.

Toàn cầu hóa, văn học và ngôn ngữ Việt Nam đi về đâu?

Tại Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ tư với tiêu đề “Việt Nam trên con đường hội nhập và phát triển bền vững” diễn ra tại Hà Nội vừa qua đã thu hút hơn 1.000 nhà khoa học từ 36 nước trên thế giới về dự. Gần 800 tham luận đã được gửi trước đến hội thảo. Riêng Tiểu ban 8: Ngôn ngữ, văn học, nghệ thuật Việt Nam trong hội nhập và phát triển bền vững có tới 130 tham luận khoa học. Cái làm nên khác biệt lớn của hội thảo lần này là người tham dự biết nhập cuộc: vừa hội vừa thảo.

Tại Tiểu ban 8, tham luận “Toàn cầu hóa và cơ hội cho văn học Việt Nam” (Inrasara) được chọn báo cáo đầu tiên nhấn mạnh toàn cầu hóa tạo cơ hội cho tất cả mọi người thuộc mọi lĩnh vực ở mọi vùng đất. Với văn học hậu hiện đại Việt Nam, toàn cầu hóa qua sự hỗ trợ đầy hiệu quả của phương tiện Internet, đã làm nên thay đổi lớn trong văn học Việt Nam đương đại. Điều quan trọng là nhà phê bình phải “theo kịp” đà phát triển đó, để nhận diện và thúc đẩy nó, nếu không ta sẽ tụt hậu và mãi dị ứng với trào lưu văn học này. Nếu tham luận của Inrasara nghiêng về cái thực tiễn của hậu hiện đại Việt Nam thì nhà phê bình Phương Lựu có ý hướng đặt nền tảng cho thực tiễn đó bằng lý luận qua phân tích “Quan niệm về cái đẹp, nghệ thuật và văn học của văn học dân gian Việt Nam cùng ý nghĩa của nó trong giao lưu trước kia và ý nghĩa hiện nay”. Ông cho rằng tính hậu hiện đại đã tồn tại trong văn học dân gian Việt Nam, thế nên các nhà văn Việt Nam vẫn có thể tiếp nhận hậu hiện đại mà không vấn đề gì cả. Bởi trong quá khứ, người Việt đã làm được như thế. Trước bốn trào lưu tư tưởng lớn của Trung Quốc: Nho, Lão, Mặc, Pháp, ông bà ta đã khôn ngoan chọn tư tưởng Nho giáo và phần nào đó Lão giáo mà bỏ qua hai trào lưu sau.

Cùng đề tài, nhà phê bình thế hệ mới Ngô Hương Giang nhấn mạnh về tiện ích của Internet đối với văn học. Từ đó anh nêu lên cái được: nhà văn tiếp nhận nhanh và nhiều hơn, dân chủ hơn trong sáng tác và công bố tác phẩm. Bên cạnh, anh cũng cảnh báo về nguy cơ đánh mất cá tính sáng tạo của nhà văn trong thời đại toàn cầu hóa.

Đi ngược với tinh thần ba tham luận trên, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Chú cho rằng hậu hiện đại và các cách tân thơ hiện nay không đi đến đâu cả, nếu các nhà thơ đương thời không tìm đến cái đẹp vĩnh hằng của văn hóa dân tộc. Chúng ta thường nói đến cái tôi, nhưng - ông khẳng định - ở giai đoạn này tôi đoán chắc không có ai hiểu hàm nghĩa cái “tôi” cho tới nơi tới chốn. Ông thêm: Khát khao đổi mới là cần, nhưng sẽ không thể có cuộc cách mạng nào như thời Thơ Mới cả.

Chính ở điểm này, hội trường đã sôi động hẳn lên qua các thảo luận. Rằng, có hay chưa cuộc cách mạng trong văn học Việt Nam hôm nay, qua nảy nở và phát triển của trào lưu nghiên cứu, sáng tác và phê bình hậu hiện đại thời gian qua? Nếu có, từ yếu tố nào ta có thể khẳng định như vậy? Và làm thế nào để nhận diện nó? Đã có vài giải đáp, nhưng chưa thỏa đáng. Đề tài lớn về vấn đề lớn, một buổi thảo luận thì không thể bao quát hết được. Hội thảo vẫn là hứa hẹn cho một hội thảo khác nữa, ở thì tương lai.

Ở phiên thảo luận khác, các vấn đề nóng nhất của ngôn ngữ thời hội nhập được xới lên. Trước hết là luật ngôn ngữ được Nguyễn Văn Khang đề cập như là lộ trình đi đến việc xây dựng Luật ngôn ngữ ở Việt Nam. Tại sao cần có Luật ngôn ngữ? Ở Việt Nam có cần thiết cho điều này? Mươi năm qua báo chí hay ta thán lẫn cảnh báo về tình trạng ngôn ngữ thời @, ngôn ngữ chat vừa đánh mất lối nói, lối nghĩ truyền thống tiếng Việt, tệ hại hơn - đưa tiếng Việt ngày càng lai căng. Ở điểm này, Nguyễn Đức Tồn không nghĩ vậy. Ông đã khá chi li qua phân tích “vị thế của tiếng Việt thông qua các vai trò, chức năng mà nó đảm nhận với tư cách là Ngôn ngữ toàn dân, Ngôn ngữ dân tộc, Ngôn ngữ văn học, Ngôn ngữ chuẩn mực, Ngôn ngữ giao tiếp chung giữa các dân tộc, Ngôn ngữ quốc gia, Ngôn ngữ chính thức của Việt Nam”.

Toàn cầu hóa, tiếng Việt sẽ giàu lên, nếu chúng ta biết “tiếp biến”. Đáng báo động nhất phải là ngôn ngữ các dân tộc thiểu số. Việt Nam có 54 dân tộc thiểu số anh em với non trăm ngôn ngữ khác nhau. Trong đó có dân tộc mà số dân chỉ có vài trăm, thì việc bảo tồn tiếng mẹ đẻ của họ là điều thiên nan vạn nan. Với lối thuyết đầy lửa - qua trường hợp cụ thể là tiếng Êđê - Đoàn Văn Phúc cho biết từ nguyên do tâm lý (mặc cảm) thêm lối nghĩ thực dụng, vốn từ vựng của đại đa số dân tộc thiểu số rơi rụng đến không kịp thống kê. Câu hỏi đặt ra là: Dạy làm gì? Và dạy thế nào? 9 ngôn ngữ được tổ chức dạy trong nhà trường đã vậy, 80 ngôn ngữ khác còn ra sao nữa? Trong khi đó UNESCO cho biết, thế kỷ XXI này - thời đại toàn cầu hóa, 90% ngôn ngữ nhân loại sẽ bị biến mất!

Dẫu sao toàn cầu hóa đang xảy ra trên phạm vi toàn thế giới, không ai có thể phủ nhận và từ chối nó, mà phải nhập cuộc. Đó là điều tất cả mọi người tham dự hội thảo đều ý thức và đồng ý. Điều quan trọng là làm thế nào để tiếp nhận tinh hoa thế giới mà không tự đánh mất mình. Nhất là trên phương diện văn hóa, và cụ thể hơn, trong lĩnh vực văn học và ngôn ngữ, làm thế nào văn nghệ sĩ Việt Nam có thể lao thẳng vào thế giới mà không mất bản thể Việt Nam? Trả lời được câu hỏi đó là điều khó. Nhưng câu hỏi đặt ra và buộc nhà khoa học, nhà văn phải trả lời. Toàn cầu hóa vừa là cơ hội vừa là thách thức, là vậy.

INRASARA

;
.
.
.
.
.