.

Chuyện hoa sen ở hồ Vĩnh Trinh

.

Trên mặt hồ nổi lên 37 đóa hoa sen, tượng trưng cho 37 chiến sĩ kiên trung bất khuất và một búp sen chưa kịp nở tượng trưng cho một sinh linh chưa kịp chào đời đã chết trong bụng mẹ.

Hồ Vĩnh Trinh (trái) và đài tưởng niệm.
Hồ Vĩnh Trinh (trái) và đài tưởng niệm.

Đập Vĩnh Trinh ở huyện Duy Xuyên ngày trước bốn bề núi đồi hoang vắng, không có người ở, xa khu dân cư và rất ít người qua lại. Kẻ thù đã chọn nơi đây để dễ bề phi tang tội ác sau khi hành quyết tập thể 37 cán bộ cơ sở cách mạng của Duy Xuyên thời kỳ kháng chiến chống Pháp đã bị bọn chúng bắt giữ và tra tấn dã man trước đó.

Gần Tết Ất Mùi - 1955, chúng tung tin rằng sẽ thả những người bị bắt giam về nhà ăn Tết. Thân nhân những người bị giam cầm đều tin rằng đó là sự thật. Thế nhưng, trưa 29 tháng Chạp, chúng đưa một đội quân đi tiền trạm vào đập Vĩnh Trinh, mang theo bữa ăn tối và “đồ nghề” như búa, rìu, kìm, dao, kéo, dây dừa, dây kẽm gai đã cắt ra từng đoạn. Chúng chọn một bãi đất phẳng phía Đông mặt đập, cách mé nước khoảng 20m, để tập trung tù nhân, rồi chọn những hòn đá vừa hai người khiêng tập trung lại một chỗ... Bên mé nước dưới lòng hồ đã có sẵn người trên một chiếc thuyền con chờ lệnh.

“là tù nhân được tha về ăn Tết” và bắt họ ký vào biên bản để làm bằng chứng. Đồng thời chúng bố trí đón lỏng ở các ngả đường. Người nào được gọi tên cho về vừa ra đến cổng đều bị chúng bắt lại, trói ké, nhét giẻ vào miệng rồi cột xâu từng tốp, mỗi tốp từ 4 đến 5 người, sau đó dẫn vào đập. Đến khoảng 22 giờ chúng đã đưa 37 người vào đến nơi. Chúng kéo từng tốp đến sát bờ đập, dùng dây giật người ngã xuống, sau đó tra tấn dã man rồi hành quyết từng người, đổ dầu đốt cháy mặt, vứt lên ghe, cột đá rồi chở ra lòng hồ xô xuống dòng nước sâu thẳm...

Tết năm ấy, nhiều gia đình vắng chồng con, anh, em, vợ... Những người mẹ mỏi mắt chờ con, những người vợ nao nao ra ngõ đón chồng. Họ có biết đâu “lệnh phóng thích” của quận trưởng Duy Xuyên lúc bấy giờ là Lê Đình Duyên đã đưa người thân họ xuống nằm sâu vĩnh viễn dưới lòng hồ Vĩnh Trinh.

Thân nhân chờ chưa thấy anh, em, chồng, con về ăn Tết vội vã đi tìm... Tin tức được truyền đi nhanh chóng sau khi có người phát hiện thấy xác người nổi trong đập. Ngày mùng 4 tháng Giêng Ất Mùi, bà con quanh vùng lần lượt kéo nhau tìm xác người thân tại đập.

Một cảnh thương tâm diễn ra tại bờ đập, tiếng khóc than, tiếng kêu gào của thân nhân bên những xác người không còn nguyên vẹn. Dưới nắng mặt trời, những xác chết bị nám đen, biến dạng. Bà Nguyễn Thị Điểm nhận ra xác con mình bởi mấy trái ớt xanh trong túi. Bà đã gửi 5 trái trong những ngày trước Tết, con bà đã ăn hết 2 trái... Mọi người nuốt nước mắt vào lòng, mang xác người thân về trong nỗi hận thù khôn xiết.

Sau ngày thống nhất đất nước, để ghi nhớ và tôn vinh những chiến sĩ đã anh dũng hy sinh bên bờ đập Vĩnh Trinh năm nào, chính quyền và nhân dân huyện Duy Xuyên xây dựng tại đập, cạnh nơi xảy ra vụ thảm sát năm xưa một đài tưởng niệm.

Đài tưởng niệm gồm hai vòng thành hình vuông, thành ngoài xây bằng đá. Dọc theo hai bờ thành có nhiều bồn hoa sứ trắng hình tròn. Hai mảng phù điêu ốp đá gắn hai bên mô phỏng cảnh giết người man rợ năm xưa. Bên trong là hồ hình vuông có cạnh gần 20m, chứa nước sâu 0,6m. Trên mặt hồ nổi lên 37 hoa sen vừa nở, tượng trưng cho 37 chiến sĩ kiên trung bất khuất và một búp sen chưa kịp nở tượng trưng cho một sinh linh chưa kịp chào đời đã chết trong bụng mẹ.

Ở góc trái lòng hồ, một tượng đài chiến sĩ cao hơn 10m, đứng hiên ngang, ngẩng cao đầu, hai tay bị trói sau lưng, sừng sững nổi bật trên nền trời xanh thẳm. Nơi đặt bàn lư hương được xây trang trọng trên bệ bê-tông hình trái tim ở phía trước. Sau cùng, ở vị trí điểm nhấn đặt tấm bia lớn ghi lại sự kiện đẫm máu này.

Hằng năm, đến ngày 29 tháng Chạp, chính quyền và nhân dân huyện Duy Xuyên tổ chức lễ Giỗ những liệt sĩ hy sinh tại Vĩnh Trinh - một đám giỗ khác thường, tuy mang màu sắc đau buồn lịch sử nhưng vang vọng âm hưởng tâm linh, biểu lộ tấm lòng tri ân của những người đến sau với những người đi trước, lòng biết ơn của tuổi trẻ hôm nay với tuổi trẻ hôm qua đã hy sinh máu thịt cho sự nghiệp chung của dân tộc.

Gần sáu mươi năm qua, có những đứa bé ra đời ngày đó nay đã thành lão niên, thành ông bà nội, ngoại... Trong ký ức của họ vẫn còn âm vang một ngày cuối năm đau thương bi hận, ngày đã khảm vào lịch sử một con số tuổi mà sáu mươi năm, một trăm năm, hay nghìn năm sau nữa... những người đã hy sinh năm nào vẫn mãi xanh tươi như 38 đóa sen giữa lòng hồ Vĩnh Trinh thao thức thời gian và ký ức.

NGUYỄN THỊ TUYẾT

;
.
.
.
.
.