Thoạt nhìn cuộc sống có vẻ như đang diễn ra trong bình lặng, nhưng nếu bạn hỏi chuyện những người làm công tác xã hội thì sẽ thấy rằng đây đó có không ít những cảnh đời bất hạnh khiến tim bạn rung lên những nhịp đập nhân ái.
Đã có nhà, lại có thêm xe cho con đi học, chị Nguyễn Thị Ngọc Lễ cảm thấy cuộc sống đáng yêu hơn. (Ảnh do Quận Đoàn Liên Chiểu cung cấp). |
Vào năm học mới, bà con tổ 17 (nay là tổ 44) phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thấy hai đứa cháu nội của ông Hoàng đã đến tuổi mà sao vẫn chưa thấy đi nhà trẻ. Lân la hỏi thăm thì nghe ông thở ra: Tụi nó làm chi có khai sinh mà đi học.
Chuyện là, H., con trai ông mấy năm trước vô làm trong Sài Gòn và có con với một phụ nữ, cô này sinh xong giao con cho H. rồi bỏ đi biệt. H. đem con về gửi cho ông Hoàng. Một năm sau, ông lại thấy H. mang về thêm một đứa nhỏ nữa, còn đỏ hỏn. Đó là con của H. với một phụ nữ khác người Quảng, cô này sinh xong đem bỏ con ở gần cầu Tứ Câu, để lại số điện thoại nói rằng nếu ai phát hiện thì gọi về số đó, bảo cha đứa bé tới nhận con.
Kể lại chuyện này, bà Mai Thị Nga, Trưởng phòng LĐ-TB&XH quận Ngũ Hành Sơn, bình rằng chuyện đời sao lắm nỗi éo le, vợ chồng ông Hoàng thuộc diện hộ nghèo, cả hai đều bị bệnh, nếu theo chuẩn nghèo mới của Đà Nẵng (800 nghìn đồng/người/tháng) thì là đặc biệt nghèo, đang chạy vạy nuôi hai đứa cháu nội thì nghe tin H. đi tù vì vi phạm pháp luật. Nhưng cũng may, bà Nga nói, nhờ chính sách hỗ trợ xã hội của Đà Nẵng thoáng, mở nên người dân nghèo được hưởng lợi nhiều hơn so với mặt bằng chung của Trung ương.
Ông Huỳnh Phước Thạch, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Hải, cho biết khi địa phương hay tin, muốn làm giúp khai sinh cho hai cháu cũng thấy rất khó vì phải đi xác minh 2 người mẹ. Cuối cùng UBND phường, Phòng Tư pháp cùng Phòng LĐ-TB&XH quận bàn bạc, thống nhất phân công phường làm khai sinh, chỗ thông tin về mẹ để trống; Phòng Tư pháp báo cáo lên Chủ tịch UBND quận; Phòng LĐ-TB&XH hỗ trợ cho 2 cháu được hưởng các chế độ dành cho trẻ em.
Nhà ông Hoàng rộng chưa tới 30m2, lợp tôn, tường gạch không tô xi-măng, nằm nép mình dưới chân ngọn Dương Hỏa Sơn. Hiện cháu Hà Phước Hiếu (sinh 2006) đã vào học lớp 1; cháu Hà Phước Thảo (sinh 2007) đang học Trường Mầm non Ngọc Lan. Cả hai được sự đùm bọc, đỡ nâng của toàn xã hội.
Thoạt nhìn cuộc sống có vẻ như diễn ra trong bình lặng, nhưng nếu bạn hỏi chuyện những người làm công tác xã hội thì sẽ thấy rằng đây đó có không ít những cảnh đời bất hạnh khiến tim bạn rung lên những nhịp đập nhân ái.
Ở tổ 29 (tổ 36 cũ) phường Hòa Khánh Nam có chị Nguyễn Thị Ngọc Lễ, bản thân đau ốm luôn, chồng bỏ đi lấy vợ khác; một mình nuôi hai con, đứa lớn bị dị tật học lớp 12, đứa nhỏ lớp 6. Chị đi thuê nhà, sáng sáng bán bánh bèo trên đường Phạm Như Xương, xong rồi đi chạy chợ. Qua khảo sát, Quận Đoàn Liên Chiểu quyết định hỗ trợ 25 triệu đồng, UBND phường hỗ trợ 5 triệu đồng để mua vật liệu xây nhà tặng chị trên mảnh đất của mẹ chồng cho; công cán do người anh chồng bà lo, có đoàn viên thanh niên phân công nhau đến phụ giúp.
Cháu Hà Phước Thảo (trái) giữa tình thương yêu của cô giáo và bạn bè. |
Khi bàn giao nhà vào cuối tháng 8-2012, bà Trần Thị Hiệp, Ủy viên Thường trực UBMTTQ Việt Nam quận Liên Chiểu, thấy hai cháu đi học xa mà không có phương tiện, liền bàn với Bí thư Quận Đoàn Phan Công Bằng liên lạc với lãnh đạo Phòng LĐ-TB&XH quận xin cho các cháu một chiếc xe đạp và tặng ngay tại lễ bàn giao. Hội Chữ thập đỏ quận nhân đó cũng tặng thêm 2 triệu đồng. Hôm rồi có dịp theo chân chị Lan cán bộ xã hội phường, đi dích dắc mấy lần từ đường Phạm Như Xương vô tới hẻm nhỏ mới thấy việc tặng nhà cho chị Lễ là một việc làm rất đỗi nhân văn.
Với sự chung tay của toàn xã hội, những cảnh đời đáng thương như thế đã giảm dần từ khi Cuộc vận động “Ngày Vì người nghèo (VNN)” được Mặt trận các cấp ở Đà Nẵng triển khai thực hiện trong 12 năm qua. Ông Nguyễn Đăng Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố nhìn nhận rằng: “Cuộc vận động đã tác động tích cực để hướng tình cảm, trách nhiệm của cộng đồng - trong đó phần lớn là những doanh nhân, những người khá giả - đến với những người còn nghèo khó. Có thể nói, cuộc vận động đã tạo ra một hiệu ứng xã hội có sức lan tỏa mạnh mẽ, bởi một khi lòng nhân ái được khơi dậy thành phong trào thì mối quan hệ giữa người với người được hài hòa, thân thiện hơn”.
Năm 2011, Mặt trận thành phố đã vận động gần 8,260 tỷ đồng Quỹ VNN; năm 2012 do kinh tế khó khăn nên chỉ vận động được 5,245 tỷ đồng. Trong bản thống kê của Mặt trận thành phố, có nhiều đơn vị đóng góp đến cả tỷ đồng, nhưng cũng có đơn vị chỉ mấy chục nghìn đồng. Ít hay nhiều chưa nói lên điều gì cả, vì đôi lúc ít nhưng lại là kết quả của một cách làm đầy thiện chí. Ở phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, các ban công tác Mặt trận toàn phường đã để lại số tiền lẻ (dưới 10 nghìn đồng) mỗi khi nhận phụ cấp hằng tháng. Từ số “tiền lẻ” này, mỗi năm phường có được 7 suất học bổng mỗi suất 700 nghìn đồng, thêm 10 suất nữa từ Quỹ VNN để tặng cho học sinh nghèo.
Cách làm của Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng cũng có khác, như lời Chủ tịch Hội Lê Văn Hiểu: “Cho nhà, tặng vật dụng gia đình cho người nghèo là cần nhưng chưa đủ. Họ nghèo chủ yếu là do thiếu việc làm, thiếu điều kiện cho con cái ăn học để sau này cải thiện cuộc sống chính mình. Vì thế, “tặng” việc làm, trao học bổng... mới là cách quan tâm lâu dài và giúp người nghèo thoát nghèo bền vững”. Năm 2012 tuy kinh tế khó khăn nhưng hội viên đã tạo được việc làm cho hơn 30.000 lao động, đóng góp công tác xã hội 5 tỷ đồng (thông qua kênh Hội là 1,6 tỷ đồng). Năm ngoái, Hội đã tổ chức chương trình “Trao quà người nghèo đón xuân Nhâm Thìn” với tổng giá trị 489 triệu đồng.
Đã bắt đầu năm mới 2013 và Tết Quý Tỵ cũng cận kề. Tin rằng phong trào nhân ái sẽ tiếp tục lan tỏa sâu rộng và đều khắp trong cộng đồng để mọi người gần lại nhau hơn trong cuộc sống.
VĂN THÀNH LÊ