.

Tương đồng văn hóa

.

“Hai nước Việt-Lào cùng dựa lưng vào dãy Trường Sơn, đồng hành trong suốt chiều dài lịch sử từ cội nguồn Bách Việt đến các giai đoạn hình thành nhà nước. Ngôn ngữ Việt-Lào thuộc khối ngôn ngữ Nam Á, thuộc nhóm Môn Khơ Me và Tày Thái; bắt nguồn từ ngôn ngữ, dẫn đến văn hóa và văn học Việt-Lào có nhiều điểm tương đồng là điều tất yếu…”, TS Lê Đức Luận, Khoa Ngữ văn, ĐH Sư phạm Đà Nẵng nhận định về văn học Lào sau hơn 10 năm nghiên cứu và giảng dạy.

TS Lê Đức Luận (thứ 5 từ phải sang, hàng trên) và các du học sinh Lào đang theo học tại ĐH Sư phạm Đà Nẵng.
TS Lê Đức Luận (thứ 5 từ phải sang, hàng trên) và các du học sinh Lào đang theo học tại ĐH Sư phạm Đà Nẵng.

Tôi đến với tiếng Lào như một cơ duyên

Năm 2000, TS Lê Đức Luận được phân công giảng dạy phần văn học dân gian Lào trong bộ môn Văn học so sánh. Đây là thời điểm sinh viên Lào bắt đầu du học với số lượng lớn ở các trường thành viên của ĐH Đà Nẵng. TS Luận dạy văn học cho sinh viên Lào ở ĐH Sư phạm (chương trình cử nhân và sư phạm), ĐH Kinh tế và ĐH Bách khoa, nhưng vốn tiếng Lào của thầy không có, cũng không được tham gia bất kỳ một khóa bồi dưỡng nào. Thế là bắt đầu những tháng ngày thầy Luận mày mò nghiên cứu về môn văn học, về văn hóa, phong tục tập quán… của Lào. Năm 2007, thầy Luận được điều sang tỉnh Savannakhet để dạy tiếng Việt trong vòng 5 tháng cho những học sinh sắp sang Việt Nam du học tại trung tâm tiếng Việt của tỉnh. “Trước đó tôi không có khái niệm, ấn tượng gì về tiếng Lào, đến lúc sắp lên đường tôi mới theo học tiếng Lào 1 tuần trên… Internet. Đó là một chương trình dạy tiếng Lào bằng song ngữ Anh-Lào. Chỉ được một tuần nên tôi chỉ nắm được những điều cơ bản và chủ yếu là vấn đề xã giao, nhưng đó là một tuần thực sự bổ ích”, thầy Luận nhớ lại “cơ duyên” mình thực sự đến với tiếng Lào.

Sang đến Savẳn, thầy Luận làm quen với rất nhiều người Việt đang sinh sống tại đây và anh Trần Kim Lân, một Việt kiều ở Savẳn đã tặng thầy một bộ phần mềm từ điển Việt-Lào. Thế là ở trên đất Lào, được nói ngôn ngữ bản địa, được tiếp xúc với học viên và người dân Lào, vốn ngoại ngữ của TS Luận đã tăng lên rõ rệt. Sau 1 tháng, thầy Luận đã có thể nói và viết tiếng Lào như một ngôn ngữ thứ hai. Nhờ đó, thầy có thể nghiên cứu sâu hơn về văn học Lào, đặc biệt là phần văn học dân gian. Đây là phần có sự tương đồng lớn nhất so với văn học dân gian Việt Nam. Bởi Lào đón nhận sự di cư của người Việt sang Lào, là một trong những dân tộc của bộ Việt thường thời Hùng Vương. Do đó cách nhìn nhận về thời gian, tín ngưỡng đa thần của hai dân tộc rất giống nhau; tinh thần nhân văn như bênh vực người bị thiệt thòi, kết thúc có hậu trong các truyện cổ tích… Có nhiều câu chuyện trùng khít với văn học dân gian Việt Nam. Trong văn học trung đại hay hiện đại, hai nước đều có chung sự ảnh hưởng Phật giáo và tư tưởng cộng sản.

Trong quá trình nghiên cứu văn học Lào, TS Lê Đức Luận còn nhận ra sự tương đồng khá lớn (lên đến 20%) trong ngôn ngữ của người Lào với phương ngữ một số vùng ở miền Trung (tiếng khu 4 cũ từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế) như: nhíp (tiếng Lào), thì tiếng khu 4 cũ là khâu (may, vá); từ keng (tiếng Lào) thì tiếng các tỉnh Bình Trị Thiên (cũ) cũng nói là keng (món canh); chọc chẹc (tiếng Lào: nói qua nói lại ồn ào), và chọc chẹc (tiếng Việt: ồn ào)… và do đó theo TS Luận là tính chất tương đồng giữa hai ngôn ngữ phản ánh giữa chúng có cùng hệ ngôn ngữ trước khi bị hệ Hán tạng xâm nhập. Đây là lợi thế để nhiều nhà nghiên cứu có thể đi sâu nghiên cứu bài bản về văn học Lào, mà theo thầy Luận là sự nghiên cứu về văn học-văn hóa Lào còn chưa tương khít với tình hữu nghị của hai dân tộc. Trong khi nhiều tỉnh ở Lào đã xem tiếng Việt là ngôn ngữ thứ hai sau tiếng Anh, được dạy ở trường phổ thông, thì Việt Nam vẫn quan hệ với nước Lào trên tinh thần chính trị, láng giềng hữu nghị là chính.

Hiểu hơn văn hóa Việt

Thầy Nguyễn Đăng Châu, Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng nhận thấy rằng học trò là những ông thầy tốt nhất trong chuyện học tiếng Lào của thầy, bởi thầy không cần dùng đến băng đĩa mà nhờ luôn sinh viên bày cho mình cách phát âm và ngữ pháp, cấu trúc câu. Năm 2001, thầy Châu đã nói được tiếng Lào nhưng đó là thứ ngôn ngữ toàn dân, như tiếng “bồi”. Phải đến năm 2007, khi đến dạy tiếng Việt ở Pakse, tỉnh Champassak, thầy Châu mới có cơ hội học tiếng Lào một cách đầy đủ, biến một ngôn ngữ tự học, ít giao tiếp thành một trong những ngoại ngữ thầy rất thành thạo.

Khi tiếp xúc với tiếng Lào, theo thầy Nguyễn Đăng Châu, thì những yếu tố Phật giáo, xã hội nông nghiệp trong ngôn ngữ sẽ giúp người học hiểu ngữ pháp, ngữ âm, tâm lý ngôn ngữ rất giống tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam. Từ đó, những bản chất về ngôn ngữ, tâm lý dân tộc giữa hai đất nước rất gần nhau, người học sẽ hiểu thêm về phần văn hóa-văn học Lào. Như câu thành ngữ Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời trong tiếng Việt rất giống câu Giao mặt cho đất, giao lưng cho trời trong tiếng Lào.

Theo những giảng viên được phân công giảng dạy môn văn học Lào tại ĐH Sư phạm Đà Nẵng, thì họ đến với tiếng Lào và văn học, ngôn ngữ Lào như một cơ duyên. ThS Đặng Thị Lan cho rằng, mình hiểu thêm về một đất nước là nơi giao hội của hai nền văn minh vĩ đại nhất châu Á là Ấn Độ và Trung Hoa, là nơi ẩn chứa những con người bình dị, chân chất. Và nói như TS Lê Đức Luận là khi ông nghiên cứu về văn hóa, văn học Lào, ông tìm ra cội nguồn nguôn ngữ và văn hóa Việt. Bởi nhiều từ mất nghĩa trong tiếng Việt thì ông tìm thấy trong tiếng Lào, đặc biệt là những yếu tố cổ trong văn hóa Việt (vùng khu 4 cũ) rất gần với ngôn ngữ Lào. Và đó là cội nguồn dân tộc mà không chỉ TS Luận mà có rất nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam đang tìm kiếm.

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.