.

Địa chỉ văn hóa ở một vùng quê

.

Cụ Nguyễn Khắc Niêm (1889-1954) là thân phụ của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, đậu Hoàng Giáp năm 1907, từng làm quan dưới Triều Nguyễn, nhưng được tiếng là thanh liêm. Sau Cách mạng Tháng 8-1945, cụ hăng hái tham gia kháng chiến, là Ủy viên Ủy ban Liên Việt Liên khu 4.

Toàn cảnh Nhà tưởng niệm Nguyễn Khắc Niêm.
Toàn cảnh Nhà tưởng niệm Nguyễn Khắc Niêm.

Những năm gần đây, nhiều tờ báo đã viết về Cụ, nhất là bài “Tứ tôn châm” - kế sách dựng nước mà Cụ dâng lên vua Thành Thái khi nhà vua tiếp kiến các vị tân khoa tiến sĩ: “Tôn tộc đại quy / Tôn lộc đại nguy / Tôn tài đại thịnh / Tôn nịnh đại nguy”(Tôn trọng nòi giống, ắt đại hòa hợp / Tôn trọng bổng lộc, ắt đại nguy nan / Tôn trọng tài năng, ắt đại phồn thịnh /Tôn trọng siểm nịnh, ắt đại suy vong*). Có người gọi đây là “16 chữ vàng” và vẫn rất có ý nghĩa đối với công cuộc xây dựng đất nước hôm nay.     

Nhà tưởng niệm (NTN) Hoàng Giáp Nguyễn Khắc Niêm do con cháu Cụ dựng nên tại quê hương Sơn Hòa đến nay đã gần 1 năm. Sơn Hòa là vùng “đất học” của tỉnh Hà Tĩnh, nhưng là một xã thuộc vùng sâu, vùng xa huyện Hương Sơn bên sông Ngàn Phố, ngày trước tàu xe cách trở, nên đời sống còn nhiều khó khăn. Những năm gần đây, được Nhà nước quan tâm, xã đã có Trường THPT Lê Hữu Trác, Trường THCS mang tên Nguyễn Khắc Viện, đường sá phần nào được bê-tông hóa, nhưng các thiết chế văn hóa cơ sở cho cấp xã thì chưa có gì đáng kể.

Trước tình hình đó, NTN được xây dựng theo ý tưởng chủ yếu của GS Nguyễn Khắc Phi (nguyên Tổng Biên tập NXB Giáo dục) là một công trình đa chức năng, một “địa chỉ” văn hóa, đồng thời là nơi tránh lũ cho bà con khi cần. Qua những tư liệu, sách báo, ảnh, đĩa VCD trưng bày ở đây, chúng ta có thể “gặp” ở đây hầu hết những tác phẩm, hình ảnh hoạt động trên nhiều lĩnh vực của một đại gia đình khá đặc biệt, như GS Vũ Ngọc Khánh đã viết: “…Một gia đình như gia đình cụ Nguyễn Khắc Niêm thật là độc đáo. Nếu có dịp cả nhà cùng về sum họp, ta sẽ được gặp trong buổi hàn huyên này: Ông quan, người cán bộ dưới chế độ mới, nhà giáo, nhà văn… ở đây có đủ mặt, người theo chủ nghĩa cộng sản, người theo Phật giáo, người theo Công giáo, người theo Nho giáo. Ở đây cũng có người có kiến thức Tây phương, có người chuyên trách về văn học Trung Quốc, có người là bác sĩ y khoa, là dược sĩ, kỹ sư, có người dạy học, dạy phổ thông, lại có người chuyên về công tác đoàn thể: Mặt trận Tổ quốc, Liên hiệp Phụ nữ… Không rõ có lần nào họ tranh luận với nhau về ý thức hệ hay không, chứ một gia đình như vậy quả là đặc biệt. Gần như tất cả các luồng văn hóa Đông Tây, cũ mới đều quy về gia đình này…”.

Ông Đinh Xuân Việt, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh, ghi trong sổ cảm tưởng NTN: “...Cụ Hoàng Giáp Nguyễn Khắc Niêm là một tấm gương sáng về phẩm giá, khí tiết,về học hành khoa bảng. Đặc biệt, Cụ đã để lại một di sản hết sức quý báu - là những trước tác, là các thế hệ con cháu tiếp nối xứng đáng truyền thống của dòng họ, của quê hương, góp phần chấn hưng, phát triển đất nước”…  

Sau gần một năm khai trương, tại đây, hoạt động của thư viện ở tầng 2 với gần 1.500 đầu sách, gồm các tủ sách khoa học kỹ thuật, giáo khoa, văn hóa-văn nghệ, báo chí, do nhà giáo Nguyễn Khắc Lanh phụ trách, đã đi vào nền nếp. Chỉ tính từ tháng 3 đến tháng 12-2012 đã có gần 1.000 lượt người đến mượn sách báo. Buổi chiều hằng ngày, ở tầng 1 thường diễn ra các trận đấu bóng bàn giữa các tay vợt trong vùng; cũng đã có 3 đám cưới được tổ chức tại đây…

Trong tháng 9 vừa qua, với sự hướng dẫn của nhà giáo về hưu Nguyễn Khắc Nhuyên, lớp “Dưỡng sinh Nguyễn Khắc Viện” đã được tổ chức. Việc mấy chục người - từ cụ già tóc bạc phơ đến các cô giáo mới về hưu, bà con nông dân ở một vùng sâu vùng xa - trong suốt 3 ngày liền, chăm chú theo dõi bộ phim tư liệu khoa học “Cơ thể con người - Động và Tĩnh” của BS Nguyễn Khắc Viện và NSND Lương Đức, rồi cùng tập thở sâu, cùng các động tác theo kiểu Yoga, là điều thật thú vị. Sau lớp học, hằng tuần, các “học viên” lại tập trung tại NTN cùng ôn tập dựa theo băng hình hướng dẫn.

Các hoạt động tại NTN tuy mới là bước đầu và còn không ít khó khăn trong việc quản lý, duy trì thường xuyên những hoạt động đó, nhưng “tiếng lành đồn xa”, không chỉ bà con trong vùng, mà đã có những đoàn tham quan từ các tỉnh xa đến…

Những năm gần đây, tại nhiều vùng nông thôn, không ít con em đi làm ăn xa, đến lúc thành đạt đã trở về xây dựng lại nơi thờ tự cha mẹ, ông bà… Những ngôi nhà này thường chỉ mở cửa trong các ngày kỵ giỗ. Đã đành mỗi nhà mỗi cảnh và kinh nghiệm bước đầu ở NTN cũng chưa có gì nhiều, nhưng có lẽ vùng quê nào cũng có ít nhiều gia đình vừa giàu tiềm năng văn hóa, vừa có điều kiện kinh tế, nên từ NTN, chúng ta hy vọng có thể sẽ có thêm nhiều “địa chỉ văn hóa” mới ở những vùng sâu vùng xa ở nhiều địa phương khác.  

NGUYỄN HOÀNG

(*) Bản dịch của Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh Trường ĐH Sư phạm Huế.

;
.
.
.
.
.