.

Chiều lòng thượng đế

Đầu năm, du lịch Đà Nẵng công bố nhiều con số ấn tượng: tổng lượt khách đến tham quan Đà Nẵng năm qua vào khoảng 2,66 triệu lượt người, tăng 12% so với năm trước đó. Trong số đó, lượng du khách quốc tế đến Đà Nẵng tiếp tục đạt sự tăng trưởng tốt với trên 600.000 lượt, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. 8 đường bay quốc tế trực tiếp đã giúp lượng du khách quốc tế đến Đà Nẵng bằng đường bay tăng trên 230%, với 160.000 lượt. Vậy là, bất chấp khủng hoảng, du lịch Đà Nẵng vẫn đạt được mức tăng trưởng khá tốt. Tuy nhiên, sự tiết kiệm và thắt chặt chi tiêu của người đi du lịch trong thời buổi khó khăn đã làm cục diện thay đổi rất nhiều.

Đầu tiên, du khách ở các thị trường lớn như Đức, Anh, Mỹ... bắt đầu giảm dần vì họ không muốn tốn quá nhiều chi phí vào việc di chuyển đến các vùng ở xa lãnh thổ.

Trên các chuyến tàu biển du lịch cập cảng Tiên Sa, thị trường khách có sự dịch chuyển mạnh mẽ từ Âu sang Á: khách châu Á, đặc biệt là khách Trung Quốc tăng dần lượng người để bù vào sự sụt giảm mạnh của khách châu Âu, vốn từng là thị trường truyền thống của loại hình du lịch xa xỉ này. Không hơn, ở mảng du lịch đường bộ và đường hàng không, du khách đến Đà Nẵng vẫn tập trung vào các thị trường gần như Hàn Quốc, Nhật, Thái Lan... Trong khi đó, lượng khách nội địa được thống kê chiếm tỷ lệ lớn, gần 4/5 trong cơ cấu khách đến Đà Nẵng năm qua. Nhưng dù chiếm đa số, khách nội địa với chính sách du lịch tiết kiệm cũng không làm cho các hãng lữ hành khỏi “rầu” vì vắng bóng khách nước ngoài. Họ không còn muốn thuê trọn gói từ A đến Z như di chuyển, ăn uống, nghỉ ngơi, tham quan, mua sắm, mà chỉ thuê một vài dịch vụ, còn lại, họ tự xoay sở lấy cho đỡ tốn chi phí.

Và thế là, các nhà làm du lịch sừng sỏ nhất cũng phải làm quen với thời thế: chấp nhận bán từng dịch vụ khi du khách yêu cầu. Có thể nói, chưa khi nào, người đi du lịch lại sung sướng như “trên mây” như hiện nay. Lữ hành, rồi khách sạn, nhà hàng đua nhau đưa ra những mức giá giảm “trong mơ”, nhất là vào những tháng thấp điểm như từ tháng 9 đến cuối năm. Có khách sạn công bố mức giá chỉ còn 50% so với trước. Lữ hành liên tục khuyến mãi và mở thưởng cho khách hàng đặt tour. Giá tour được xem là không tăng so với cùng thời điểm này năm ngoái. Du khách được thoải mái chọn những dịch vụ tốt nhất với giá mềm nhất. Để giúp lữ hành khai thác khách tốt, giúp lượng khách đến Đà Nẵng sẽ không một đi không về, ngành du lịch cũng có những động thái mạnh mẽ hơn trong nỗ lực gìn giữ hình ảnh thân thiện, mến khách. Các lớp giao tiếp dành cho tài xế taxi đón khách tàu biển, cho các bà buôn bán ở bãi biển được mở. Việc bu bám, chèo kéo khách được giao cho các quận, huyện để nhanh chóng triển khai lực lượng tại các điểm nóng, góp phần hạn chế chuyện cò du lịch, chặt chém làm phiền du khách, những người mang nhiều nguồn lợi đến cho thành phố thông qua hoạt động du lịch. Rồi hàng loạt chuyến khảo sát du lịch được doanh nghiệp và cơ quan chủ quản về du lịch Đà Nẵng tổ chức, được đánh giá là một trong những hoạt động xúc tiến du lịch hiệu quả mà ít tốn kém nhất. Tất cả đều nhằm vào nỗ lực duy trì sự tăng trưởng lượng khách hiện tại và trong tương lai.

Và trong tương lai, một khi kinh tế thế giới thoát khỏi sự khủng hoảng như hiện nay, các thị trường khách phục hồi như cũ, cộng với những thị trường mới đã thu hút được, Đà Nẵng còn cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Khi bức tranh kinh tế sáng sủa hơn, người ta mạnh tay hơn cho du lịch và các dịch vụ kèm theo, thành phố còn cần các quyết sách và chiến lược mới mẻ và hiệu quả để khai thác tốt chi tiêu của du khách, đóng góp vào tổng thu nhập xã hội hằng năm.

TRIÊU NHAN

;
.
.
.
.
.