.

Chộn rộn chợ Tết

.

Khác với vẻ trầm lắng của những điểm kinh doanh nhỏ, lẻ, các chợ vùng ven, càng lui về những ngày cuối năm, nhịp độ mua bán tại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị của Đà Nẵng càng hối hả. Hàng hóa được bày biện rất phong phú, đẹp mắt, người mua có thể thoải mái lựa chọn những thứ cần thiết cho nhu cầu Tết của gia đình.

Siêu thị đã chật ních người sắm Tết.
Siêu thị đã chật ních người sắm Tết.

Cùng gia đình đón năm mới

Những ngày cuối tuần, không khí mua sắm càng lúc càng nóng lên tại các gian hàng Xuân của siêu thị BigC. Từ tầng 1 tới tầng 3 chật kín người và hàng hóa. Dừng lại ở kệ hàng thời trang, chị Mai Thị Hồng Vân (trú đường Tôn Đản) nhanh tay chọn những thứ cần thiết vào giỏ hàng: “Tết tới rồi, đằng nào cũng phải mua sắm, nếu không mua trước sẽ hết hàng đẹp, hàng đúng kích cỡ”. Trên các quầy kệ, ngồn ngộn hàng trăm nhãn hàng với đủ giá. Một số dòng sản phẩm có nhu cầu tăng vọt như bia, rượu, nước giải khát trưng biển “hết hàng tạm thời” khiến người mua chờ đợi. Các sản phẩm thức ăn chế biến sẵn mang đậm hương vị ngày Tết như: lạp xưởng, chả lụa, giò thủ, dưa món, củ kiệu, tai heo... dán nhãn 100% là hàng Việt chất lượng bảo đảm.

Co.opMart thực hiện 3 chương trình khuyến mãi lớn tập trung vào nhóm hàng đồ dùng và thời trang trẻ em với mong muốn đồng hành cùng các bà nội trợ chăm lo cho mái ấm gia đình đón năm mới. Trần Thị Thanh, nhân viên Công ty Điện tử Việt Hoa (KCN Hòa Khánh) không giấu giếm: “Sau khi nhận tiền lương tháng 12, em để dành sắm sửa cho gia đình. Chưa có thưởng Tết nên em chỉ chọn quần áo và bánh mứt. Mấy thứ đó đều có khuyến mãi lại không sợ mua nhầm hàng giả, hàng kém chất lượng”.
Hầu hết, các siêu thị, không khí Tết bắt đầu nhộn nhịp và bao trùm lên bởi sắc màu rực rỡ của các gian hàng. Năm nay, nguồn hàng dự trữ của Metro là 55 tỷ đồng, Co.opMart 50 tỷ đồng, BigC 23 tỷ đồng, Intimex 27,2 tỷ đồng, chắc chắn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của người dân Đà Nẵng.

Tại các chợ trung tâm thành phố, hoạt động mua bán cũng đã thực sự sôi động. Hơn 5.000 tiểu thương tại 8 chợ lớn trên địa bàn cũng chuẩn bị lượng hàng hóa phục vụ Tết trị giá khoảng 100 tỷ đồng. Chị Lê Thị Sy, (chủ quầy áo quần ở chợ Cồn) luôn tay tất bật đưa hàng cho khách thử, luôn miệng nói: “Hàng bán đúng theo giá niêm yết, không phải trả giá, mọi người khỏi mất thời gian…”.  Trong khi giới trẻ chen lấn vào các quầy hàng quần áo thời trang, thì các bà các chị cũng chen kín hàng thực phẩm  hạt dưa, khô bò, khô nai, cá, tôm đặc sản. Tại chợ Hàn, bắt đầu từ 8-9 giờ sáng, người ra vào chợ đặt hàng xuất đi các địa phương khác không ngớt. Những thùng hàng to, nhỏ, người gửi vào Sài Gòn, người đưa ra Hà Nội và mang cả đi nước ngoài cho người Việt… ăn Tết Nguyên đán.   

Hứa hẹn sức mua tăng

Dù có tiết kiệm đến mấy, các bà mẹ cũng cố gắng “mạnh tay” sắm sửa bao nhiêu thứ cần thiết cho ngày tết và quà cáp biếu hai bên nội ngoại. Theo nhân viên thu ngân của Siêu thị Co.opMart, sức mua tại siêu thị trong những ngày qua đã tăng 30-40%, mặt hàng chủ yếu và đắt nhất là các loại bia, rượu, nước ngọt, bánh kẹo, thực phẩm và quà gói tặng. “Nhờ khai trương thêm siêu thị mới ở trung tâm thành phố nên siêu thị Intimex có thêm lợi thế đón hàng trăm lượt khách/ngày, tăng gấp 3-4 lần bình thường. Hy vọng doanh số bán hàng sẽ tăng lên chứ mấy tháng vừa rồi sức mua tăng chậm quá”, bà Phan Như Yến, Giám đốc hệ thống siêu thị Intimex, bày tỏ.

Ông Lữ Bằng, Phó Giám đốc Sở Công thương, kiêm Chi cục Trưởng Chi cục QLTT Đà Nẵng: “Thực hiện Chỉ thị của UBND thành phố Đà Nẵng về tổ chức nguồn hàng phục vụ Tết Quý Tỵ 2013, Sở đã làm việc cụ thể với các nhà phân phối, bán lẻ trên địa bàn chủ động cung ứng đầy đủ những mặt hàng thiết yếu. Kèm theo đó công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường. Nếu phát hiện hành vi bán hàng giả hàng nhái, đầu cơ, găm hàng gây mất ổn định thị trường, chúng tôi sẽ cho xử lý ngay tức khắc”.

Theo thường trực Ban chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt,  80% người tiêu dùng tại TP. Đà Nẵng đã sẵn sàng ưu tiên dùng hàng Việt. Hàng Việt đã góp phần quan trọng đưa tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng thành phố tăng trưởng gần 20% trong năm 2012 với tổng giá trị trên 51 nghìn tỷ đồng.

Tại chợ Cồn, rảo quanh hàng quần áo, nhiều chị em cho biết: Cách đây chừng một tháng, tiểu thương nào cũng lo nơm nớp vì trời không lạnh. Vốn liếng đổ vô hết hàng áo ấm mà chẳng có ai mua. Bây giờ nhiều người tìm mua lại không có hàng để bán.

Qua khảo sát giá mỗi chiếc áo ấm “ngó được” phải từ 700.000 - 1 triệu đồng/chiếc, còn quần Jean giá từ 250.000-750.000 đồng/chiếc.

Trong không gian mua sắm rộng lớn của Siêu thị Metro, anh Huy, nhân viên hàng điện máy, đang loay hoay trả lời những thắc mắc của khách hàng về sản phẩm. Anh vui vẻ cho biết, cuối năm, những mặt hàng ti-vi, tủ lạnh, lò vi sóng, bán rất chạy. Những dòng sản phẩm model mới nhất gần như đều có người hỏi mua.

Theo Giám đốc Siêu thị Co.opMart ông Võ Hoàng Anh: “Năm nay điều kiện kinh tế khó khăn, Co.opMart sẽ tích cực tham gia bình ổn thị trường, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu. Ngoài việc tăng cường hàng hóa phục vụ tại trung tâm thành phố, còn tham gia chương trình bán hàng bình ổn do UBND TP. Đà Nẵng giao nhiệm vụ tại các KCN Hòa Khánh, KCN An Đồn, các xã miền núi Hòa Ninh, Hòa Bắc để phục vụ nhân dân lao động, những người thu nhập thấp…

Từ tín hiệu mua bán khẩn trương và lạc quan của thị trường Đà Nẵng cho thấy, sức mua còn tăng mạnh trong những ngày sắp tới.

DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.