.

Trung Quốc “đổ bộ” vào châu Phi

.

­­­­­Tân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS (BRICS là nhóm các nước có nền kinh tế mới nổi gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) diễn ra tại Nam Phi ngày 26 và 27-3. Đây là dịp ông Tập hy vọng tăng cường thêm nữa mối quan hệ làm ăn với các nước châu Phi. Ở thời điểm các nước phương Tây lần lượt rút khỏi lục địa đen vì khó khăn kinh tế cũng như lơ là về khía cạnh chính trị, Trung Quốc lập tức nhảy vào với những gói tài trợ tài chính để khẳng định vai trò của mình ở lục địa đen.

Ông Tập Cận Bình ở Hội nghị Thượng đỉnh BRICS.
Ông Tập Cận Bình ở Hội nghị Thượng đỉnh BRICS.

Tuy nhiên, ông Tập không ngờ các nước châu Phi bắt đầu có cái nhìn rất khác so với trước. Họ quan ngại về sự mất cân đối thương mại giữa châu Phi và Trung Quốc, nhất là vấn đề xuất khẩu nguyên liệu từ châu Phi sang Trung Quốc và nhận lại hàng hóa giá rẻ (tràn ngập) từ Trung Quốc. Thủ tướng Lesotho, Thomas Thabane cho biết ông sẽ đàm phán lại với Trung Quốc về sự cân bằng lợi ích hợp tác giữa hai nước bởi người dân đang phàn nàn. Thống đốc ngân hàng Nigeria, Sanusi viết trên tờ Financial Times rằng châu Phi có nguy cơ tự mình mở ra một chủ nghĩa đế quốc mới. Tổng thống Nam Phi, Jacob Zuma cảnh báo rằng đây (mối quan hệ thương mại châu Phi - Trung Quốc) là mô hình thương mại không bền vững. Thủ tướng Lesotho nói thêm các nước châu Âu đang mắc sai lầm là mở ra không gian rộng lớn cho Trung Quốc ở châu Phi.

Khi các doanh nghiệp châu Âu rút lui, các nước châu Phi kêu gọi các nhà đầu tư Trung Quốc vào làm ăn nhằm giải quyết tình trạng thất nghiệp cao và đói nghèo. Họ chấp nhận vai trò của Trung Quốc khi nhận sự cung cấp tài chính và phát triển hạ tầng khắp lục địa đen. Tuy nhiên, sự gia tăng quá nhanh các doanh nghiệp Trung Quốc có thể dẫn tới sự bất bình trong dân chúng.

Một người buôn bán nhỏ ở thủ đô Maseru (Lesotho) tên là Kabelo cho biết gian hàng của anh ế ẩm hẳn so với trước bởi xung quanh anh có quá nhiều gian hàng của Trung Quốc. Họ bán tất tần tật mọi thứ từ quần áo, các loại thức ăn cho tới đồ công nghệ. Kebelo than thở: “Chúng tôi đang sống trong thế giới thứ ba nên phải chấp nhận như thế này. Người Trung Quốc “đổ bộ” vào các quốc gia nhỏ nằm ở phía nam châu Phi. Họ thiết lập dày đặc hệ thống buôn bán từ trung tâm thủ đô cho tới các làng bé nhỏ ở vùng núi”. Nhiều người cũng phàn nàn là làn sóng các thương nhân Trung Quốc đổ vào Lesotho (là một nước nghèo với 2 triệu dân và nền kinh tế chỉ vào khoảng 2,8 tỷ USD) đã đẩy áp lực mạnh hơn lên các doanh nghiệp địa phương.

Sự áp đảo hàng hóa Trung Quốc đã làm biến dạng nỗ lực hợp tác của các nước châu Phi. Khu vực kinh tế tư nhân không thể ngóc đầu dậy nổi vì không đủ sức cạnh tranh với hàng Trung Quốc. Người Trung Quốc tràn ngập ở châu Phi nên không thể giải quyết được tình trạng thất nghiệp.

ANH THƯ (Theo Guardian)

;
.
.
.
.
.