.

Bóng đá Trung Quốc giữa hai lằn ranh

.

Khi đến Thượng Hải, cùng với người đồng đội cũ ở “The Blues”, Drogba hợp cùng Nicolas Anelka thành bộ đôi tấn công cho CLB Thân Hoa Thượng Hải trong một giải đấu mà những cựu tiền đạo của Premier League như Ayegbeni Yakubu và Fredi Kanoute cũng bị cám dỗ, bởi khoản tiền đầu tư quá lớn của những ông chủ giàu có.

Drogba (trái) và Anelka trong màu áo CLB Thân Hoa Thượng Hải.
Drogba (trái) và Anelka trong màu áo CLB Thân Hoa Thượng Hải.

“The Chinese Super League - hoặc ít nhất, có một số các CLB - đang tràn ngập tiền của các ông chủ CLB, những người phất lên nhanh chóng trong thị trường bất động sản bong bóng của Trung Hoa đại lục”, James Porteous, phóng viên thể thao của South China Morning Post viết. “Quảng Châu Evergrande được sở hữu bởi Evergrande Real Estate Group của Xu Jiayin, người đàn ông giàu nhất Trung Quốc đại lục. Tại sao họ muốn chi tiền vào bóng đá đã là một câu hỏi. Một phần là tình yêu dành cho bóng đá và muốn có được một đội bóng thành công. Tuy nhiên, một số lại nghĩ, các ông chủ đang cố gắng nịnh hót các quan chức. Việc đưa những ngôi sao thế giới sẽ giúp các ông chủ nâng cao hơn vị thế của mình”, phóng viên này viết tiếp.

Thực tế cũng bộc lộ một số vấn đề mà có thể Lamparrd lẫn Beckham cần suy nghĩ lại trước khi có ý định đến Trung Quốc.

CLB Thân Hoa Thượng Hải của ông trùm Internet ở Trung Quốc Zhu Jun kết thúc giải ở vị trí đáng thất vọng khi chỉ xếp 9/16 đội dự giải; đồng thời cùng những tin đồn Anelka và Drogba đang bất đồng với CLB do chưa được thanh toán tiền lương. Và đó là lý do rộ lên những thông tin, Anelka có thể trở lại Premier League, trong khi Drogba được xem là mục tiêu săn đuổi của AC Milan và Juventus.

Trong phát biểu với BBC Sport, cựu tiền đạo người New Zealand của Manchester City và Celtic là Chris Killen - đến thi đấu tại Trung Quốc từ tháng 7-2010 - cho biết, bóng đá Trung Quốc có một cơ sở hạ tầng không ổn định và hỗn loạn.

“Một CLB có  thể được sang tay, được đổi ông chủ hoặc đổi tên giữa mùa giải. Điều này từng xảy ra với CLB Chongqing của tôi. Nó đang được một ông chủ khác mua lại và có thể, CLB phải chuyển đến Bắc Kinh trong thời gian tới”, Killen nói.

Giải đấu bóng đá chuyên nghiệp đầu tiên của Trung Quốc hình thành vào năm 1994, thu hút lượng khán giả đến sân trung bình hơn 20.000 người/trận ở mùa giải đầu tiên. Tuy nhiên, đến năm 2004, nó được thay bằng Super League và các vụ dàn xếp tỷ số đã khiến nhiều người hâm mộ quay lưng lại và số khán giả giảm mạnh, chỉ còn khoảng 10.000 người/trận.

Năm 2009, nhà  chức trách Trung Quốc đã phát động một chiến dịch cải tổ thể thao, dẫn đến việc bắt bớ hàng chục trọng tài, cầu thủ, quan chức, HLV… Trọng tài thành công nhất Trung Quốc Lu Jun, đã bị bắt hồi tháng 2-2012 và bị 5 năm rưỡi tù giam, nộp phạt 128.000 USD do điều chỉnh 7 trận đấu; trong khi, 2 cựu quan chức của giải bị 10 năm rưỡi tù giam, do tham nhũng.

Sau những thay đổi tích cực, bóng đá Trung Quốc đã kêu gọi được các nhà tài trợ quay lại.

Công ty Truyền thông toàn cầu IMG, sau khi cắt liên hệ với Super League vào năm 2004, vào tháng 10-2012, đã ký kết hợp tác với thời hạn 10 năm nhằm giúp cải thiện việc quản lý các CLB, phát triển các chương trình đào tạo và kêu gọi thêm các đối tác khác. Trong khi đó, Công ty điện tử Toshiba đã bảo trợ Chinese FA Cup và Hãng Nike cung ứng toàn bộ dụng cụ cho cả 16 CLB thuộc Super League.

Nhưng quan trọng nhất vẫn là sự phát triển căn cơ, bền vững để bóng đá Trung Quốc không phát triển ồ ạt theo kiểu bong bóng như thị trường bất động sản. Vì thế, lúc này, bóng đá Trung Quốc vẫn đang đứng giữa hai lằn ranh - bùng nổ hay phá sản!

BẢO AN
 

;
.
.
.
.
.