.

Khi con gái học nghề... con trai

.

Cầm cờ-lê loay hoay sửa ô-tô, đội nón trắng ra công trường giám sát thi công, thiết kế những vi mạch điện tử…, những công việc khô khan, phức tạp tưởng chỉ phù hợp với phái mạnh nhưng vẫn thu hút không ít “bóng hồng”.

Giờ thực hành về mạch điện ô-tô của bạn Uyên Văn tại Trường CĐ nghề Đà Nẵng.
Giờ thực hành về mạch điện ô-tô của bạn Uyên Văn tại Trường CĐ nghề Đà Nẵng.

Những cô nàng cá tính

Vóc người nhỏ nhắn và đôi mắt một mí đáng yêu, Uyên Văn, sinh viên năm 3, Trường CĐ Nghề Đà Nẵng dễ thu hút người đối diện qua lối nói chuyện chân thành và dí dỏm. Từ khi Khoa Cơ khí của trường thành lập 7 năm cho đến nay, vẫn chưa có bóng hồng nào thay thế vai trò “độc tôn” của Uyên Văn.

Dù lạc lõng giữa một “rừng gươm”, thế nhưng với Văn, được sống và thỏa sức với niềm đam mê thì không có gì là khó khăn và ngại ngùng. Từ nhỏ, Uyên Văn rất mê xe. Nhiều lần nhìn những chiếc xe tải, xe container chạy ngoài đường, Văn cứ ngắm hàng giờ không chán. Biết khả năng của mình khó có thể bước vào giảng đường đại học, hơn nữa hoàn cảnh gia đình cũng eo hẹp nên Uyên Văn chọn đi học nghề. Quyết định vào khoa cơ khí với cô gái này không hề đơn giản vì vấp phải sự phản đối của gia đình, sự dị nghị của những người xung quanh. “Em phải giải thích rất nhiều thì ba mẹ mới chấp nhận. Em nghĩ nghề nào cũng quý, cũng cần. Quan trọng là trong mình có sẵn niềm đam mê”, Uyên Văn tâm sự.

Ngày nộp đơn nhập học, Thanh Thảo, sinh viên năm 2, Khoa Kỹ thuật xây dựng, Trường CĐ Công nghệ Đà Nẵng khiến phòng đào tạo hết sức ngạc nhiên: “Chắc không em? Học ngành này vất vả lắm đó nghe!”. Là một cô nàng cá tính và quyết đoán, Thảo hoàn toàn tự tin với quyết định của mình.

Nhớ ngày đầu vào lớp, các bạn nam nhìn Thảo với ánh mắt lạ lẫm, tưởng cô gái này đi nhầm lớp. Có bạn gọi Thảo là “sinh vật lạ”. Lúc đầu Thảo cũng cảm thấy e ngại vì bị các bạn nam trêu chọc, nhưng sau đó cũng dần quen. Thảo chia sẻ: “Cả khoa gần 700 sinh viên nhưng chỉ có một vài bạn nữ. Tuy học trong lớp toàn là nam, các bạn nữ vẫn học rất giỏi”.

Không chỉ ở trường nghề, tại ĐH Bách khoa Đà Nẵng cũng có nhiều cô nàng “chen” chân trong những ngành nghề tưởng không dành cho đôi tay mềm mại của chị em. Trong lớp thực hành điện, các cô gái trẻ say sưa mày mò, thiết kế mạch điện tử. Được biết, nhiều bạn còn tự thiết kế được các món quà bằng điện khá độc đáo và ấn tượng.

Thầy Lê Minh Xuân, giáo viên Khoa Cơ khí, Trường CĐ Nghề Đà Nẵng, chia sẻ: “Thiết nghĩ nên có những chính sách khuyến khích sinh viên nữ theo học các ngành này để tạo cân bằng cho xã hội, đồng thời phát huy các tố chất sẵn có của phụ nữ mà những sinh viên nam không có”.

Nữ nhi cũng lắm anh tài

Con gái học nghề con trai tất nhiên sẽ có những khó khăn và vất vả. Đó là những đòi hỏi về thể lực, về sự nhanh nhẹn mà không phải bạn nữ nào cũng có thể đáp ứng. Nghề cơ khí đòi hỏi bưng bê nặng, ngành xây dựng phải đi nhiều dưới trời nắng. Nhưng các “bóng hồng” cho rằng chỉ cần niềm đam mê thì không gì là không thể. Bạn Minh Anh, sinh viên Khoa Cơ khí, Trường ĐH Bách khoa cho biết: “Con gái có tính tỉ mỉ, cẩn thận, biết giải quyết các tình huống một cách thấu đáo. Họ không nóng tính và hấp tấp như các bạn nam nên cũng có nhiều thuận lợi trong công việc sau này”.

Không chỉ giỏi trong việc học, các bạn nữ còn rất năng nổ trong các phong trào của trường, thậm chí đảm nhiệm những chức vụ quan trọng và là người có “tiếng nói” trong lớp. “Là nữ duy nhất và là bí thư của lớp, em được các bạn nam ưu ái, còn gọi vui là “chị hai” nữa”, Thanh Thảo chia sẻ. Một số bạn nam cho biết, các bạn nữ là niềm tự hào của lớp. Có nữ sẽ khiến không khí buổi học thêm vui vẻ và hào hứng hơn. “Lớp em may mắn có nữ nên khi trường phát động phong trào nào cũng có “chị hai” lo chu đáo. Lớp bên cạnh phải ghen tị vì toàn là nam”, một nam sinh trong lớp Thảo chia sẻ.

Không chỉ học giỏi và cá tính, các bạn nữ còn có rất nhiều tài vặt. Uyên Văn có thể sửa chữa xe đạp, xe máy hay những thiết bị điện trong nhà mà không lo bị “chặt chém”. Thanh Thảo thì được mệnh danh là hoa khôi trong các phong trào thể thao của trường. Còn Ngọc Hà, sinh viên Khoa Điện, Trường ĐH Bách khoa, hãnh diện nói: “Bọn em tuy suốt ngày chỉ học các thuật toán, chuỗi ký tự, sóng điện từ, các thiết bị điện rắc rối, nhưng không phải thế mà tâm hồn khô khan đâu. Nhiều bạn nữ cùng khoa với em cũng có thể đan áo len, nấu ăn ngon và làm thơ văn rất hay. Đâu phải cứ hễ con gái học nghề con trai là lạnh lùng và khó gần như các bạn nam nghĩ”.

HOÀNG HÂN
 

;
.
.
.
.
.