Thỉnh thoảng, bên mâm cơm hay ấm trà, bình rượu, các cụ ông, cụ bà lại bâng khuâng hỏi nhau rằng: “Mình đã chuẩn bị gì cho tuổi già sắp tới?”. Câu trả lời thường khá giống nhau: “Về già nếu có lương hưu thì nhờ lương. Không có lương thì sống ngày nào hay ngày đó chứ biết chuẩn bị gì”.
Sơ Lê Thị Thục đang chăm sóc người già không nơi nương tựa tại Mái ấm tình thương dòng thánh Phaolo. |
Ông Tống Viết Chức (67 tuổi), ở thôn Cẩm Toại Đông (Hòa Phong) cũng cùng câu trả lời như thế. Ông nói thêm, những người vốn xuất thân từ nông dân như ông ở tuổi nào cũng phải ra đồng làm việc để trang trải cuộc sống. Người nông dân, người nghèo chỉ ngừng lao động khi không còn sức lực hoặc đau ốm. Vì thế, số tiền trợ cấp xã hội, dù ít dù nhiều cũng giúp NCT mua được viên thuốc, lọ dầu gió phòng khi trở trời, hay mua ít trầu, thuốc lá mỗi khi buồn miệng. Còn hỏi NCT có sống được với tiền trợ cấp hay không. Câu trả lời chắc chắn là không.
Hành trình không hồi kết
Tính đến cuối năm 2012, số người cao tuổi (NCT) trên địa bàn thành phố Đà Nẵng là 76.668 người (trong đó độ tuổi từ 60 đến dưới 80 là 58.268 người). NCT đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng ở cộng đồng theo quy định của Nghị định số 67/2007 và 13/2010/NĐ-CP, Quyết định số 45/2012/QĐ-UBND ngày 6-10-2012 của UBND thành phố Đà Nẵng là 15.659 người, cộng thêm 11.146 NCT đang hưởng trợ cấp người có công với cách mạng. Muốn hưởng được tiền trợ cấp xã hội, NCT phải sống đến tuổi 80. Trong khi, người già ở tuổi 70 sức khỏe đã suy yếu, khó làm những công việc nặng nhọc để tự lo cho bản thân.
Phong tục người Việt “kính lão đắc thọ” nên bao nhiêu đám giỗ, chạp mã, tiệc tùng, cưới hỏi đều mời người già tham gia. Muốn đi thì phải có tiền nên bán được con gà, con heo, họ cũng để dành cho những dịp đó, không dám tiêu pha, dù là lo cho sức khỏe bản thân. Nói về điều này, bà Nguyễn Thị Liên (65 tuổi), phường Tân Chính, quận Thanh Khê kể lại một câu chuyện mà bà là nhân vật chính: “Mấy hôm nay trở trời, xương cốt đau nhức, định đi mua ít thuốc về uống nhưng sực nhớ mấy ngày tới có đám cưới của đứa cháu mà trong túi giờ chỉ có hơn 100.000 đồng, nếu mua thuốc thì lấy tiền đâu mà bù vào đi đám”.
Hiện nay, câu chuyện chuẩn bị “lên lão” của người nghèo khá chật vật. Họ hầu như không có thời gian, tiền bạc để tham gia các hoạt động thể thao, mang tính giải trí như đánh cờ, câu cá, câu lạc bộ dưỡng sinh… mà chủ yếu tìm niềm vui bằng việc chăm sóc mảnh vườn nhỏ quanh nhà. Chăm sóc vườn tược không những giúp người già vơi đi nỗi buồn, mà còn kiếm thêm một phần thu nhập trang trải cuộc sống. Ông Nguyễn Văn Tánh, Phó ban đại diện Hội NCT Đà Nẵng, cho biết, ở khu vực nông thôn, vùng ven thành phố, phần lớn NCT vẫn phải ra đồng sản xuất, trong khi NCT nghèo ở thành thị thường bám vào nghề đạp xe thồ, xe xích lô… Không lương, không trợ cấp xã hội khiến cuộc sống NCT nghèo từ 60 đến 79 gặp không ít khó khăn, vất vả, nói gì đến việc chuẩn bị tài chính phòng khi ốm đau, bệnh tật.
Sống trong niềm vui tuổi già
Thông tin từ Sở Lao động-Thương binh & Xã hội, toàn thành phố hiện có 152 người già lang thang, cơ nhỡ sống trong các trung tâm bảo trợ xã hội. Bắt đầu từ ngày 1-3-2013, suất ăn cho NCT ở tập trung được thành phố tăng từ 350.000 đồng lên 500.000 đồng mỗi tháng. Điều này phần nào giúp cuộc sống về già của những mảnh đời bất hạnh được cải thiện.
Tại Mái ấm tình thương dòng thánh Phaolo trên đường Phan Tứ, chúng tôi gặp 28 cụ bà đang được chăm sóc, nuôi dưỡng. Đây là mái ấm duy nhất ở Đà Nẵng tự lo mọi kinh phí hoạt động. Ngày mới vào mái ấm, hầu như chẳng cụ nào có nổi 1.000 đồng trong túi nhưng lại dấm dúi khoe mình có mấy miếng trầu, lôi ra mấy tẹp thuốc lá mời nhau trong lần đầu gặp gỡ. Cụ Nguyễn Thị Khoai (87 tuổi) nhớ lại, toàn bộ tài sản khi về mái ấm của cụ là hai bộ quần áo đã sờn vai và chiếc khăn lau mặt. Trước tình huống đó, các Sơ đã sắm cho cụ từ đôi dép, bàn chải đánh răng đến cái gương, cái lược. Giờ cụ Khoai đã nằm một chỗ, không đi lại được nhưng nét mặt vẫn tươi vui, hóm hỉnh khiến người đối diện phải bật cười. Hay như cụ bà Nguyễn Thị Thu (85 tuổi), vừa thức dậy đã nằng nặc đòi Sơ cho ăn cơm cháy vì đói, nhưng đến bữa chỉ ăn 3 muỗng cơm rồi không chịu ăn nữa. Chỉ khi được Sơ dỗ ăn xong cơm sẽ cho bánh, cụ mới ngồi ăn ngon lành.
Với tính cách “sáng nắng, chiều mưa” của tuổi già, những người làm công tác quản lý, chăm sóc như Sơ Lê Thị Thục phải chiều chuộng lắm mới dỗ được các cụ ăn hết muỗng cơm cuối cùng trong bát. Mái đầu bạc trắng, dáng người phúc hậu, Sơ Lê Thị Thục về Mái ấm tình thương này từ những ngày đầu thành lập (1996). Suốt 17 năm qua, Sơ chứng kiến không ít người đến và đi do bệnh tuổi già. Ở tuổi 75, Sơ Thục vẫn cần mẫn chăm sóc những người già hơn mình, lại hay đau ốm khi trái gió trở trời, nhưng bà vẫn nói “công việc không quá vất vả” vì “các cụ ở đây như bà, như mẹ”, khi các cụ không chịu ăn thì “tôi vẫn phải dỗ dành như dỗ một đứa trẻ con”, cụ nào bướng quá “thì mình làm trò để cụ cười”…“Lên lão” không chỉ xảy ra với người chuẩn bị bước qua ngưỡng 60, mà còn là câu chuyện dài cần phải học tập, thích nghi của từng thành viên trong gia đình. Với người già, chuyện tiền bạc, ăn uống chỉ là nhu cầu thứ yếu, điều quan trọng là đời sống tinh thần có vui vẻ hay không.
Trên thực tế, thành phố Đà Nẵng đã có nhiều “chính sách mở”, giúp NCT, đặc biệt là NCT ở nông thôn có thêm đồng ra, đồng vào. Cụ thể, mức chuẩn trợ cấp theo quy định của Chính phủ là 180.000 đồng/người/tháng thì ở Đà Nẵng, NCT trên 80 được hưởng 210.000 đồng mỗi tháng (tăng 15%). Mặt khác, Trung ương chỉ quy định 1 mức chung 180.000 đồng cho các đối tượng, các độ tuổi thì Đà Nẵng mở rộng ra 3 mức: Mỗi tháng, NCT từ 80 - 89 (không có lương hưu hoặc trợ cấp Bảo hiểm xã hội) nhận 210.000 đồng; từ 90 - 94 (có lương hưu) được nhận 210.000 đồng; từ 95 - 99 nhận 230.000 đồng; từ 100 tuổi trở lên nhận 350.000 đồng. Ngoài ra, NCT không nơi nương tựa mức từ 210.000 đồng đến 410.000 đồng/tháng. NCT được mua thẻ bảo hiểm y tế, khi chết được hỗ trợ mai táng phí 3 triệu đồng/người. Tổng tiền quà tặng, chúc thọ, mừng thọ cho NCT từ 200.000 đồng đến 600.000 đồng tùy theo độ tuổi. |
TIỂU YẾN