.

Chắt chiu tiền thưởng Tết

.

Làm lụng quần quật cả năm, không dám nghĩ đến sắm sửa cho bản thân mình vì phải dè sẻn những đồng tiền ít ỏi gửi về quê. Ấy vậy mà nhiều công nhân ở các khu công nghiệp Đà Nẵng năm nay đang đứng trước nguy cơ âm nợ sau khi nhận thưởng Tết.

Những công nhân khi về quê ăn Tết, luôn muốn đem thật nhiều hơi Xuân về với gia đình.
Những công nhân khi về quê ăn Tết, luôn muốn đem thật nhiều hơi Xuân về với gia đình.

Đong đầy âu lo

Nhắc đến sắm Tết, trên nét mặt của nhiều công nhân nữ (CN) quê ở xa như muốn chùng xuống. Đơn giản, 2-3 năm gần đây ít có công ty, xí nghiệp nào rình rang chuyện thưởng Tết. Những người làm lâu năm, ngoài thưởng tháng thứ 13 được cộng thêm tỷ lệ năm công tác. Đối với CN mới hầu như không có nhiều khoản cơ bản mà chỉ có các phần quà hiện vật.

Tâm sự với chúng tôi, Lam (quê Nghi Lộc, Nghệ An) có hoàn cảnh hết sức thương tâm. Cha bị tai nạn lao động mất sớm, mẹ làm nông nuôi 4 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn. Vay 30 triệu của ngân hàng để đi học đến nay đã tốt nghiệp CĐ Đức Trí vẫn chưa có việc làm nên Lam xin vào Công ty Điện tử Việt Hoa. Lương cơ bản chỉ gần 1,9 triệu đồng, cộng thêm tiền chuyên cần, phụ cấp hơn 200 ngàn đồng, tính tổng mỗi tháng được hơn 2 triệu đồng. Hạn chế chi tiêu, toàn bộ số tiền Lam gửi về quê vừa trả nợ ngân hàng vừa nuôi 3 em ăn học. Gợi chuyện sắm Tết, cô CN mang trọng trách lao động chính trong gia đình lo âu: “Em thì không sao, chỉ tội mấy đứa em còn nhỏ cứ trông chị về để mua quần áo mới. Bạn bè chúng nó có, em mình không có thì tội lắm. Nhưng hằng tháng em đều gửi về nhà hết rồi, Tết này em lo quá, cả nhà chỉ trông chờ vào em, không biết có gánh bớt nhọc nhằn cho mẹ”.

Hỏi thăm chuyện về quê, anh Dương Tấn Lộc (quê Hải Dương) cho biết: “Tôi vào trong này đầu quân cho Công ty Minh Huy làm công trình Nhà máy Bia Larue. Áp Tết mới nghỉ nên tàu xe rất khó, mồng 6 đã làm lại nên tôi quyết định không về nữa. Tết mà không về rất thương nhớ gia đình, nhưng hai lượt tàu xe ra-vào mất gần hơn một triệu đồng, số tiền đó không nhỏ ở quê nên đành phải chắt chiu vậy”.

Xoay xở đủ cách

Áp lực chi tiêu đã thể hiện rõ ở hầu hết nhà trọ CN khi chúng tôi có dịp tiếp xúc. Nguyễn Văn Bình, (quê Thăng Bình, Quảng Nam) làm tại Công ty Daerang của Hàn Quốc đã hơn 5 năm nay, thở dài khi nhắc đến thưởng Tết: “Chưa thấy công ty nói gì cả, nhưng mọi năm cận ngày nghỉ mới được nhận thưởng Tết. Lúc đó cầm tiền cũng chẳng biết mua thứ gì, vì giá cả tăng ngùn ngụt mà vợ em mới sinh được 3 tháng nên chưa đi làm, mọi chi tiêu đều dồn hết cho em. Nuôi con nhỏ tốn kém kinh khủng, tháng mua 2-3 lon sữa cũng đã hết nửa tháng lương của em rồi. Nếu chưa thưởng thì em cũng mượn tiền tiêu trước rồi ra Tết làm trả sau”. “Đói giỗ cha, no ba ngày Tết”, chính vì vậy không thể không sắm sửa Tết dù là tối thiểu, nhiều CN chọn giải pháp “ăn trước, trả sau” để lo toan cho gia đình.

Mấy ngày nay, hai dãy trọ của bà Bùi Thị Lới (tổ 11, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) xôn xao chuyện thưởng Tết. Các CN nữ kể với nhau mình sẽ được nhận tiền Tết bao nhiêu, có người ỉu xìu vì thuộc “lính mới” không có tiền “thâm niên”. Một số công nhân nữ quê Hà Tĩnh bàn chuyện ở lại Đà Nẵng tranh thủ xin chân phục vụ hàng quán  mấy ngày Tết, may ra còn kiếm được ít tiền ăn hết tháng Giêng.

Ông Thân Lụa, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Dệt Hòa Khánh cho hay, “Năm nay khó khăn đã nhìn thấy rõ ở các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tuy vậy, chúng tôi cũng cố gắng làm mọi cách để CN có tiền thưởng trong dịp này. Không nhiều thì ít cũng phải có gọi là động viên công nhân, người ta đã gắn bó với mình lúc khó khăn thì mình cũng phải chăm lo chu đáo trong hoàn cảnh có thể”.

Thông tin từ Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng, Tết này sẽ triển khai trợ cấp 500 suất quà trị giá 250 triệu đồng cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn, CN mất việc làm hoặc một số ít doanh nghiệp không có thưởng Tết. Song song đó, các cấp công đoàn liên tục triển khai trợ cấp cho các đoàn viên khó khăn, ốm đau bệnh tật hoặc vận động doanh nghiệp hỗ trợ vé tàu xe cho CN ở xa về quê ăn Tết. Hy vọng rằng, những san sẻ góp nhặt sẽ đem lại ấm áp trong lòng của mỗi một công nhân xa xứ.

Hồng Anh

;
.
.
.
.
.