.

Hãy trả lễ hội về cho dân gian

.

Lễ hội là môi trường để người ta trở về với cội nguồn, tạo nên sự gắn kết và tôn vinh sức mạnh cộng đồng, đồng thời lễ hội chính là đời sống tâm linh, giúp con người giữ được cân bằng trong cuộc sống. Tuy nhiên vì số lượng quá nhiều, mà công tác tổ chức và quản lý còn bất cập, nên đã nảy sinh nhiều biến tướng.

 “Lễ ăn trâu” - một nghi lễ có trong nhiều lễ hội của người dân Tây Nguyên bị biến thành lễ đâm trâu.                                                 				                                               (nguồn: dulichtaynguyen.vn)
“Lễ ăn trâu” - một nghi lễ có trong nhiều lễ hội của người dân Tây Nguyên bị biến thành lễ đâm trâu. (nguồn: dulichtaynguyen.vn)

Những bất thường từ lễ hội

Hiện nay ở nước ta có hơn 8.000 lễ hội văn hóa từ cấp Trung ương đến địa phương, cụ thể: lễ hội lịch sử cách mạng chiếm 4%, lễ hội tôn giáo là 16%, còn lại 80% thuộc về lễ hội dân gian. Lễ hội văn hóa dân gian truyền thống tập trung chủ yếu vào mùa xuân, ngay sau Tết Nguyên đán, đúng như câu ca “Tháng giêng là tháng ăn chơi”. Bởi ngoài phần nghi lễ dâng hương tưởng nhớ thánh thần, tổ tiên thì các lễ hội dân gian là ngày hội để người dân có dịp vui chơi giải trí.

Vai trò của lễ hội trong đời sống cộng đồng rất quan trọng, tuy nhiên vì số lượng quá nhiều, mà công tác tổ chức và quản lý còn bất cập, nên đã nảy sinh những biến tướng, hỗn loạn từ các lễ hội, sinh hoạt tín ngưỡng dân gian, đó là chưa kể tới việc lạm dụng lễ hội để trục lợi.

Mỗi năm, Tết Nguyên đán vừa trôi qua, hễ nghe nơi nào linh thiêng thì người ta đổ xô tìm đến, từ lễ hội Bà Chúa Kho ở ngoài Bắc đến Bà Chúa Sam ở phương Nam. Họ đi hội để vui chơi, khám phá là phụ. Cái chính là họ đến những nơi này để cầu tài lộc, chức quyền.

Người đông nghẹt. Khói hương nghi ngút. Dù bàn thờ và thùng công đức đặt khắp nơi, nhưng người ta vẫn chen chúc, xì xụp lạy cả cây cối, đường đi và đút tiền cúng lên cả những khe hở của tượng phật tượng thần. Rồi để kiếm chút lộc thánh, họ mặc nhiên chen lấn xô đẩy nhau, như việc cướp lộc ở đền Sóc, cướp ấn ở đền Trần. Thêm vào đó, hàng quán, nhà nghỉ và bãi giữ xe mọc lên như nấm. Người bản địa chèo kéo, dọa nạt, chém chặt không thương tiếc khách thập phương. Một loại “cò” lễ hội cũng đã ra đời phục vụ du khách trong việc mua đồ lễ, xí chỗ dâng mâm cúng vái.

Đó là sự bất thường về văn hóa lễ hội truyền thống ở những chốn thiêng. Còn có những bất thường khác đối với các loại hình lễ hội “đời mới”. Lễ hội được sân khấu hóa, hiện đại hóa,… với sự bao thầu của các công ty tổ chức sự kiện, để rồi phần lớn màn trình diễn tại các lễ hội na ná như nhau. Nhà nghiên cứu Nguyễn Hòa, Ủy viên Hội đồng Lý luận phê bình nghệ thuật Trung ương chua chát: “Hầu như lễ hội nào cũng lặp đi lặp lại màn trình diễn mở đầu bằng đội trống gõ thì thùm, dăm chục người vác lá cây cách điệu hoành tráng chạy đi chạy lại. Rồi đèn đuốc phập phừng, ánh sáng laser loang loáng, thêm mấy người đóng khố đội khăn cắm lông chim giả làm tổ tiên vác cờ chạy vòng tròn… Dù các chương trình như thế có trở nên nhàm chán, người ta vẫn không coi đó là điều phải e ngại, vẫn phát trên vô tuyến truyền hình đặng giúp đồng bào cả nước có cơ hội thưởng thức!”.

Hãy trả lễ hội về cho dân gian

Do thiếu kiến thức về văn hóa lễ hội, cùng sự can thiệp sâu của các cơ quan chức năng, dẫn tới tình trạng “đơn nhất hóa” các lễ hội.

Trong dân gian, khi nói đến Hội Đền Hùng là người ta nghĩ ngay đến lễ hội về nguồn, Hội Gióng hay Hội Tây Sơn là lễ hội trở về với chiến công đánh giặc ngoại xâm của dân tộc, Hội Chùa Hương hay Hội Yên Tử là sự trở về đất Phật, với thiên nhiên nguyên sơ... Và nhất là các hội đình hội làng gắn liền với tâm thức linh thiêng của Thành hoàng làng, tưởng nhớ những người khai hoang mở đất. Dốc cả đời nghiên cứu văn hóa tín ngưỡng dân tộc, GS. Ngô Đức Thịnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, đúc kết: “Chúng ta đều biết, lễ hội dân gian do cộng đồng làng xã tạo dựng nên. Nó xuất phát từ nhu cầu, ước vọng của từng người dân, của cộng đồng đó từ ngàn đời truyền lại đến nay. Mỗi cộng đồng, mỗi lễ hội đều có những đặc tính riêng. Đã lễ hội là dân dã, đông vui, náo nhiệt. Lễ hội không phải là một cuộc duyệt binh phải chỉnh tề, đúng khuôn phép. Cái bất cập hiện nay là các cơ quan quản lý Nhà nước “nhúng tay” vào việc điều hành, tổ chức lễ hội quá nhiều...”.

Nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu cho rằng, chỉ khi nào người dân, cộng đồng đã sản sinh ra lễ hội tự  mình tổ chức lễ hội thì lúc đó lễ hội mới được tổ chức, điều hành một cách hết sức hợp lý, an toàn, như cha ông họ đã từng làm từ hàng trăm năm nay. Chẳng hạn, hội Khai ấn đền Trần, mấy năm gần đây trở nên hỗn loạn, cũng bởi vì chính quyền đứng ra tổ chức, rồi việc “phát ấn” được đẩy lên thành một ý nghĩa khác với nguyên bản lịch sử. GS Ngô Đức Thịnh khẳng định: “Hãy tin ở người dân, hãy tin ở cộng đồng. Bao đời họ đã làm được điều đó rồi. Không ai có thể thay người dân làm được việc đó cả. Nhà nước sẽ ban hành những chính sách, định hướng để các hoạt động tín ngưỡng, lễ hội không đi sai với những gì nó đã có, để nó mang lại những ý nghĩa về tâm linh, văn hóa cho người dân, cộng đồng đúng như những gì đã có trong lịch sử dân tộc”.

Bất kỳ lễ hội hay tín ngưỡng nào cũng đều có giá trị văn hóa và ý nghĩa tích cực riêng. Khi bị lạm dụng để trục lợi nó sẽ biến tướng thành hoạt động không lành mạnh. Kinh nghiệm từ GS Ngô Đức Thịnh đáng để những người có trách nhiệm suy ngẫm.

 “Phải chăng chúng ta đang được chứng kiến một kiểu loại hội hè mà dường như đã và đang trở thành một thứ nguyên cớ để tiêu tiền hợp pháp? Vả lại, liệu có thể phê phán kiểu loại hiện tượng này khi người ta nhân danh văn hóa, nhân danh truyền thống, nhân danh tấm lòng với tổ tiên, nhân danh ngành “công nghiệp không khói”, nhân danh ý nghĩa quảng bá hình ảnh của nước nhà? Một trong các lý do để tổ chức hội hè là việc vài năm trở lại đây, một số địa phương thi nhau làm hồ sơ đăng ký di sản văn hóa với UNESCO. Để làm hồ sơ, không ít kinh phí đã được chi ra, không ít hội thảo đã được tổ chức. Đón cái bằng chứng nhận về treo ở nơi trang trọng, để thi thoảng nhà chức trách ngắm nghía hoặc khoe với quan khách, còn dân bản địa liệu có bao nhiêu người hào hứng?” .

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hòa

PHAN HOÀNG

;
.
.
.
.
.