.

Đàn ông sắm Tết

.

Thời kinh tế khó khăn, sắm Tết cũng phải thực dụng một chút trước khi nghĩ đến việc thưởng ngoạn những thú tao nhã tinh thần.

Cuối tháng 11 âm lịch mà cửa hàng trang trí nội thất, vật liệu xây dựng của DNTN Xuân Dự ở số 337 Tiểu La, Đà Nẵng, vẫn vắng khách, cứ mở cửa ra là suốt ngày ngồi chơi xơi nước. Anh Trần Văn Tương, giám đốc doanh nghiệp, tỏ vẻ không vui: So với năm 2011, DNTN của anh doanh số năm 2012 chỉ bằng 60%, lợi nhuận cũng giảm đi rất nhiều, nhưng nợ của khách hàng lại tăng 20-30%.

Tự chăm sóc bề ngoài một chút (trái) quý ông cũng không quên nét đẹp văn hóa tinh thần ngày Tết.
Tự chăm sóc bề ngoài một chút (ảnh trái), quý ông cũng không quên nét đẹp văn hóa tinh thần ngày Tết.

Trong khi phụ nữ gần như quán xuyến hết tất cả cái Tết cho cả nhà thì đàn ông chỉ lo việc của... đàn ông. Anh Tương cũng thế, năm nào cũng lo bia, rượu cùng với mấy món đồ nhậu với “tiêu chí” thừa còn hơn thiếu. Năm nay do thu nhập giảm, vật giá tăng vùn vụt nên anh cũng phải đắn đo lắm nỗi, chủ yếu sắm sanh những gì cần thiết với số lượng hạn chế hơn nhiều. Năm ngoái còn sắm được bộ vét-tông, bộ quần áo mới, năm nay thì “bổn cũ soạn lại”. Có điều, khó khăn đến mấy cũng phải tậu cho được cành mai. Mai năm nay chắc là giá đụng trần, nhưng cũng phải “rứt” các khoản khác để kiếm một cành, chứ Tết nhứt mà không có mai thì còn ra thể thống gì nữa, anh cười.

Có mai có Tết, cũng là quan niệm của anh Đặng Quang Vinh, Trưởng ban Quản lý chợ Lệ Trạch, xã Hòa Tiến. Nhà anh có cây mai kiểng, cả chậu lẫn cành cao ngang tầm người, cứ hết Tết là gửi cho “chuyên gia” hoa cảnh chăm giùm với tiền công 400.000 đồng. Đến tháng chạp, sau khi đưa ông Táo về trời là đem mai về chưng trong phòng khách. Nếu mai chậu trật Tết thì chơi mai cành, mai cành mà trật nữa thì chơi qua hoa cúc chậu lớn. Nói chung, anh bảo, có túng chi cũng phải có chậu hoa trong nhà, mới ra xuân, ra Tết.

Nói chuyện hoa cảnh ngày xuân thì đúng bài của quý ông luôn. Một đồng nghiệp kể, ông xã chị năm nào gần Tết cũng đi mua chậu sành, bình sứ về trồng đào, chưng mai. Năm ngoái, đã 30 Tết rồi mà anh còn lẳng lặng dắt xe chạy một vòng, lát sau ôm về giò phong lan Nghinh xuân ra hai cành chi chít hoa hàm tiếu, nói là bạn vừa a-lô bảo mau tới mua về đón xuân kẻo hết. Anh treo giò lan trên sân thượng, bên gốc thiết mộc lan cổ thụ rồi đi tới đi lui ngắm nghía suốt ngày, đến độ sắp tới giờ đón ông bà rồi mà vẫn chưa chịu rời mắt khiến chị phải gắt lên.

Mà cũng hay, chị kể, nghe đâu đó là loại phong lan nhập từ Huế; đúng như tên gọi, nó nở hoa vào đúng giao thừa để nghênh đón mùa xuân. Sắc rực màu tươi, hương bay dìu dịu... xuân nhờ đó mà ý vị hơn nhiều. Hôm rồi một anh bạn ghé xuống chợ hoa trên đường Hà Huy Tập, quận Thanh Khê, tranh thủ mua sớm cho rẻ. Có cành Nghinh xuân cao chưa tới một gang tay mới nhú hai cái vòi hoa nhỏ bằng đầu đũa mà đã hét giá ba trăm nghìn! Nghe kể, chị hoảng, nếu thế thì cái gốc Nghinh xuân chồng chị đem về năm ngoái giá cũng phải gấp 10 lần cái cây bé tí tẹo đó. Số tiền này mà vô tay quý bà thì sắm cũng được khối thứ.

Thế mới biết, thời kinh tế khó khăn, sắm Tết cũng phải thực dụng một chút trước khi nghĩ đến việc thưởng ngoạn những thú tao nhã tinh thần. Ngay cả những loại hàng cần thiết nhất, thực dụng nhất cũng phải tính toán lại cẩn thận theo hướng tiết kiệm tối đa.

Chính cái sự cân nhắc này đã khiến cho không khí của các chợ quê  bước qua đầu tháng Chạp rồi mà vẫn chưa thấy nhộn nhịp người mua kẻ bán như mấy năm trước. Theo nhìn nhận của anh Vinh, hiện các tiểu thương nhập hàng Tết cầm chừng, không dám bung ra như mọi năm. Mấy đại lý, quầy hàng bán bia, rượu giờ này năm trước đã được bày biện, trang hoàng thật bắt mắt để “câu độ” quý ông nhưng năm nay vẫn còn “án binh bất động”.

Nhìn chung thì hàng cho quý ông năm nay sụt giảm đáng kể. Hôm rồi ra hiệu giày G.H. ở ngã tư Cẩm Lệ mua một đôi để diện Tết. Anh chủ hiệu vừa mới đi viện về vì cái dạ dày cuối năm trở chứng, than thở: “Năm ngoái tới giờ này đã bán được mấy chục đôi rồi, năm nay mới chỉ có anh mua mở hàng”. Anh kể, có ông nọ mở công ty làm ăn khấm khá lắm nhưng không bao giờ đi giày đắt tiền, Tết nào cũng ghé chỗ anh tậu một đôi. Hỏi thì ông bảo Tết nhứt mình đi thăm công nhân mà chơi đôi giày trăm đô láng cóng thì nó mất vui đi...

Cái cách sắm Tết của ông doanh nhân này kể cũng lạ thật. Đến thăm nhà điêu khắc Nguyễn Quang trên đường Trần Văn Ơn, phường Hòa An, ngẫm nghĩ vẫn còn thấy lạ. Hai mươi năm trước, Nguyễn Quang chắt lọc giữa “cái để lại” và “cái vứt đi” của một  gốc cây để cho ra đời “Cung đàn mùa xuân” – tác phẩm cây khô tạo dáng một cây vĩ cầm vô hình trên bờ vai nghiêng của thiếu nữ. Tết nhứt dù hầu bao có rủng rẻng hay không anh vẫn không phải ra tiệm bê về mà tự mình trang hoàng nhà cửa, tự làm câu đối, tranh nghệ thuật chào xuân. Tết Nhâm Thìn vừa rồi, cũng từ cây khô, anh cho ra đời tác phẩm điêu khắc “Long giáng” – Rồng xuống hạ giới. Năm Tỵ này, không biết anh sẽ chào xuân bằng tác phẩm gì?

Ngẫm ra, sắm Tết như kiểu ông doanh nhân kia hay như nhà điêu khắc nọ âu cũng chẳng lạ gì, dù cuộc sống có thế nào thì họ vẫn là chính họ…

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.