Tuy nhiên, trường hợp các vua cháu chắt của Hồng Y mất ngôi, bị đày nhưng lại được tiếng yêu nước. Chính nhờ cái tiếng yêu nước đó mà tên tuổi của các vị có chỗ đứng trong lịch sử, vững bền hơn cả sự bền vững của khu lăng mộ.

NGUYỄN ĐẮC XUÂN

;
.
.
.
.
.