.

Thồ chợ lên núi

.

Bất kể nắng hay mưa, những sọt hàng thực phẩm đầy ắp từ dưới thành phố vẫn được chở lên vùng cao Hòa Bắc. Người bán - người mua hôm nào cũng mong ngóng nhau như thể nếu một ngày, cái bóng dáng quen thuộc ấy không xuất hiện nữa, họ sẽ thấy thiêu thiếu, khó chịu.

Thực phẩm tới tận tay bà con.
Thực phẩm tới tận tay bà con.

Miệt mài bám những xe hàng

Như một lịch trình cài sẵn, 4 giờ sáng hằng ngày, chị Lê Thị Liễu (43 tuổi, trú tại phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) lại tất tả đánh xe máy ra chợ Nam Ô mua gom những thứ rau, củ, quả, thịt, cá… rồi trở ngược lên xã Hòa Bắc bán lại. Hơn 10 năm qua, bà con ai cũng thân với chị như người trong xóm, chỉ cần thoáng thấy bóng dáng chiếc xe thồ hàng, người dân các thôn lại gọi nhau kéo tới quanh xe hàng. Dựng chiếc xe máy cũ, chị Liễu thoăn thoắt cắt mấy lạng thịt cho người này, nhanh tay làm ruột mấy con cá nục cho người khác. Chốc chốc lại mở sổ ghi ghi, chép chép…

Người dân cho hay, những người buôn thực phẩm di động lên vùng cao Hòa Bắc không nhiều. Ngoài chị Liễu, có thêm 2-3 người khác. Mới vào nghề được hơn ba năm, chị Phan Thị Lan (quê thôn Quan Nam, xã Hòa Liên) tâm sự: “Cứ sáng sớm đi, ba bốn giờ chiều về thu nhập cũng tạm đủ nuôi con. Mệt nhọc cả ngày, nhưng được cái bà con nơi đây rất tình cảm. Nhìn họ xúm xít lấy mình, hồ hởi với những mặt hàng mình đưa lên cũng thấy an ủi cái công phần nào”. Theo tính toán, trung bình mỗi chuyến hàng từ dưới lên ước chừng 2 - 3 triệu tiền hàng, nếu bán hết trừ chi phí mỗi người cũng lời trên 300.000 đồng. Dù lợi nhuận không cao nhưng miệt mài thì cũng đủ “lấy công làm lời”, có động lực cho những lần đánh hàng tiếp theo.

Giữa những người trong nghề, giờ cũng có sự cạnh tranh với nhau. Chị Liễu nói: “Hồi trước mình chị chở hàng lên thôi, nhưng giờ đã có nhiều người lên bán, vì thế giá cả phải hợp lý chứ không người mua sẽ so sánh. Dân ở đây nghèo lắm, mình mà bán mắc là họ lấy hàng của người khác liền. Nhiều người không có tiền nhưng vẫn nợ tới khi nào bán heo, bán gà, thì trả sau cũng được”. Tính ra số tiền người dân thiếu chịu chị Liễu đến nay cũng hơn 10 triệu đồng. Đó cũng là lý do vì sao trong suốt buổi bán hàng chúng tôi đều thấy chị cứ mang sổ ra ghi chép. Dù bị nợ, người bán vẫn bám trụ miệt mài với nghề “thồ chợ lên núi” vì coi đây là cách làm ăn lâu dài với bà con vùng cao.

Mong lắm cái chợ nhỏ

Từ chỗ người bán hàng chở bằng xe đạp chỉ vài ba thứ hàng nghèo nàn, lâu dần nhu cầu của người dân vùng xa thành phố cao lên rất nhiều, người buôn phải dùng xe máy mới có thể đưa lên một số lượng lớn những vật dụng cần thiết. Hôm chúng tôi lên Hòa Bắc, gặp phải ngày mưa bà con đồng bào dân tộc ở hai thôn Tà Lang và Giàn Bí ngồi trong nhà ngóng ra đường. Đúng lúc đó, 1-2 xe thực phẩm xuất hiện, mọi người mừng rỡ. Chị Dung (thôn Nam Mỹ, xã Hòa Bắc) nhận xét:

“Tuy đồ ăn có đắt hơn chút ít nhưng người dân ở đây không cần phải đi đâu xa, thuận tiện hết sức. Hôm nào gia đình có việc, cần mua nhiều hàng thì chỉ cần dặn người bán trước một ngày là cái gì cũng có. Bữa trước nhà có công chuyện mà không xuống thành phố mua đồ được, tui gọi điện một cái, mai họ đưa lên liền. Giá như hàng hóa đa dạng hơn như chợ cố định thì hay biết mấy…”.

Cô Nguyễn Thị Thảo (thôn Tà Lang) nói: “Thực ra, nhu cầu tiêu dùng đối với bà con người đồng bào dân tộc cũng chưa nhiều, nhưng về lâu dài bà con rất cần có một cái chợ cố định hẳn hoi. Hàng hóa đưa lên tận nhà tiện lợi đó, nhưng mỗi thứ chỉ có một chút lấy đâu mà lựa chọn. Mà cũng tội mấy người bán, có hôm đưa hàng lên xe bị xì lốp giữa đường mà không có chỗ vá. Trời nắng chang chang đồ ăn hư hết mà người dân cũng phải mua”.

Không phủ nhận, những xe hàng di động như thế này đã trở nên quen thuộc với người dân vùng cao bởi nó vừa tiện lợi vừa mang một nét riêng trong đời sống mua bán. Người dân thiếu thì mua nợ, người bán không hết hàng thì gửi lại nhà dân mai bán tiếp. Cùng với mong mỏi của không ít người dân Hòa Bắc về một cái chợ nho nhỏ, chị Liễu cởi mở: “Đi bán di động như ri cũng mệt lắm. Sợ nhất là mùa mưa đường sá bị sạt lở, chở được một chuyến hàng lên đây kiểu chi cũng lấm lem bùn đất. Nhưng đi riết rồi quen, bữa mô mà không lên được là thấy trống trống. Ai cũng hỏi răng bữa qua nghỉ, cứ như là thiếu mình, họ không nấu cơm không bằng. Nếu sau này có xây chợ cố định trên này, chắc chị em chúng tôi là người đăng ký lên bán đầu tiên”, chị nở nụ cười tạm biệt chúng tôi để trở về với hành trình chở chợ lên núi ngày hôm sau.

DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.