.

Trịnh Công Sơn, đời phố đời người

.

Lần đầu tiên, một nhà thơ được mời làm người dẫn chuyện cho chương trình “Đêm nhạc Phố  - Trịnh Công Sơn” với các ca sĩ nổi tiếng Cẩm Vân, Đức Tuấn, Nguyễn Hữu Thái Hòa, Hồ Trung Dũng, Thủy Tiên… diễn ra vào lúc 19 giờ 30, ngày 29-3 tại Golden Phoenix  - Đà Nẵng do Công ty TNHH Truyền thông Cánh Cung Media tổ chức. Tôi rất xúc động. Dù đã làm nhiều chương trình nhưng chưa lần nào cảm xúc như vậy. Bâng khuâng, tiếc nhớ về Trịnh và  những kỷ niệm nhỏ với một nhạc sĩ thiên tài…

Pa-nô của đêm nhạc tưởng nhớ 12 năm ngày mất nhạc sĩ tài hoa, với hai phần Phố của tình yêu và Phố của cuộc đời diễn ra tại Đà Nẵng.
Pa-nô của đêm nhạc tưởng nhớ 12 năm ngày mất nhạc sĩ tài hoa, với hai phần Phố của tình yêu và Phố của cuộc đời diễn ra tại Đà Nẵng.

Tôi biết Trịnh Công Sơn khi còn là một đứa bé thơ mười hai tuổi. Cha tôi, nhà thơ Đông Trình, thời sinh viên học ở Huế, và có chơi với ông. Hai ông cũng đã có nhiều kỷ niệm với nhau rất đặc biệt. Vào mùa hè năm 1984, khi về nghỉ hè với gia đình ngoại ở Huế, một chiều đi dạo cùng cha ở đại nội, trên đường Mai Thúc Loan lần đầu tiên tôi gặp Trịnh Công Sơn. Ký ức tôi hồi ấy vẫn nhớ người đàn ông tóc dài bềnh bồng, có nụ cười rất tinh anh, hiền lành. Trịnh và cha tôi cùng ghé vào một quán nước mía bên đường. Ông ôm tôi vào lòng và nói chuyện với cha tôi. Ông có vẻ rất thích trẻ con. Một câu nói bình thường nhưng bằng chất giọng hết sức nhẹ nhàng của ông làm tôi nhớ mãi: “Con trai của Trọng (tên thật của cha tôi) đây hả? Mau lớn quá hè? Cháu học lớp mấy rồi?...”.

Trịnh Công Sơn đi chiếc xe đạp giàn ngang rất cũ kỹ. Hình như ông cũng mới từ Sài Gòn ra Huế. Câu chuyện của cha tôi và ông có nhiều ưu tư. Tôi không nhớ rõ họ đã trao đổi chuyện gì nhưng đã ngồi với nhau rất lâu. Sau này, khi đọc lại những câu chuyện về cuộc đời của ông, tôi mới biết rằng đây là giai đoạn khó khăn của Trịnh nửa muốn vào Sài Gòn nửa muốn quay ra Huế. Hình như liên quan đến việc hộ khẩu và những sinh hoạt đi lại của văn nghệ. Cuộc sống sau năm 1975 có những thay đổi lớn và đã ảnh hưởng lên nhiều ca khúc của Trịnh viết thời gian này.

Sau khi vào đại học, tôi gặp Trịnh nhiều lần. Lần nào ông cũng tiếp đãi tôi như một đứa cháu rất chân tình. Thật tình thì Trịnh không lập gia đình và không có con. Ông ít khi biểu lộ nỗi cô đơn này ra ngoài nhưng khi có những đứa cháu là con của bạn bè thân quen thời trai trẻ đến chơi, Trịnh rất là vui. Có hai người được quyền đặc biệt ấy là Hoàng Dạ Thi, con gái của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và tôi. Còn nhớ có một lần tôi điện cho ông đột ngột vì có một người bạn trẻ người Nhật tình cờ nghe được bài “Diễm xưa” nói thấy “quen quen” cứ ngỡ là “nhạc nước mình”. Khi biết đó là một ca khúc nổi tiếng của Trịnh Công Sơn, là một người Việt Nam, anh bạn này rất ngưỡng mộ. Hôm đó, rất đường đột, tôi gọi cho ông. Ông rất vui nói bọn tôi qua Hội Nhạc sĩ trên đường Trần Quốc Thảo. Đó là một buổi trò chuyện thú vị!

Ngày Cá tháng tư (1-4) là ngày cả thế giới được nói dối. Vậy như lại có một sự kiện không thể nói dối mặc dù lúc đầu mới xảy ra ai cũng nghĩ là trò đùa. Đó là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua đời. Tôi còn nhớ nguyên cảm xúc đó. Khi bạn bè truyền tin nhau qua tin nhắn, những cuộc gọi xao xác. Ai cũng nghĩ đây là một trò đùa mà mong nó sẽ sớm kết thúc. Tuy không! Đó là một sự thật. Và đó cũng là trò đùa lớn nhất của Thượng đế. Tôi còn nhớ nhạc sĩ Thanh Tùng đã viết: “Một nhạc sĩ sinh ra cho đời nhiều trái ngọt nhưng thụ hưởng hết sức đắng cay”. Quả đúng! Trong cuộc đời của Trịnh qua những sáng tác, gần hết mỗi tình trạng, cảnh giới của đời sống đều có hình bóng của ông. Từ Một cõi đi về, Ở trọ, từ Hạ trắng qua Mưa hồng, đến Bốn mùa thay lá… Cuộc đời của Trịnh Công Sơn gắn liền với những huyền thoại. Đó là tuổi trẻ, là tháng ngày trôi qua, là suy tư, là nỗi khắc khoải làm sao để sống đẹp hơn. Người ta yêu nhạc Trịnh bởi lẽ tìm thấy chính mình trong đấy.

Là nhà thơ được trò chuyện với các ca sĩ và khán giả trong chương trình “Đêm nhạc Phố - Trịnh Công Sơn” tôi cũng đã viết kịch bản để đưa thêm nhiều nét mới từ những phát hiện riêng về người nhạc sĩ tài hoa và bất tử. Đó là những tư liệu từ Thư viện của gia đình mà tôi, là một đứa bé thơ từ ngày xưa đã tìm tòi và lục lọi. Đó là những hình ảnh ngày xưa thời trai trẻ của Trịnh, cha tôi cùng bạn bè ở Huế. Những năm tháng Hát cho đồng bào tôi nghe sục sôi ấy thật khó quên. Đặc biệt là Trịnh Công Sơn đã từng phổ 3 bài thơ của cha tôi và thật vui đó là những bài không nổi tiếng. Điều đó chứng minh rằng Trịnh viết và phổ thơ nhiều bạn bè nhưng không phải sáng tác nào cũng thành công, được nhiều người mến mộ. Ví như trong tập “Thư tình gửi một người” (Nxb.Trẻ 2011) có công bố những ca khúc như bài hát “Thanh quan ca” của ông viết tặng cho người con gái ông mến yêu tên là Ngô Vũ Dao Ánh chỉ viết và hát một lần duy nhất rồi quên. Người nhạc sĩ tài hoa đã miệt mài làm việc suốt một cuộc đời cho hoa tươi, trái ngọt. Và hoa chắc chắn là thơm nhưng không phải thời khắc nào cũng đậu quả.

Đặc biệt hơn cả là tư liệu lần đầu tiên công bố, buổi nói chuyện của cha tôi, nhà thơ Đông Trình và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại Hội An năm 1974. Chương trình làm ở Đà Nẵng mà nhắc nhớ lại những kỷ niệm của Trịnh đã từng gắn bó với dải đất Quảng Nam này thì còn gì thân thương và ý nghĩa bằng! Ở buổi nói chuyện tại chùa Pháp Bảo – Hội An của hai ông nằm trong những hoạt động bí mật của giới văn nghệ sĩ và tri thức miền Trung ủng hộ Hiệp định Paris lúc đó đang chuẩn bị hòa đàm và ký kết. Với những bài hát, những ca từ hoang lộng, bi ai “Hát trên những xác người”, “Người con gái Việt Nam da vàng”… (Trịnh Công Sơn) những bài thơ Về “Đường thơm chân dất”, “Hạo khí ca”, “Một người chết không nhắm mắt”, “Gửi người em gái bên kia sông Vệ”… (Đông Trình) đã đưa người nghe mơ về một ngày hòa bình, tắt tiếng bom đạn trên quê hương.

Cùng các ca sĩ nổi tiếng như Cẩm Vân, Đức Tuấn, Hồ Trung Dũng, Nguyễn Hữu Thái Hòa, Thủy Tiên… làm chương trình tưởng nhớ Trịnh Công Sơn tôi đã thấy theo thời gian, lửa trong những bài hát hát Trịnh Công Sơn không tàn đi mà lại cháy đượm hơn. Khán giả cần nghe những cảm nhận mới về nhạc Trịnh gần với thời đại và thời gian của họ. Không còn khói lửa chiến tranh, những ca khúc của Trịnh vẫn hát về thân phận, tình yêu, nỗi cô đơn cần được tìm thấy sưởi ấm tâm hồn, tình đồng loại… Và như thế, Trịnh luôn tươi mới khi mở ra dưới những chiều kích khác. Nhân văn hơn, độc sáng hơn. Những bí mật mới trong ca từ của Trịnh mãi tươi xanh, long lanh và không bao giờ nguôi lửa đam mê, quyến rũ…

NGUYỄN HỮU HỒNG MINH

;
.
.
.
.
.