.

Tôi chọn lối này...

.

Những người phụ nữ tôi đã gặp, dù nghiên cứu khoa học hay làm từ thiện, đều cống hiến hết mình cho cái “nghiệp” đã chọn.

Bé Hải Long và mẹ nuôi-bà ngoại Đoàn Thị Lợi.
Bé Hải Long và mẹ nuôi-bà ngoại Đoàn Thị Lợi.

Tâm từ bi của một bà mẹ

Cách đây gần 5 năm, một cô gái trẻ ôm một em bé mới sinh được 2 ngày tuổi đến chùa sư nữ Thanh Hải nhờ nhà chùa nuôi giùm em bé. Đêm đó bà Đoàn Thị Lợi (tổ 105 phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê) ở lại chùa, chuẩn bị các thứ cho buổi nấu cháo từ thiện cho bệnh viện vào sáng hôm sau. Bà Lợi bối rối, không biết làm thế nào liền chạy về nhà gọi chồng, bởi các ni cô của chùa chưa bao giờ nuôi em bé, họ cũng chưa biết xử trí làm sao. Vợ chồng bà Lợi nhìn đứa bé đỏ hỏn được mẹ cho bú lần cuối rồi quyết định mang em bé về nhà mình.

Lúc đó 8 đứa con của ông bà, con gái út đã bước vào tuổi 17, nên cả nhà ai cũng xúm lại chăm em bé. Mấy cô con gái lớn còn mua sữa, mua tã mang về cho em. Bà Lợi lúc đó đã có gần 10 đứa cháu ngoại, đầu hai thứ tóc phải trở lại làm bà mẹ trẻ. Bà bảo, tám, chín đứa con, đứa mô ông Sang cũng thương chớ ít bồng bế, còn thằng bé này thì ông dành thời gian cả ngày cho nó. Đến cái tên cậu bé Phạm Đoàn Minh Hải Long, ông Sang cũng ghép thêm họ của bà, thêm tên lót của ông, thêm tên chùa nơi ông bà gặp bé và tên Long-như sợi dây chuyền bạc có bức tượng rồng là kỷ vật mẹ bé để lại.

Bà Lợi luôn nặng lòng với việc thiện. Bà không xem đó là cách để cống hiến chút sức lực của mình cho xã hội, mà chỉ xem đó như là việc quá đỗi bình thường trong cuộc sống. Âu cũng nhờ làm việc thiện mà bà  có cơ duyên gặp được cu Long. Dù rằng, việc nấu cơm, nấu cháo từ thiện cho bệnh nhân Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Da liễu bị gián đoạn nhiều do bà phải dành thời gian chăm sóc cho thằng bé. Mấy tháng gần đây bà mở thêm tủ bánh mì, kiếm đồng ra đồng vào. Rảnh lúc nào, bà lại theo chân các sư đi làm từ thiện. Bà Lợi bảo, không mong sau này con đền đáp, mà chỉ mong bé “làm người tốt là được rồi”.

Dành tình yêu cho khoa học

Năm 2012, TS Nguyễn Thị Thanh Xuân (sinh năm 1978) được trao giải thưởng L’oreal – UNESCO - Vì sự tiến bộ của Phụ nữ trong khoa học cho công trình Nghiên cứu mô hình nuôi trồng vi tảo tạo nguồn sinh khối ứng dụng sản xuất nhiên liệu sinh học, sẽ cho kết quả vào năm 2014. Cô đã đứng vào hàng ngũ gần 100 nhà khoa học nữ xuất sắc được nhận giải thưởng danh giá của thế giới.

TS Kim Oanh trong một buổi giảng dạy tại ĐH Bách khoa Đà Nẵng.
TS Kim Oanh trong một buổi giảng dạy tại ĐH Bách khoa Đà Nẵng.

Nhớ lại con đường đến khoa học, Xuân bảo đó là do “các bạn lựa chọn giùm”, bởi khi học lớp 12, định thi ngành kinh tế, nhưng 23 bạn trai của lớp chuyên toán ở Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn Đà Nẵng bảo Xuân “học kỹ thuật đi cho vui”. Nhưng rồi 5 năm học chuyên ngành lọc hóa dầu của ĐH Bách khoa Đà Nẵng, Xuân mê luôn ngành học dù gặp không ít khó khăn vì phải học song ngữ Việt-Pháp. Đến năm cuối, Xuân thi đậu học bổng chương trình thạc sĩ, chuyên ngành động hóa học-mô hình hóa trong lĩnh vực dầu khí của ĐH Piere Marie Curie (Pháp). Một năm sau, cô đạt tiếp học bổng chuyên ngành ô nhiễm trong khói thải động cơ của Viện dầu khí Pháp và Trường Đại học Louis Pasteur Strasbourg. Về nước với tấm bằng Tiến sĩ, Xuân được nhận vào làm giảng viên của ĐH Bách khoa. Từ đó, những công trình nghiên cứu khoa học lần lượt ra đời, như các công trình cấp Nhà nước, cấp bộ và cấp cơ sở, như Nghiên cứu tác động của sự ấm dần lên toàn cầu đến môi trường thành phố Đà Nẵng. Nghiên cứu tối ưu điều kiện nuôi trồng vi tảo Chlorella vulgaris làm nguyên liệu sản xuất biodiesel. Nghiên cứu công nghệ sử dụng Biogas dùng để phát điện, kéo máy công tác và vận chuyển cơ giới… Mỗi tuần, cô chỉ lên giảng đường một buổi, nhưng “để dạy chương trình đại học thì phải học nhiều hơn, kiến thức phải sâu, rộng”; thời gian còn lại cô tập trung trong phòng thí nghiệm, bởi nghiên cứu nhiều mới có kinh nghiệm cho việc giảng dạy.

Ngoài thời gian đến trường, Thanh Xuân dành hết tình yêu cho gia đình nhỏ, ở đó có người chồng là người bạn học từ hồi phổ thông và một cậu con trai bé nhỏ. Tuổi thơ, từ năm lớp 4, Xuân đã một mình vượt phà, từ khu nhà nghèo đường Nguyễn Công Trứ sang phố học chuyên toán. Và cô học trò nghèo từ nhỏ đã biết giúp mẹ bán hàng, chăm em, làm việc nhà. 3 năm học phổ thông ngoài một buổi đến trường, một buổi đi dạy kèm ròng rã đến 9-10 giờ tối kiếm tiền mua sách vở. Nên Xuân quý trọng những gì mình có hôm nay và theo cô, cơ hội chia đều cho tất cả những ai có ước mơ, có nghị lực để vươn lên trong cuộc sống.

Những năm gần đây, ĐH Đà Nẵng chuyển hướng sang ĐH đào tạo và nghiên cứu đã giúp cho nhiều nhà khoa học, những giảng viên của trường có cơ hội thể hiện tri thức, tài năng. Chia sẻ về vấn đề này, TS Lê Thị Kim Oanh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa cho rằng, với những nhà khoa học nữ, ngoài công việc, họ còn dành thời gian cho gia đình, nuôi dạy con cái, làm nghĩa vụ của con gái, con dâu; nên những thành quả các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học nữ rất đáng trân trọng.

Khi tốt nghiệp ngành kinh tế công nghiệp năm 1986, cô sinh viên Lê Thị Kim Oanh là một trong những người đạt điểm cao nhất của khóa, được giữ lại trường làm giảng viên. Cô gặp khá nhiều khó khăn bởi lúc đó là giao thời đổi mới. Hai năm tập sự, cô phải đọc, học rất nhiều để nắm hết những kiến thức kinh tế sẽ áp dụng lúc đất nước mở cửa. Ban đêm, Kim Oanh đăng ký đi học thêm lớp tại chức tiếng Anh được mở lần đầu ở ĐH Ngoại ngữ.

Năm 1992, Học viện Công nghệ châu Á (AIT) ở Thái Lan thông báo chương trình nghiên cứu thạc sĩ, cô Kim Oanh đăng ký ngay. Lúc này cái bằng tại chức tiếng Anh đã phát huy tác dụng. Và phải 10 năm sau cô mới hoàn thành chương trình tiến sĩ tại ĐH Kyoto, Nhật Bản. Với 7 công trình khoa học đã công bố, cách đây 1 năm, cô là giảng viên nữ đầu tiên của ĐH Bách khoa được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo và tiếp tục giữ mảng hợp tác quốc tế. Theo TS Kim Oanh thì dù ở cương vị nào, cô vẫn sẽ đảm nhận, làm tốt và phải phấn đấu cho công việc tốt hơn nữa…       

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.