Mỗi nhà thơ nổi tiếng, những bài thơ nổi tiếng, tạo ra một trường thơ có cảm ứng, tương tác lên các nhà thơ và bạn đọc, gây cho họ niềm xúc cảm, hứng khởi, tạo ra cho họ một ý tưởng, một năng lực để... sáng tác thơ!
Trường thơ, cảm ứng thơ mạnh hay yếu không chỉ phụ thuộc vào bản thân nhà thơ và những bài thơ nổi tiếng của họ mà còn phụ thuộc vào cách cảm, tình yêu của những người chịu tác động, do đó mà họ chịu ảnh hưởng với những mức độ khác nhau! Ở bài này tôi chỉ nói về sự tương tác, cảm ứng thơ với những nhà thơ, bài thơ mà họ yêu thích.
Cảm ứng thơ dễ nhận ra nhất là cảm ứng từ dân ca! Các nhà thơ hẳn là ai cũng thuộc, cũng yêu dân ca dân tộc mình và do đó, khi sáng tác cũng đôi lần mượn ý từ những câu dân ca hay dùng câu dân ca làm đề từ cho bài thơ hoặc mượn hẳn cả tứ của bài dân ca biến thành của mình. Sự vay mượn này thành công nhiều hay ít, kín đáo hay lộ liễu là thuộc về tài năng của mỗi một nhà thơ. Ví dụ thì nhiều, tôi chỉ nêu một vài trường hợp.
Nhà thơ Pờ Sảo Mìn (dân tộc Pa Dí ) - nổi tiếng với bài thơ Cây hai ngàn lá lấy tứ từ câu dân ca Pa Dí “Là cây rừng, hãy cứ vi vu/ Sợ gì gió, sợ gì mưa”. Đọc là thấy ngay “khiêm tốn vẻ cao đạo” của Pờ Sảo Mìn - Khiêm tốn: “Dân tộc tôi chỉ có 2 ngàn người/ như cái cây có hai ngàn chiếc lá” - Nhưng không thua kém bất cứ dân tộc nào (hai vạn, hai triệu hay... hai tỷ người!) cũng biết gọi mưa, gọi gió, cũng yêu “dữ dội”, “bão táp” như ai - cao ngạo (tự hào) quá đi chứ! Tôi cho rằng chất ấy, bản tính ấy đã làm nên con người và thơ Pờ Sảo Mìn.
Một nhà thơ khác - nhà thơ người Giáy - Lò Ngân Sủn, ông có nhiều bài thơ hay như Tình ca lều nương, Người đẹp... lấy tứ (hay cả đoạn) từ dân ca. Đó là nhà thơ “đậm chất thực vật”. Như bài Người đẹp lấy ý từ câu dân ca Giáy: “Ai viết tên em bằng ánh sáng/ Ai vẽ hình em bằng ánh trăng?”. Người đẹp được tạo ra từ ánh sáng huyền ảo, thiên thần ấy nên mới là người Tiên: “Người đẹp trông như tuyết/ Chạm vào lại thấy nóng/ Người đẹp trông như lửa, sờ vào lại thấy mát...”. Gặp người đẹp như thế Lò Ngân Sủn không chỉ muốn sờ, muốn chạm mà còn muốn “ăn”, muốn “uống”: “Người không khát - nhìn thấy người đẹp cũng khát/ Người không đói - nhìn thấy người đẹp cũng đói...”. Thơ như thế là đậm chất thực vật. Và nữa “Bạn ơi/ tôi vừa bắt gặp đôi mắt/ Đôi mắt ướt như mỡ nóng trong chảo/ Đôi mắt ngọt như mật ong trong rừng/ Đôi mắt ròn như mía mòi ấy/ Tôi chợt thấy đã cháy ruột, cháy gan” (Đôi mắt ấy).
Nhà thơ Tày - Y Phương, tỏ sự thông tuệ của người có chữ, nên thơ Y Phương đậm chất liên tưởng và do đó khi rơi vào trường liên tưởng của Y Phương là cảm ngay, yêu ngay. Một bài thơ nổi tiếng của Y Phương là bài Mùa Hoa viết tựa ý thơ một bài dân ca Tày: “Tháng tư, tháng năm/ Đàn bà vác loỏng lên núi/ Đàn ông tựa vách xỏ quần”. Tất nhiên bài Mùa Hoa khác rất nhiều bài dân ca kia về cấu tứ và phát triển ý tưởng.
Trong một lần “tếu táo” thơ cùng Trần Đăng Khoa tôi “tiết lộ” vài điều như tôi viết ở trên, Trần Đăng Khoa bảo: Đọc những bài thơ như thế tôi phục quá, nhưng nếu đúng như ông nói thì tôi phục vừa vừa thôi. Với nhà thơ quá nổi tiếng như Trần Đăng Khoa thì vậy nhưng với tôi, dù biết rõ “nguồn cội” tôi vẫn cứ phục lăn.
Đó là những cảm ứng thơ tích cực, còn nhiều cảm ứng không tích cực lắm, như có một nhà thơ trẻ “bê” cả một đoạn trường ca Thái vào thơ mình. Tôi góp ý, nhà thơ trả lời cùn: “Người miền núi ít cãi nhau lắm!”. Ô hay thật.
Có những nhà thơ thực sự lớn cũng chịu tương tác, chịu cảm ứng thơ từ những bài thơ rất nổi tiếng. Năm 1985, tôi dự trại viết ở Tuyên Quang, nhà thơ Xuân Diệu đến giảng bài và đọc thơ. Tôi rất mê bài Về Tuyên của ông, sau này tôi thỉnh thoảng đọc lại, rồi thấy một câu thơ quen quen: “Đường sâu quanh quất, nhà nhỏ xóm thưa/ Đi về này những lối này năm xưa”. Câu này diễn tả tâm trạng nhà thơ khi trở lại Tuyên Quang “Thủ đô gió ngàn” - thăm những nơi mình đã từng sống trong thời kháng chiến chống Pháp. Rất gần với tâm trạng của Kim Trọng trở lại vườn Thúy trong Truyện Kiều (câu 2751) “Cuối tường gai góc mọc đầy/ Đi về này những lối này năm xưa!”. Ở đây tôi hoàn toàn không có ý so sánh mà chỉ nói rằng: Cảm ứng thơ của Nguyễn Du quá mạnh!
Tôi mê thơ của nhà văn Nguyễn Đình Thi. Tôi đọc bài Gió bay của ông, sau khi ông mất mà xúc động dâng trào “Xin tha cho tôi mọi lỗi lầm/ Quên cho những dối lừa khoác lác/ Tôi đã biết, tôi nhiều lần ác/ Và ngu dại còn nhiều lần hơn/ Mong anh em hiểu đừng cười/ Tôi gửi lại đây chìa khóa/ Tất cả nhà cửa tôi đó/ Ngổn ngang qua tạm cuộc đời”. Đó là lời tạ từ trước lúc về cõi. Thơ đậm chất thiền Ấn Độ mà đại diện là nhà thơ TaGore. Tôi đọc lại bài Thơ Dâng của ông, khúc thứ 93: “Này đây chìa khóa tôi gài lên cửa, và cả căn nhà cũng trao trọn cho anh em. Chỉ xin anh em lời tạ từ lần cuối thắm đượm tình thân. Từ lâu rồi, sống bên nhau, chúng mình là láng giềng lối xóm, nhưng anh em đã cho tôi nhiều hơn tôi cho lại anh em...”. Trong trường hợp này nữa, tôi cũng không hề có ý so sánh mà cũng chỉ để nói rằng cảm ứng thơ TaGore quá lớn! Tôi ngàn lời xin lỗi các nhà thơ nổi tiếng mà tôi vô cùng yêu mến và kính trọng.
Cũng có những câu thơ, ý thơ hay, tạo ra cảm ứng thơ rất mạnh, để nhiều người viết thơ “ăn theo”. Có thể lấy nhiều ví dụ, chẳng hạn Nhà thơ Hữu Thỉnh có câu thơ: “Một mình một mâm cơm, ngồi bên nào cũng lệch”. Sau đó, thấy xuất hiện những câu thơ kiểu như: “Giường rộng, có một mình, ngủ bên nào cũng lệch!” hay “Nhà rộng có một mình, ở góc nào cũng nghiêng” lại có người thấy câu thơ “Biển một bên, em một bên” hay quá bèn viết: “Rừng một bên, em một bên” hay “Buồn một bên, em một bên”... Lại có “nhà thơ” thay địa danh vào câu thơ hay của nhà thơ nổi tiếng thành thơ “của mình”.
Đôi điều lan man về cảm ứng thơ, tôi chỉ đưa ra các hiện tượng chứ không có kết luận gì. Tôi tin những điều mình nói là có cơ sở, còn đúng hay chưa đúng, đúng đến độ nào là ở phía người đọc. Rất mong nhận được ý kiến của bạn bè thơ.
HOÀNG QUẢNG UYÊN