.

Dập dìu mua bán

Nhìn vào số tiền dùng để dự trữ nguồn hàng phục vụ Tết tại các siêu thị, chợ trung tâm thành phố, không ai có thể nói là tình hình mua sắm cuối năm sẽ ảm đạm. Mỗi nhà bán lẻ lớn như: Metro, BigC, Intimex, Co.opMart... đều chuẩn bị cho mình vài chục tỷ đồng mua hàng.

Không chịu kém cạnh, tại các chợ trung tâm thành phố, các tiểu thương cũng không ngừng đưa hàng về bán. 100 tỷ là số tiền dành cho hàng Tết của hơn 5.000 tiểu thương trên các chợ lớn ở Đà Nẵng. Lẽ dĩ nhiên, người kinh doanh, vốn lấy lợi nhuận làm tiêu chí ưu tiên, đã tính toán, thăm dò sức mua thật kỹ trước khi quyết định đổ vốn đầu tư cho hàng hóa trong mùa Tết năm nay. Sức mua cuối năm được dự báo còn tiếp tục tăng trưởng, đặc biệt đối với các thực phẩm và thời trang, hai mặt hàng “không thể không có” cho năm mới.

Tại nhiều siêu thị, không hiếm sản phẩm được trưng biển “tạm hết hàng”. Người người vẫn chen nhau ở các chợ, siêu thị, tranh trước Tết để tránh cảnh ngộp thở vào những ngày cận năm mới. Thông tin từ một số siêu thị cho thấy, sức mua đã tăng 30 - 40%, thậm chí có nơi, doanh thu tăng gấp 3 - 4 lần so với ngày thường. Những tín hiệu vui trước Tết cả tháng đủ làm cho các nhà phân phối cảm thấy yên lòng về một không khí mua sắm náo nhiệt, bù đắp cho một năm qua với doanh thu tăng rất chậm. Trong bối cảnh kinh tế đình trệ vì khó khăn, rõ ràng, nhu cầu mua sắm cuối năm tăng cao đã kích thích tiêu dùng xã hội, giải phóng lượng hàng tồn kho của cả năm. Tình hình kinh doanh, thương mại của thành phố đang thoát khỏi sự trầm lắng, để người ta có quyền mơ về một năm mới mua bán, kinh doanh rộn ràng hơn năm cũ.

Nhưng bức tranh mua sắm cuối năm không chỉ có vậy. Dân kinh doanh nhỏ lẻ hoặc bán hàng hóa không mấy thiết yếu như: vật liệu trang trí, làm đẹp nhà cửa, đồ dùng gia đình... vẫn không hết buồn vì mãi tận giờ này, không mấy người tìm đến hỏi han mua sắm. Sự thắt chặt chi tiêu của người dân dành cho những hàng hóa thứ yếu, khi đồng tiền không dễ kiếm, lại hóa hay: trong khi các nhà phân phối lớn chia sẻ với người tiêu dùng nhiều hơn bằng hàng nghìn mặt hàng giảm giá hoặc có giá bình ổn; thì những tay buôn bán nhỏ sợ khách hàng quay lưng, không thể “đục nước béo cò”, lợi dụng thời cơ nâng giá cắt cổ, vô tội vạ như bao lần.

Vậy là người tiêu dùng được lợi. Lợi hơn, khi họ “co” hầu bao để tính toán, cân nhắc mua sắm vừa đủ, chỉ tập trung cho những món thật cần, chứ không dám vung tay quá hạn như thời còn khấm khá. Không cần phải báo, đài ra rả chuyện tiêu Tết tiết kiệm, người dân cũng tự tiết kiệm lấy cho hợp thời. Có lẽ vì vậy, hàng Việt, với ưu thế giá mềm và chất lượng, trở thành mục tiêu lựa chọn của nhiều người tiêu dùng. Bằng chứng là, trong thời gian qua, sự sẵn sàng chi dùng cho hàng Việt của người Đà Nẵng đã giúp đưa tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng thành phố tăng trưởng gần 20% trong năm 2012, với tổng giá trị trên 51 nghìn tỷ đồng.

 Khi hoạt động thị trường trở nên sôi nổi hơn vào cuối năm, đến hẹn lại lên, việc thanh tra, kiểm soát thị trường lại được chú trọng, nhằm ngăn chặn, phát hiện và xử lý các hành vi bán hàng giả, hàng nhái, đầu cơ, gây mất ổn định thị trường. Năm nay, có lẽ, các cơ quan chức năng còn cần phải hoạt động tích cực và khẩn trương hơn nữa, bởi lợi dụng sự thắt chặt chi tiêu của người dân, dân buôn bất chính lại càng tung tẩy những mặt hàng có giá thật rẻ nhưng thực chất chỉ là đồ “xôn”, kém chất lượng để đánh lừa người tiêu dùng. Người Đà Nẵng, trong tình hình kinh tế khó khăn, lại càng chờ đợi một mùa mua sắm mà họ có thể hoàn toàn yên tâm về chất lượng và giá cả.

TRIÊU NHAN

;
.
.
.
.
.