.

Cảm hứng từ vịt

.

Chúng ta không lạ gì đến hình ảnh một chú vịt con quen thuộc của mọi người, mọi gia đình, được nhân cách hóa một cách dí dỏm trên các tranh ảnh in trên sách vở, báo chí, truyện tranh. Nhất là hình ảnh một chú vịt con màu vàng chóe, dáng thật nhỏ bé nhưng thông minh, lém lỉnh xuất hiện trên các kênh truyền hình trong các thước phim hoạt hình ngắn do hãng Walt Disney thực hiện.

Chú Vịt hơi khổng lồ của Florentijn Hofman ở cảng Victoria Hong Kong.
Chú Vịt hơi khổng lồ của Florentijn Hofman ở cảng Victoria Hong Kong.

Trong những ngày này, nhiều người đang hào hứng theo dõi cuộc hành trình qua nhiều nước trên thế giới của một chú vịt “to bự chảng”, khổng lồ bằng cao su - tác phẩm tạo hình của một nghệ sĩ Hà Lan. Và, có thêm một chú vịt vẽ bằng sơn dầu khác, “bé tí xíu” nhưng đoạt giải lớn về tranh in tem mà tác giả của nó chỉ là một bé gái người Mỹ vừa tròn 6 tuổi.

Chú Vịt hơi khổng lồ cao 15 mét, rộng 18 mét, màu vàng rực rỡ đã đi qua nhiều thành phố trên thế giới như Osaka (Japan), Sao Paolo (Brazil), Auckland (New Zealand). Đặc biệt, trong những ngày Lễ hội Văn hóa ở Sydney, chú Vịt hơi xuất hiện trên dòng nước trong ở cảng Darling  đã mang đến nhiều bất ngờ và niềm vui cho người dân và giới nghệ sĩ Úc. Hiện nay, chú vịt khổng lồ bằng cao su ấy đang bơi “thong dong” trên bến cảng Victoria (Hong Kong) trước sự ngưỡng mộ của nhiều người dân địa phương và thu hút nhiều khách du lịch. Chú vịt sẽ bơi lội ở cảng này từ đây cho đến tháng sáu rồi mới tiếp tục cuộc hành trình đường dài của mình, cùng với tác giả, ông Florentijn Hofman - nghệ sĩ Hà Lan, người đã sáng tạo nên hình dạng, màu sắc cho chú từ năm 2007.  Đây là một tác phẩm tạo hình với một kích thước quá khổ, mang tính công nghệ đầy thú vị. Chú vịt đi đến đâu đều mang theo lời tâm sự như một thông điệp của tác giả: “Vịt hơi cao su khổng lồ không quan tâm đến biên giới, không phân biệt đối xử và không có mang một màu sắc chính trị nào. Vịt chỉ mang theo sự mềm mại, tươi tắn với nụ cười thân thiện, hòa bình đến với tất cả mọi người”.

Madison Grimm, 6 tuổi.
Madison Grimm, 6 tuổi.

Cùng thời gian chú vịt khổng lồ đáp vào các thành phố vùng biển châu Á, thì một con vịt khác, với kích thước nhỏ xíu, được vẽ bằng sơn dầu của Madison Grimm được nhắc đến. Bức tranh “Con vịt canvasback” đoạt giải nhất cuộc thi “Vẽ tem về đề tài động vật dành cho thiếu niên của liên bang Mỹ năm 2013”. Madison 6 tuổi, là nghệ sĩ trẻ nhất giành chiến thắng trong cuộc thi  mang tầm quốc gia, thu hút hơn 29.000 thí sinh tham dự.

Madison Grimm đi theo bước chân của người cha nổi tiếng bằng cách thường xuyên tập quan sát và ghi chép hình dáng lẫn các chi tiết các loài động vật rồi đưa tất cả hình ảnh đó vào nghệ thuật. Bố mẹ của Grimm đã ngạc nhiên đến sốc, và vô cùng sung sướng trước sự thành công của cô con gái nhỏ bé của mình trong cuộc thi này. Ông  Grimm, bố cô bé nói rằng ông cung cấp cho con gái tài liệu tham khảo về hình ảnh loài vịt canvasback- loài vịt lặn nước lớn nhất ở Mỹ, có bộ lông đầy màu sắc và một chiếc cổ dài đẹp, duyên dáng, để cháu bé có một vài gợi ý nghệ thuật. Ông không hề tự tay chạm vào hình họa hay các nét vẽ chi tiết trên bản vẽ của Madison để giúp Madison hoàn chỉnh bức tranh. Grimm nói thêm: “Tôi không bao giờ tưởng tượng Madison sẽ trở thành nghệ sĩ trẻ nhất và đã giành chiến thắng trong cuộc thi. Cô bé chỉ học tập để sử dụng sơn dầu, chỉ mức đó mà thôi”.

Vịt canvasback trên mặt nước-Tranh sơn dầu đoạt giải nhất  “Cuộc thi Vẽ tem Đề tài động vật-Liên bang Junior -năm 2013”.
Vịt canvasback trên mặt nước-Tranh sơn dầu đoạt giải nhất “Cuộc thi Vẽ tem Đề tài động vật-Liên bang Junior -năm 2013”.

Grimm và vợ ông, bà Janice, hiện đang sống ở vùng nông thôn Burbank, SD (Mỹ) với 3 người con Madison, Hannah, và Jonas. Madison chăm học nhưng cũng thích sáng tạo nghệ thuật. Cô bé đã từng bán một bức  vẽ bút chì tả con chim chích vàng cho bộ sưu tập của người thợ điêu khắc Decoy tại Ohio. Madison nói cô ấy thích vẽ, nhưng rất thích chăm sóc động vật và trang trại của gia đình, cô bé muốn trở thành một bác sĩ thú y. Cô còn muốn luôn luôn bên cạnh cha mình vào những buổi đi săn ảnh để ghi hình các động vật như vịt, ngan, ngỗng và các loài vật hoang dã. Và, nhất là được mặc các trang phục ngụy trang, giấu mình, hòa lẫn mình trong các màu sắc vốn có của thiên nhiên.

HOÀNG ĐẶNG

;
.
.
.
.
.