.

Tấm bia Thủ Long Tự - một gạch nối văn hóa

.

Đây là tấm bia tại cổng tam quan cũ của chùa An Long, tọa lạc ở đầu đường 2 tháng 9, thành phố Đà Nẵng, bên cạnh Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Văn bia bằng chữ Hán và một ít chữ Nôm. Tấm bia này được giới nghiên cứu lịch sử văn hóa chú ý sau bài viết của H. Cosserat, “La pagode Long Thu, a Tourane” (Chùa Long Thủ ở Tourane), đăng trên Bulletin des Amis du Vieux Huế (BAVH), số 3 năm 1920.

Bản dập văn bia ký hiệu 19257 đang lưu trữ tại Viện Hán Nôm.
Bản dập văn bia ký hiệu 19257 đang lưu trữ tại Viện Hán Nôm.

Cosserat đã nhờ ông Bùi Văn Cung, một viên chức của Tòa Khâm sứ, dịch văn bia Hán Nôm này ra tiếng Pháp để giới thiệu trong bài viết. Dòng đầu tiên được dịch là “Érection d’une inscription sur pierre à la pagode Long Thủ” (Lập văn bia trên đá tại ngôi chùa Long Thủ). Tất cả các bài nghiên cứu và giới thiệu văn hóa, du lịch về sau đều lấy thông tin trực tiếp hoặc gián tiếp từ bài viết này của Cosserat và đều gọi tên chùa là Long Thủ.

Bề mặt văn bia đến nay đã bị mòn mờ nhiều, rất may là Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp đã làm bản dập và Viện Nghiên cứu Hán Nôm (thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) lưu giữ 3 bản dập văn bia này, ký hiệu 12709, 19257, 14248. Kiểm chứng trên tấm bia hiện còn tại chùa An Long và trên bản dập, có thấy 6 chữ trên trán bia là “Lập Thạch Bi Thủ Long Tự”. Theo cách đọc thông thường thì 6 chữ trên có thể được dịch là “Lập văn bia trên đá tại ngôi chùa Thủ Long”. Nhưng ông Bùi Văn Cung đã có cách hiểu khác, “Thủ Long Tự” không dịch là “chùa Thủ Long” mà là “chùa Long Thủ”, có lẽ đây là cách hiểu xuất phát từ kinh nghiệm và thực tiễn, tuy nhiên các độc giả biết Hán Nôm có thể góp thêm những giải thích mới. Tên gọi chùa An Long là tên mới được thay đổi sau năm 1920.

Văn bia chép rằng thời xưa nơi đây là đất thiêng, người tin đến cầu vọng linh ứng, thấy hình đầu rồng (long thủ). Vì vậy Cai Hợp Tướng Thần Lại của làng tên là Trần Hữu Lễ thành tâm tặng khu vườn của ông bà để lại để làm nhà cho các tăng. Cả làng lập ngôi chùa mới. Hội chùa và thiện nam tín nữ lo việc bài trí tượng thờ, đúc chuông và xây gác treo chuông, trống. Tiếp theo là liệt kê danh sách những người đã cúng tiền và ruộng cho chùa, đứng đầu là viên chức Trấn Thủ có tên là Trần Văn Huyền và vợ là Nguyễn Thị Vạn. Ngày cúng là ngày Canh Thìn, năm Giáp Tuất (1634). Ngày dựng bia là ngày mồng một tháng Tư niên hiệu Thịnh Đức thứ năm (tức là ngày 13 tháng 5 năm 1657).

Đây là tấm bia có niên đại sớm nhất được tìm thấy do cộng đồng cư dân người Việt dựng ở Đà Nẵng và Thủ Long Tự cũng là ngôi chùa được lập sớm so với  những ngôi chùa và hội quán đầu tiên của người Hoa và người Việt tại Hội An như Chùa Ông (1653), Chùa Chúc Thánh (1684). Điều này cho thấy sự quần tụ cư dân khá ổn định tại các làng Nại Hiên, Hải Châu với những quan chức của hai làng và Trấn Thủ của Đà Nẵng được nhắc đến trong văn bia.

Một chi tiết đáng quan tâm đã được Cosserat đề cập là hình dạng và chất liệu đá của tấm bia. Hình dạng tam giác đỉnh tròn và chất liệu đá sa thạch đã gợi cho Cosserat suy luận rằng nguyên có thể là một tấm phù điêu của một đền tháp Chămpa đã được gọt đi để làm thành tấm bia, tương tự như một vài nơi khác ở miền Trung Việt Nam.

Trong bài viết “Les souvernirs Chams dans le folklore et les croyances annamites du Quảng Nam” (Những dấu vết Chăm trong văn hóa dân gian và tín ngưỡng của người An Nam ở Quảng Nam), đăng trên BAVH số 2 năm 1923, Albert Sallet cho biết khu vực xây dựng Bảo tàng Chăm được dân gian gọi là “Cấm”, và theo khảo sát của Albert Sallet thì những khu vực ở miền Trung Việt Nam mà người địa phương gọi là Cấm hay Gò Dàng hầu hết đều là di tích Chămpa, là những địa chỉ gây một sự tôn kính đầy sợ hãi đối với dân thường. Điều này ủng hộ giả thiết về sự tồn tại ở đây một kiến trúc tín ngưỡng của cư dân bản địa thời Chămpa trước khi người Việt đến định cư. Và tên gọi “Thủ Long Tự” cũng như hình ảnh “đầu rồng” nhắc đến trong văn bia phản ánh một biểu tượng thiêng; phải chăng đó là hình tượng đầu rắn thần Naga, một loại rồng trong văn hóa Ấn Độ - phổ biến cả trong Hindu giáo và Phật giáo – đã được Chămpa tiếp thu và để lại khá nhiều hiện vật điêu khắc ở các phế tích?

Xét về niên đại và về các chi tiết liên quan, có thể nói rằng tấm bia Long Thủ Tự là một gạch nối rất đáng chú ý trong dòng mạch văn hóa cùa vùng đất Đà Nẵng, đánh dấu sự tiếp nối của các cộng đồng cư dân trong tiến trình lịch sử. Từ năm1925,  tấm bia Long Thủ Tự đã được đưa vào danh mục di tích được bảo vệ bằng một Nghị định của Toàn quyền Đông Dương và năm 1992, Bộ Văn hóa-Thông tin có Quyết định xếp hạng di tích cấp quốc gia. Tuy vậy, tấm bia hiện vẫn đang trong tình trạng khuất lấp trong bề bộn trùng tu của ngôi chùa mới và ít ai trong khách thập phương cũng như người lễ bái hôm nay biết đến danh tính những “thiện nam tín nữ” tiền bối.

VÕ VĂN THẮNG

;
.
.
.
.
.