.

Bến không chồng

.

Bến không chồng - tác phẩm điện ảnh miêu tả bức tranh ở một làng quê miền Bắc thời hậu chiến ra mắt khán giả vào lúc 21 giờ 30, ngày 14-4 trên kênh truyền hình VTV1.

Cảnh trong phim Bến không chồng.
Cảnh trong phim Bến không chồng.

Từ tiểu thuyết Bến không chồng của nhà văn Dương Hướng, những nhân vật Vạn, Nghĩa bước lên màn ảnh với đủ cơ cực, đắng cay khi trở lại quê hương sau chiến tranh, thời kỳ miền Bắc hối hả vừa khắc phục hậu quả chiến tranh, tiến lên chủ nghĩa xã hội, vừa chi viện cho chiến trường miền Nam. Họ cô độc, lạc lõng trên chính mảnh đất quê hương bởi những “hủ tục”, nếp sống cũ kỹ. Làng Đông, một làng quê trong Bến không chồng được đặc tả những nét văn hóa điển hình của đồng bằng Bắc bộ với không gian sống bao phủ trong lũy tre, mái đình, cây đa, bến nước…

Bộ phim bắt đầu bằng hình ảnh Nguyễn Vạn trở về làng Đông với tất cả hân hoan, vui sướng. Vai khoác ba-lô, ngực áo đính đầy huân chương, từ trên triền đê Vạn phanh ngực nhìn về làng Đông, thầm nghĩ sự bình yên chính là nơi đây, nơi anh đã cùng đồng đội sẵn sàng đổ máu để bảo vệ. Mang suy nghĩ ấy, Nguyễn Vạn xông xáo, nhiệt tình với tất cả công việc của làng xã. Nhưng, đáp lại sự nhiệt tình của anh là những hủ tục lâu đời của dòng họ, là dư luận, là điều tiếng, là nếp sống cũ kỹ vốn đã ăn sâu vào làng quê miền Bắc.

Trước rào cản ấy, anh không dám vượt qua dư luận để yêu. Anh sống trong sự kiềm nén bất hạnh, không dám đến với Nhân, người anh yêu dù bản năng luôn thôi thúc. Ngược lại, chị Nhân cũng không thể đến với Vạn hay bất kỳ ai vì nghĩ mình là vợ liệt sĩ nên phải “thủ tiết thờ chồng”. Bên cạnh cuộc đời nhiều sóng gió của Nguyễn Vạn là tình yêu bất hạnh của Nghĩa và Hạnh. Cuộc chiến đã cướp Nghĩa khỏi tay Hạnh.  Trong bước ngoặt cùng cực của cuộc đời, một lần, Hạnh lao vào vòng tay Nguyễn Vạn và cô có thai. Khi biết tin mình có con với Hạnh (con gái của chị Nhân), Nguyễn Vạn hoàn toàn thất vọng về bản thân và quyết định treo cổ tự vẫn trên cầu Đá.

Chiến tranh còn để lại chuyện tình cay đắng cho những thiếu nữ xinh đẹp như Cúc, như Thắm… Một đứa con thụ thai vội vã để khỏa lấp khao khát được làm mẹ. Một lễ cưới vá víu với người đàn ông bị tâm thần để biết được cảm giác làm vợ. Một anh thợ ảnh sở khanh, bỗng trở nên đắt giá ở làng quê, giữa xóm làng chỉ toàn phụ nữ… Những phận đời ấy đã góp thêm sự thê lương, buồn thảm cho bức tranh ở Bến không chồng thời hậu chiến.

Ngay sau khi phát sóng tập đầu tiên, Bến không chồng của đạo diễn Lưu Trọng Ninh nhận được nhiều lời khen từ phía khán giả. Giữa lúc dòng phim thị trường đang chiếm sóng giờ vàng nhiều kênh truyền hình, thì Bến không chồng trở thành món ăn ngon giúp khán giả cảm nhận và lựa chọn.

HUỲNH LÊ

;
.
.
.
.
.