.

Ước vọng cho bảo tàng 100 tuổi

.

Có một bảo tàng nhỏ bé nằm bên bờ sông Hàn xinh đẹp ở Đà Nẵng đã gần 100 năm tuổi. Đó là bảo tàng chuyên đề đầu tiên của Việt Nam dành riêng trưng bày bộ sưu tập nghệ thuật điêu khắc Chămpa. Bảo tàng có các tên gọi khác nhau qua các thời kỳ, Musée de Tourane, Musée Parmentier, Viện Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng và dân gian gọi tắt là Cổ viện Chàm hoặc Bảo tàng Chăm.

Mặc dù nhỏ bé, nhưng bảo tàng đã có những tiếng tăm nhất định. Khởi công xây dựng từ năm 1915, theo tài liệu thống kê lưu trữ, vào năm 1929, số khách tham quan bảo tàng là 2.570 người, đến năm 1937 số lượng khách tăng lên 4.519 người, trong đó có những đoàn khách quan trọng như đoàn Hoàng gia Thái Lan năm 1930 và đoàn của vua Bảo Đại năm 1936.

Một góc đài thờ Trà Kiệu - Bảo vật quốc gia.
Một góc đài thờ Trà Kiệu - Bảo vật quốc gia.

Sau nửa thế kỷ chiến tranh, đến thập niên 1980, 1990, ngành “công nghiệp không khói” lên ngôi, Bảo tàng Điêu khắc Chăm trở thành địa chỉ thu hút khách du lịch quốc tế. Từ năm 2008, thành phố Đà Nẵng thử nghiệm giao cho bảo tàng tự nuôi sống từ nguồn bán vé, đồng thời nộp vào ngân sách số tiền còn lại; bảo tàng trở thành một “nguồn thu” với khoản “lãi ròng” đáng kể so với các cơ sở hoạt động văn hóa và là một bảo tàng duy nhất trong cả nước làm được công việc này. Tuy vậy, có lẽ không nên say sưa lâu hơn nữa trong niềm phấn khích về khoản sinh lợi đó mà cần phải nghĩ đến những việc đầu tư “làm mới lại” để duy trì và tăng thêm sức sống cho bảo tàng 100 năm tuổi đáng yêu này.

Thế mạnh hàng đầu của Bảo tàng Điêu khắc Chăm là một bộ sưu tập quý hiếm, không “đụng hàng” với bất kỳ một bảo tàng nào trên thế giới. Tiếp theo là một kiến trúc xinh xắn ở một vị trí đẹp của thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, bảo tàng cũng có khá nhiều điểm yếu. Về cơ sở vật chất, tòa nhà xinh xắn ấy đã quá cũ, thấm, dột, bong tróc nhiều nơi; không gian chung quanh chật hẹp, các công trình phụ như nhà vệ sinh, sân vườn đang vào giai đoạn hư hỏng. Về chuyên môn, cách thức trưng bày và thông tin hiện vật quá “cổ điển”, nội thất và phương tiện trưng bày cũ kỹ, chỉ mới tu bổ được một phần; đội ngũ nhân viên chưa đủ mạnh. Trong những năm gần đây, mặc dù đã có những cố gắng nhất định nhưng nếu muốn bảo tàng duy trì và phát triển tầm vóc thì phải có một cách ứng xử phù hợp với đặc điểm của bảo tàng và khả thi trong bối cảnh chung.

Điều nên làm đầu tiên là bảo dưỡng, tôn tạo cơ sở vật chất hiện có. Thông thường trong xây dựng, các công trình 100 năm tuổi đều phải có phương án xử lý; đối với các kiến trúc cần duy trì đường nét thiết kế cũ lại càng tốn kém cho việc bảo dưỡng. Một vài gian trưng bày được cải tạo nâng cấp trong vòng 5 năm lại đây nhưng các gian khác cũng cần phải tiếp tục triển khai. Việc này phải được thực hiện bởi những thiết kế mang tính chuyên môn và nghệ thuật chứ không nên quan niệm chỉ là việc tháo gỡ, bưng bê, đặt để thế nào cũng được. Đội ngũ nhân viên cần được tuyển dụng và đào tạo bổ sung để đủ kiến thức ở lĩnh vực bảo tàng học, văn hóa Chămpa và ngoại ngữ; từ đó có khả năng chuyển tải các nội dung và câu chuyện về hiện vật một cách lôi cuốn đến khách tham quan. Cuối cùng, công trình phụ (nhà vệ sinh) nhất thiết phải đáp ứng tiện nghi của một địa điểm du lịch quốc tế. Các lối đi trong sân vườn dành cho du khách nên được chăm chút hơn, ít ra là bảo đảm sự thoải mái cho các bước đi và thêm nữa là phải đẹp để tôn thêm chất nghệ thuật của bảo tàng chuyên đề này.

Trong tình hình kinh phí đầu tư đầy khó khăn như hiện nay, những ý tưởng trên có vẻ quá lãng mạn, tuy nhiên một hướng mở đang đến. Bộ Tài chính đã đồng ý cho phép thành phố tăng giá vé tham quan Bảo tàng Điêu khắc Chăm lên mức 40.000 đồng/người. Đây là một chủ trương tạo điều kiện thuận tiện để thực hiện phương châm lấy nguồn thu từ di tích để đầu tư lại cho di tích và khách du lịch chắc hẳn cũng vui lòng khi biết rằng mỗi người tham quan đóng góp tiền vé để đầu tư phục vụ chính mình, đồng thời góp phần vào việc gìn giữ và tôn vinh một di sản văn hóa quý giá của tiền nhân. Những ngày xuân, xin bày tỏ một ước vọng cho Bảo tàng gần 100 năm tuổi của thành phố Đà Nẵng vẫn mãi soi vẻ đẹp cổ kính bên dòng sông Hàn xinh đẹp.

VÕ VĂN THẮNG

;
.
.
.
.
.