Đầu tháng Mười năm ngoái, mẹ tôi tròn 80 tuổi. Mấy chị em tôi đã bàn nhau tổ chức cho mẹ một lễ thượng thọ thật đầm ấm. Mọi việc đã đâu vào đấy chỉ chờ đến chủ nhật con cháu về đông đủ… Vậy mà, đến phút cuối mẹ thay đổi ý định. Mới sáng sớm mẹ gọi điện báo: Lễ mừng thọ của mẹ năm nay sẽ tổ chức tại CLB Người cao tuổi thôn. Các con về dự mà không phải chuẩn bị gì hết. Tôi ngớ người đến nỗi chỉ thốt lên một tiếng dạ ngỡ ngàng. Thế là kế hoạch của mấy chị em tôi chuẩn bị suốt cả tháng trời đành ngậm ngùi không có hồi kết!
Lễ mừng thọ là dịp để con cháu thể hiện lòng hiếu thảo đối với ông bà, cha mẹ và để xã hội thể hiện sự tôn trọng và biết ơn đối với người cao tuổi. |
Vội vàng phóng xe về quê trong tâm trạng rối bời, chẳng biết các cụ có giận dỗi con cháu điều gì không? Vừa dựng xe trước sân đã thấy hai cô em gái cũng kịp có mặt đầu ngõ. Không hẹn nhưng cả ba đều đưa mắt vào trong nhà tìm kiếm... và thở phào nhẹ nhõm khi thấy mẹ ngồi khoan thai chải tóc dưới giàn bông lý. Chai dầu dừa nhỏ xíu đặt bên cạnh cái rổ con đựng lỉnh kỉnh nào gương nào lược. Có chút gì thật yên bình tĩnh tại trong giọt nắng vừa rơi trên mái tóc nhuốm màu thời gian của người.
Một giờ chiều, mẹ đã giục mấy đứa cháu ngoại giúp bà chuẩn bị các thứ. Nào là áo dài nhung, khăn lụa choàng cổ, hoa tai, chuỗi ngọc… Lâu lắm rồi chúng tôi mới thấy mẹ vui như thế. Người cứ đi ra đi vào kiểm tra mọi thứ đã tươm tất chưa? Đây không phải là lần đầu tiên Chi hội Người cao tuổi làng Quang Châu quê tôi tổ chức mừng thọ cho các cụ từ 70 trở lên. Mấy năm gần đây, ngày 1 tháng Mười hằng năm trở thành ngày mừng thọ của các cụ cao niên trong làng. Ban đầu các cụ không mặn mà cho lắm bởi cho rằng đây là việc riêng tư của gia đình nhưng càng về sau càng được nhiều người hưởng ứng vì tính nhân văn cao cả…
Con đường làng hôm ấy đông vui như ngày hội, các cụ ông, cụ bà được con cháu đưa đến CLB dự lễ mừng thọ. Gia đình con cháu xúm xít đứng chật cả hội trường. Dòng người đổ về hội trường càng lúc càng đông. Phần lớn là con cháu và bà con trong làng. Nhiều gia đình có con cháu làm ăn ở xa cũng dành hẳn một ngày về chúc mừng ông bà, cha mẹ… Bây giờ chị em chúng tôi mới hiểu vì sao mẹ thay đổi kế hoạch vào giờ chót.
Khi tiếng loa ban tổ chức mời các cụ vào ghế ngồi, tôi đã nhận ra nhiều người quen mà lâu lắm rồi không được gặp. Những tiếng xuýt xoa đầy ngạc nhiên ở phía dưới: Nhìn kìa, hôm nay cô Bảy mặc áo dài nhung đẹp quá! Cả vợ chồng ông Bá đều 80 tuổi rồi ư! Ai như là bà Tám Ngân thì phải, hôm nay mặc áo dài trông khác quá… Có lẽ mẹ tôi và các cụ ông cụ bà trong lễ mừng thọ hôm ấy đều rất hạnh phúc vì đã được quay về với chính mình trong tình thân ấm áp của bà con làng xã. Tôi cũng cảm thấy vui lây khi được đi trên con đường làng xưa, được ngắm những khuôn mặt thân quen phần lớn là bà con chòm xóm.
Có thể nói rằng chưa có một lễ hội nào từ trước đến nay làm tôi xúc động đến như thế! Một lễ mừng thọ kiểu mới không có cỗ bàn linh đình, không bia rượu, không có quà tặng tính bằng “vé”, bằng đô-la nhưng lại đầy ắp nghĩa tình. Cụ nào cũng được ban tổ chức tặng hoa, quà và chụp ảnh lưu niệm. Có những cụ cả một đời vất vả khi về già sống trong cảnh neo đơn, lần đầu trong đời các cụ biết thế nào là sinh nhật, là hoa, là nến... Bữa liên hoan dù chỉ là nước trà và bánh kẹo cũng là một hạnh phúc bất ngờ lúc tuổi xế chiều…
Tôi không nhớ mình đã giảng cho học trò bao nhiêu lần về tác phẩm “Mùa lá rụng trong vườn” của nhà văn Ma Văn Kháng; trong đó, tình nghĩa chân thành, đằm thắm, nét ứng xử cao đẹp giữa những người trong một gia đình trí thức còn giữ nền nếp cổ truyền. Nhưng qua lễ mừng thọ hôm đó, lần đầu tiên tôi cảm nhận ra rằng những giá trị văn hóa tốt đẹp sẽ mãi xanh theo năm tháng, cho dù cuộc sống có ra sao chăng nữa…
NHƯ HẠNH