“Cấm quảng cáo, khuyến mại, và tài trợ của các công ty thuốc lá” là chủ đề của Ngày thế giới không thuốc lá năm 2013 (31-5). Đây cũng chính là điều khoản quan trọng trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1-5 vừa qua và được coi là hành động thiết thực trong việc tiến tới thực thi đầy đủ nghĩa vụ của các quốc gia theo Công ước khung của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Thông tin từ Văn phòng phòng chống thuốc lá Việt Nam cho thấy, nước ta là một trong những quốc gia dẫn đầu về tỷ lệ hút thuốc lá trên thế giới. Tỷ lệ hút thuốc lá thụ động tại Việt Nam lên tới 70%. Theo tính toán, mỗi năm nước ta có 1/4 dân số sử dụng thuốc lá và hơn 40.000 người tử vong do các căn bệnh liên quan đến thuốc lá. Nếu biện pháp kiểm soát không được áp dụng kịp thời thì con số này sẽ tăng thành 70.000 vào năm 2030. Mỗi năm cả nước tiêu tốn hơn 6.000 tỷ đồng tiền thuốc lá. Các nghiên cứu khoa học cho thấy, việc cấm quảng cáo thuốc lá toàn diện sẽ giúp làm giảm đáng kể số lượng những người bắt đầu hút, số lượng người đang sử dụng thuốc lá, và được xếp vào nhóm biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá có chi phí thấp và hiệu quả cao nhất.
Một thực tế là thời gian qua, quy định cấm hoàn toàn quảng cáo, khuyến mại thuốc lá tại Việt Nam được thực hiện khá hiệu quả. Việc quảng cáo trên các pano, áp-phích, băng rôn, ti-vi, đài, báo... hầu như không xuất hiện trong nhiều năm trở lại đây. Tuy nhiên, có lẽ, ở nơi mà “con mắt kinh doanh” của các nhà sản xuất thuốc lá “nhìn thấu” trong khi các nhà làm luật vẫn chưa thể nhìn ra chính là các quầy thuốc lá, điểm quảng cáo lý tưởng và hiệu quả. Nhiều nhãn hiệu thuốc lá khá nổi tiếng còn “tặng” cả tủ trưng bày cho cửa hàng để thuốc lá của họ được đặt ở nơi trang trọng nhất, dễ nhìn thấy nhất. Những quầy thuốc lá trưng bày đủ các nhãn hiệu đầy màu sắc và bắt mắt. Cạnh đó còn là những chiếc bật lửa nho nhỏ (tất nhiên có in logo của nhà sản xuất thuốc lá) để xen lẫn với mấy chiếc kẹo thơm được bày bán lại “vô tình” thúc đẩy hành vi mua và bắt đầu hút thuốc ở thanh-thiếu niên. Trong khi hàng loạt những quy định cấm hút thuốc ở nơi công cộng, quy định cấm quảng cáo thuốc lá trên các phương tiện thông tin đại chúng và rầm rộ các hoạt động xử phạt người hút thì ở nơi ngõ nhỏ, phố nhỏ, vẫn lặng lẽ những tủ thuốc “âm thầm” tuyên truyền cho thuốc lá. Và có hình thức tuyên truyền nào là hiệu quả hơn thế (?!). Khi được hỏi thì hầu hết những người bán thuốc đều “vô tư” trả lời là “không biết”. Sự “không biết” đó không chỉ là lỗi của những người bán thuốc lá vỉa hè mà còn đặt ra câu hỏi về việc tuyên truyền, phổ biến, xử phạt của các cơ quan chức năng hiện nay đến đâu?
Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá cũng đã chỉ rõ: cấm hoàn toàn các hoạt động quảng cáo, tài trợ của công ty sản xuất thuốc lá; cảnh báo sức khỏe trên vỏ bao bì sản phẩm phải chiếm ít nhất 50% diện tích của mặt chính trước, mặt chính sau trên bao, tút, hộp thuốc lá; nội dung cảnh báo phải mô tả cụ thể tác hại của việc sử dụng thuốc lá đối với sức khỏe; và đặc biệt tăng xử phạt hành chính đối với người vi phạm… Tuy nhiên, Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá có quy định “tại các điểm bán, không được trưng bày quá một bao/một tút/hộp của một sản phẩm của một nhãn hiệu thuốc lá”.
Trong khi đó, mỗi nhãn hiệu thuốc lá thường có từ 5 đến 10, thậm chí nhiều hơn các loại sản phẩm khác nhau. Vì thế, điều tất nhiên, nếu cho phép trưng bày một bao/một tút của một sản phẩm của một nhãn hiệu thuốc lá thì mỗi cửa hàng bán lẻ sẽ trưng bày hàng chục loại sản phẩm khác nhau của mỗi nhãn hiệu. Lý do là vì, mỗi nhãn hiệu thuốc lá thường có từ 5 đến 10, thậm chí nhiều hơn các loại sản phẩm khác nhau. Cho nên, nếu cho phép trưng bày một bao/một tút của một sản phẩm của một nhãn hiệu thuốc lá thì mỗi cửa hàng bán lẻ sẽ trưng bày hàng chục loại sản phẩm khác nhau của mỗi nhãn hiệu. Và vô tình, hàng trăm nghìn điểm bán lẻ trên các đường phố của nước ta sẽ trở thành hàng trăm nghìn điểm quảng cáo thuốc lá “hiệu quả”.
Có chính sách đã tốt nhưng để chính sách thật sự đi vào cuộc sống thì cần phải phù hợp và sát thực tế!
KIM NGÂN