.

Học bơi: Đừng chỉ là phong trào

.

Cho con học bơi vào dịp hè là sự lựa chọn hàng đầu của nhiều bậc phụ huynh trong những năm gần đây. Tuy nhiên, việc học bơi hiện nay chỉ mới là phong trào đến hẹn lại lên, khi các bể bơi  trở nên quá tải chỉ vào vỏn vẹn hai tháng 6 và 7, còn các tháng khác trong năm, những điểm dạy bơi gần như hoàn toàn vắng bóng học viên nhí.

Theo các chuyên gia về môn bơi lội, cách “xuống nước” này của trẻ em khó thể đem lại hiệu quả như mong đợi.

Trẻ cần bơi 3 buổi/tuần và duy trì đều đặn cả năm.
Trẻ cần bơi 3 buổi/tuần và duy trì đều đặn cả năm.

Sau khai giảng 10 ngày, vẫn chưa ai đăng ký

Thấy thời tiết hiện nay đã bắt đầu nắng nóng liên tục nên các lớp bơi dành cho trẻ em của CLB Bơi lặn Đà Nẵng (đường 2 tháng 9) khai giảng sớm hơn thường lệ. Thông thường, tầm sau tháng 5, tức thời điểm học sinh đã nghỉ hè, CLB mới mở lớp. Nhưng năm nay vì lý do thời tiết nên các thầy giáo tại đây quyết định đẩy sớm ngày khai giảng. Tuy nhiên, dù dự kiến 15-4 bắt đầu học, nhưng sau đó 10 ngày vẫn chưa có em nào đăng ký.

Ở các bể dạy bơi khác trên địa bàn thành phố như tại Trường ĐH TDTT Đà Nẵng, Trung tâm chỉnh hình và phục hồi chức năng thành phố, Trường THPT Phan Châu Trinh, Lê Quý Đôn, cũng có tình cảnh tương tự khi học sinh vẫn đợi đến lúc chính thức nghỉ học văn hóa mới rầm rộ kéo nhau đi bơi.

Theo thầy Phan Thanh Toại, Trưởng bộ môn Bơi lặn (Trung tâm Huấn luyện - Đào tạo VĐV Đà Nẵng), cách “xuống nước” như hiện nay khó đem lại hiệu quả trong việc phát triển thể chất của trẻ em. “Nói là ba tháng hè, nhưng thực tế chỉ có tháng 6 và 7 các em tập trung học bơi, còn qua tháng 8 thì học sinh đã phải tạm gác các hoạt động vui chơi giải trí để chuẩn bị bước vào năm học mới. Như vậy, mười tháng còn lại trong năm coi như hoạt động bơi lội bị bỏ dở. Trong khi đó, rèn luyện thể thao nói chung, bơi lội nói riêng, cần thường xuyên, liên tục”, thầy Toại cho biết.

Theo khuyến cáo, nên cho trẻ bắt đầu học bơi khi lên 5 tuổi và trung bình mỗi tuần trẻ phải bơi được 3 buổi. Hiện nay, tại các bể có hai hình thức dạy bơi đó là học sinh tham gia đại trà (đo theo chiều cao) và học kèm một thầy, một trò.

Trẻ sợ nước, càng cần học bơi

Cũng vì học theo phong trào nên không ít em sau khi qua lớp cơ bản vẫn…bị chìm mỗi khi xuống nước. T.V, một học sinh lớp 8 đã học bơi hè cho biết: “Sau khi học được 1 tháng, em vẫn hoàn toàn không biết bơi. Vì học trúng đợt cao điểm, lớp quá đông nên em “tự bơi” là chính”. Bên cạnh đó, việc trẻ biết bơi nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào khả năng thích nghi của cơ thể. Các giáo viên bơi cho biết, cơ thể phù hợp với việc bơi là điều kiện giúp trẻ tiến bộ nhanh trong môn này. Ngược lại, có em chỉ chạm nước đã khó chịu nên việc học sẽ mất nhiều thời gian hơn. Nhưng một lời khuyên dành cho cha mẹ có con em sợ nước là với trường hợp này, gia đình càng cho trẻ tập bơi để vượt qua nỗi sợ hãi.

Trước thực trạng đuối nước diễn ra liên tục, dẫn đến nhiều cái chết thương tâm ở học sinh vùng sông nước, các bậc phụ huynh đã ý thức được sự bức thiết phải trang bị cho con kỹ năng bơi lội. Học bơi, trước hết giúp các em có kỹ năng bảo đảm an toàn cho bản thân. Ngoài ra, bơi lội còn góp phần đem lại sự cải thiện vóc dáng, tránh bệnh ngoài da (ở bể bảo đảm vệ sinh) và cũng là môi trường lành mạnh cho trẻ vui chơi. Tuy nhiên, nếu học theo phong trào thì hiệu quả đạt được cũng chỉ mang tính chất…phong trào.

HƯỚNG DƯƠNG

;
.
.
.
.
.