“Ngõ hẹp Hà Nội” là tên gọi triển lãm ảnh của nhà nhiếp ảnh người Pháp Daniel Frydman khai mạc vào lúc 16 giờ ngày 16-1-2013 tại La Tour Eiffel (lô Z 32-33 đường Trần Hưng Đạo, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng). Đây là lần đầu tiên Daniel giới thiệu tác phẩm tại Đà Nẵng, với 24 bức ảnh về những sinh hoạt đời thường của người dân lao động trong các ngõ hẹp Hà Nội. Tất cả đều được thể hiện qua ống kính bằng sự đam mê đi tìm cái đẹp hồn hậu, chân chất và văn hóa cổ truyền Việt Nam.
Nhà nhiếp ảnh Daniel Frydman. |
Daniel Frydman nguyên là chuyên gia tư vấn giáo dục đã nghỉ hưu. Ông đến Việt Nam lần đầu vào năm 2000, sau đó, ông trở lại nhiều lần, và lần sau thường ở lại nhiều thời gian hơn lần trước. Đặc biệt, dịp Tết năm Bính Tuất 2006 là khoảng thời gian để lại trong ông nhiều ấn tượng nhất. Lần đó, ông đã đi chụp ảnh ở đường 6, lên tận Sơn La. Ông nói, những hình ảnh đẹp về mùa xuân ở Việt Nam làm ông mê say hơn cả. Ông cũng đã được nhiều bạn người Việt Nam mời ăn Tết, giải thích tỉ mỉ những phong tục, tập quán của ngày Tết. Ông thực sự ấn tượng về sự tôn kính và lòng hiếu lễ của người Việt Nam đối với tổ tiên. Tình cảm láng giềng, tình làng nghĩa xóm, tình cảm gia đình, thầy trò... cũng là một nét nổi bật được thể hiện qua việc đi chúc Tết đầu năm.
Với 50 tấm ảnh chụp những nét đẹp đầu xuân ở Việt Nam, vào tháng Giêng năm 2007, Daniel Frydman có được Triển lãm “Tết về Hà Nội theo cái nhìn của một người Pháp” tổ chức tại trụ sở Hội người Việt Nam tại Pháp ở thủ đô Paris. Triển lãm thu hút đông đảo bạn bè Pháp và bà con người Việt, nhất là những người chưa được đến Việt Nam hoặc chưa được “ăn” Tết ở Việt Nam, tới tham quan. Số tiền bán ảnh lần đó, ông đã trích ủng hộ Quỹ nạn nhân trẻ em Việt Nam nhiễm dioxin.
Năm 2006, sau khi tôi về hưu, các bạn học sinh đề nghị tôi nên đến Việt Nam ăn Tết. Thế là nhờ người quen giới thiệu, tôi được đến ở trong một gia đình Việt Nam đón Tết. Tôi rất thú vị trước những hình ảnh sinh động về cảnh chuẩn bị đón Tết trong gia đình như dọn dẹp nhà cửa, sắp xếp bàn thờ tổ tiên, cảnh Tết ở chùa, chợ hoa ngày Tết... Nhất là không khí Tết ở Hà Nội, cảnh bán đào, quất, thả cá xuống hồ Hoàn Kiếm nhân ngày cúng ông Công, ông Táo chầu trời, chọi gà đầu xuân, những cảnh hành hương ở chùa Hương, đền bà Chúa Kho, phủ Tây Hồ, đền thờ Mẫu ở Đồng Đăng, Lạng Sơn… Từ đó, tôi dành thời gian ở lại Hà Nội - Việt Nam nhiều hơn ở Pháp. Tôi muốn đi tìm cái đẹp hồn hậu, thuần chất đời thường nơi đây. Daniel Frydman |
Giải thích về chủ đề “Ngõ hẹp Hà Nội”, Daniel Frydman cho biết, ông đã thực sự bị Hà Nội quyến rũ, và ông đặc biệt yêu thích vẻ đẹp bình dị đời thường trong những lần len lỏi qua mọi ngóc ngách của phố phường. Daniel Frydman dự định thực hiện một series sách ảnh gồm 10 quyển. Trong đó, đã ấn hành Cuộc sống của cầu Long Biên, Phụ nữ Việt Nam, Ngõ hẹp Hà Nội... Những hình ảnh cho thấy một tấm lòng, một tình yêu sâu nặng của ông với Việt Nam, với văn hóa, đất nước và con người Việt Nam. Trong lời tựa tập sách Cuộc sống của cầu Long Biên, ông đã viết: “Cuộc sống của ngày hôm nay. Cây cầu vĩ đại này chắc chắn có một cuộc sống khác. Và đã từng có nhiều cuộc sống nữa… Chúng ta sẽ khám phá ra cây cầu qua vẻ tổn thương sâu kín của nó, các vùng phụ cận, sau đó là cây cầu, không gian lao động của nó vào ban ngày cũng như ban đêm, và cuối cùng là lướt qua một chút vẻ “thời trang” của nó”.
Trở lại cuộc Triển lãm ảnh nghệ thuật “Ngõ hẹp Hà Nội” tại Đà Nẵng, Daniel Frydman cho hay, ông đến Đà Nẵng lần đầu tiên vào năm 2011. Tuy nhiên, lần này có lẽ gắn bó lâu dài hơn, bởi ông muốn cộng tác với bạn ông, hoạ sĩ Vũ Trọng Thuấn - người đã có ý tưởng thành lập Nhà trưng bày La Tour Eiffel.
Theo Daniel, cảm nhận của ông về sự khác biệt giữa Hà Nội và Đà Nẵng, Hà Nội có bản sắc văn hóa đặc trưng rất rõ rệt, dù cuộc sống khá sôi động và phức tạp; trong khi đó Đà Nẵng hơi trầm lắng, mọi thứ hơi giống nhau. Tuy nhiên, điều ông ấn tượng nhất là những chiếc cầu bắc ngang sông rất đẹp, rất thơ mộng. Do đó, việc làm tiếp theo của ông là sẽ cho ra mắt bộ ảnh về đề tài Những chiếc cầu trên sông Hàn.
TRẦN TRUNG SÁNG