.

Tình nguyện làm việc thiện

.

Công việc hằng ngày của những người làm việc thiện thoạt nghe thì bình thường, giản dị, nhưng đằng sau đó là những tấm lòng chan chứa tình người.

Anh Tôn Thất Phước, (bên trái) cùng giúp đỡ các bạn khuyết tật thắp hương tại Đài Tưởng niệm thành phố ngày 27-7-2012.
Anh Tôn Thất Phước, (bên trái) cùng giúp đỡ các bạn khuyết tật thắp hương tại Đài Tưởng niệm thành phố ngày 27-7-2012.

 Là tay, là chân,  là mắt… của người khác

 Ở đâu có người khuyết tật là thấy bóng dáng anh. Anh là đôi tay, đôi chân của những người khuyết tật vận động; là đôi mắt của những người khiếm thị; và vai trò anh đảm nhiệm nhiều nhất là “thông ngôn” cho những người khiếm thính. Còn anh - Tôn Thất Phước, thành viên Hội Người khuyết tật Đà Nẵng tự nhận mình-như cách nói của bạn bè, là “taxi Thuận Thành-gọi đâu có đó”.

Dáng nhỏ con, có vẻ hơi khắc khổ, nhưng khi anh cười cả khuôn mặt bừng sáng, mắt lấp lánh. Anh bảo: “Nhỏ nhỏ thế này chứ thừa sức bồng mấy người cỡ sáu chục ký đi lên cả chục bậc tam cấp của mấy hội trường không có đường dành riêng cho xe lăn…”. Từ 5 giờ chiều đến 12 giờ đêm, có khi là 3 giờ sáng, anh phụ vợ bán hàng ở chợ đêm Hòa Khánh. Còn thời gian trong ngày anh dành cho công tác từ thiện, hoặc nghe ngóng ở công ty, cơ sở sản xuất nào có nhận người khuyết tật là anh tìm đến xin việc cho các bạn; nếu không thì chở những người không có khả năng tự đi đến bệnh viện, ra ga… nếu họ có nhu cầu. Anh bảo ít nhiều thì mình cũng biết được quy trình khám bệnh tại bệnh viện, hay mua vé ở ga. Anh ước mong, nếu có kinh phí, thì năm tới sẽ tổ chức các lớp tập huấn tại bệnh viện, ga, bến xe để một bộ phận nhân viên các nơi này có kỹ năng, có thể giúp đỡ người khuyết tật.  

Anh Phước bảo mình tham gia hội người khuyết tật như cái duyên đưa đẩy. Mấy năm trước vợ anh bị tai nạn gãy chân, rồi mang tật. Vợ chồng anh nhân “sự việc” này liền đi vận động thành lập chi hội khuyết tật quận Liên Chiều, quy tụ gần 100 người, chủ yếu là khuyết tật vận động. Thế là anh “dính” luôn với công việc. Anh bảo các hội khuyết tật rất cần những tình nguyện viên lành lặn, xông xáo để có thể giúp đỡ những người thiệt thòi trong việc giải quyết giấy tờ thủ tục hành chính hay giao tiếp xã hội. Và anh trực tiếp quản lý nhóm người khiếm thính với 52 người. Hầu hết người khiếm thính (đã học ở các lớp ngôn ngữ ký hiệu của các trường chuyên biệt) còn yếu qua giao tiếp bằng ngôn ngữ chữ viết, nên sắp tới theo đề nghị của các bạn, anh Phước đứng ra tổ chức lớp học ôn lại các kiến thức văn hóa thông qua các bài viết, tập đọc, bài hát, giúp người khiếm thính có thể giao tiếp bằng chữ viết ở mọi lúc, mọi nơi. Các anh sẽ nhận được sự giúp đỡ của nhóm tình nguyện STC của ĐH Sư phạm Đà Nẵng. Những lớp học này sẽ được mở rộng ra địa bàn tỉnh Quảng Nam, giúp người khiếm thính ở Quảng Nam có cơ hội giao lưu, học tập như mọi người.

Một chút đóng góp vào cuộc sống

Đó là những gì mà P.T.T., một cộng tác viên (CTV) đồng đẳng chăm sóc người nhiễm HIV (người có H) tại nhà của quận Sơn Trà nói về công việc mình làm.

Nhóm của T. có 3 người, hiện đang chăm sóc 28 người có H. Hơn 1 năm nay, hằng tuần nhóm đồng đẳng dành 2 buổi đến gia đình bệnh nhân chăm sóc, hướng dẫn cho người thân của người bệnh các biện pháp phòng tránh để tránh lây nhiễm tổng hợp; đút ăn, nâng dậy, xoa bóp với những người trở bệnh nặng do bệnh cơ hội tấn công.

T. cho biết, hiện tại công việc chăm sóc đang rất dễ dàng, do mỗi người có H vẫn đang tự lao động, làm việc như người bình thường; các CTV đồng đẳng đến và chia sẻ với người bệnh như những người bạn, có khi là tri âm tri kỷ bởi nhiều người khi mắc bệnh đã không thể chia sẻ với vợ/chồng. Trước tiên, những CTV đồng đẳng đến với người có H trong vai trò là những người bạn, cùng giải tỏa tâm lý, sau đó là hướng dẫn cách tiếp cận với thuốc ARV (thuốc kháng HIV) và cuối cùng là những nguyên tắc tuân thủ điều trị để những bệnh cơ hội không có điều kiện tấn công.

Một năm trở lại đây, T. và các CTV đã tiễn 4 người bạn ra đi do người bệnh không tuân thủ điều trị, dù căn bệnh chưa chuyển sang giai đoạn cuối; trong đó có một trường hợp gia đình người bệnh bỏ mặc. Nhưng dù có được gia đình quan tâm đến đâu thì với 4 người ra đi ấy, các CTV đồng đẳng đều đến với họ từ phút đầu đến phút cuối. T. day dứt không biết đến bao giờ những kỳ thị, xa lánh với bệnh nhân nhiễm HIV mới chấm dứt, khi cả người thân cũng rất khắt khe với người bệnh. Nếu không có những nhóm chăm sóc cộng đồng, những đồng đẳng viên, thì những người bệnh khó lòng ra đi thanh thản, khi đến phút cuối họ còn gặp phải sự kỳ thị từ chính người thân. Cho nên các CTV đồng đẳng cứ mỗi năm 1 lần lại tổ chức gặp mặt, thắp nến cầu nguyện cho những người xấu số được thanh thản.

T. vẫn luôn cho rằng mình vẫn chưa làm được gì nhiều với cộng đồng, với xã hội, chỉ mới là một chút đóng góp nhỏ bé. Và rất nhiều người làm công tác thiện nguyện cũng luôn suy nghĩ vậy. Dù rằng, họ đã vừa làm cha vừa làm mẹ những trẻ em đường phố. Họ đã cưu mang hàng chục em vừa dạy thêu vừa nuôi ăn học trong căn nhà chật chội của mình. Họ đã ngoài tuổi 70 vẫn kiên trì gõ cửa các nhà từ thiện xin tiền chữa bệnh tim bẩm sinh cho trẻ em…

Xin được thầm lặng nghiêng mình trước những con người đã luôn đến với người kém may mắn hơn mình bằng tất cả tấm lòng, bằng cả tình yêu không cần đáp lại. Việc làm của họ đã giúp cho cuộc đời mỗi người bất hạnh thêm phần tươi sáng, để mỗi ngày thấy tương lai vẫn rất rộng mở. Những tấm lòng tình nguyện như ngày một nhân thêm sức mạnh, để đâu đó, chúng ta có thể tin rằng, người tốt không bao giờ ít đi trong cuộc sống.

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.