.

Phim hài đất Bắc

.

Đạo diễn Trần Bình Trọng vừa tiếp tục tung thêm Đại gia chân đất phần ba (sau thành công của Đại gia chân đất và Giời đánh không chết, phần I-II năm 2010-2011). “Đại gia chân đất” tiếp tục xoay quanh chuyện hài hước giữa ông Tích (NSƯT Trung Hiếu) và ông Sự (NSƯT Quang Tèo), hai người bạn thông gia thân thiết của nhau.

Từ chuyện tình cờ gặp một mảnh báo viết về đại gia Sài Gòn và đường dây hoa hậu bán dâm, hai ông Tích, Sự lừa vợ lấy tiền đi du lịch thỏa mãn bản tính hám vật ngon của lạ của mình. Thế nhưng chuyến đi lại không như mong muốn, hai “đại gia” tự đưa mình vào những tình huống dở khóc, dở cười hết mất tiền, đói khát bị đánh đuổi tơi bời… Góp mặt trong Đại gia chân đất phần 3 gồm các nghệ sĩ: NSƯT Trung Hiếu, NSƯT Tiến Quang (Quang Tèo), Kim Xuyến, Thu Huyền, Thanh Tú, Bình Trọng, Hải Anh, Chiến Thắng và cô gái Tây Ban Nha Andrea... Bên cạnh đó, hai đĩa hài Thầy già con hát trẻ và Kỳ phùng địch thủ của hãng Vượng Râu cũng thu hút sự quan tâm của công chúng. Đặc biệt, vở Thầy già con hát trẻ có sự góp mặt của diễn viên người da đen Deninson Pele. Ngoài dàn diễn viên đông đảo, đạo diễn Nguyễn Công Vượng (tức Vượng Râu) còn đầu tư dàn dựng khá công phu, tạo nên bức tranh hoàn chỉnh về sự lố lăng, ô hợp, bành trướng của dòng nhạc thị trường hiện nay. Trong Kỳ Phùng địch thủ, đạo diễn Vượng Râu đã bỏ ra một tuần để dàn dựng bối cảnh phiên chợ tết đặc chất nông thôn đồng bằng Bắc Bộ xưa. Với dàn diễn viên quần chúng và chuyên nghiệp lên tới gần 100 người, đầu tư hẳn con lợn 70 cân cho hợp với khung cảnh tết nhất. Điều này phần nào tăng thêm gia vị hấp dẫn cho bộ phim này.

Một cảnh trong Chiếc gương của giời.
Một cảnh trong Chiếc gương của giời.

Nghệ sĩ hài Xuân Hinh cũng cho ra đời hai sản phẩm hài Chiếc gương của giời và Tìm vợ mất tích theo xu thế trở về với lối kể chuyện truyền thống, khai thác chất liệu dân gian. Trong đó, Chiếc gương của giời mang ý tưởng lạ, thần bí xung quanh chuyện anh nông dân Tròn được trời ban cho chiếc gương lạ. Từ đây, những câu chuyện hài không kém phần thâm thúy, sâu sắc liên tục xuất hiện. Sự xuất hiện của chiếc gương khiến gia đình thằng Tròn xảy ra nhiều chuyện động trời. Thằng Tròn (Xuân Hinh) nhìn vào gương bỗng đùng đùng vác chổi đuổi đánh vợ. Vợ thằng Tròn (Hồng Vân) nhìn vào gương cũng nhảy dựng lên cấu xé chồng. Bà mẹ chồng (Thu Hà) thấy ồn ào vào can, tự dưng lại quay ra gào khóc thê thảm. Không giải quyết được mâu thuẫn, cả nhà kéo ra công đường cậy nhờ Quan huyện (Tiến Đạt) phán xử. Gã Quan huyện háo sắc, đang xử vụ một ả gái lẳng lơ (Thanh Nhàn) bán cái ngàn vàng trốn thuế, nghe chuyện thấy lạ liền dẫn người kéo đến nhà thằng Tròn. Kỳ lạ, Quan huyện thường ngày oai phong hách dịch là thế, mà vừa nhìn vào gương cũng lại quỳ sụp xuống lạy như tế sao…

Thời gian này, Công ty CP Nghe nhìn Thăng Long tiếp tục gửi đến khán giả bộ phim hài Cụ tổ hiển linh của đạo diễn Phạm Đông Hồng với dàn diễn viên hài nổi tiếng như Phạm Bằng, Văn Hiệp, Công Lý, Nhật Cường… Tiếng cười trong Cụ tổ hiển linh mang đậm tính phê phán những thói hư tật xấu trong đời sống xã hội, đặc biệt tại những vùng nông thôn đang đô thị hóa. Ngoài ra, tiểu phẩm Không hề biết giận của Phạm Đông Hồng cũng hài hước không kém với phần trình diễn của danh hài Xuân Bắc, Tự Long. Phim khai thác một số tình huống dở khóc dở cười trong những câu chuyện dân gian vốn  rất quen thuộc với khán giả Việt thời gian qua.

HUỲNH LÊ

;
.
.
.
.
.