.

Phong cách hào hiệp, khiêm nhường Hồ Chí Minh

.

Rong ruổi suốt chặng đường dài hơn 300 cây số từ cửa khẩu biên giới Lạng Sơn để đến Nam Ninh, thủ phủ của tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc, qua cửa kính ô-tô, tôi và mọi người trong đoàn công tác (1) háo hức nhìn quang cảnh núi non điệp trùng của tỉnh cực nam này. Đây cũng là vùng có một địa danh nổi tiếng mà chúng tôi chỉ nghe chứ chưa được đến: Thập vạn đại sơn.

Đó là một dãy núi điệp trùng dài gần hai trăm cây số theo hướng tây nam - đông bắc của tỉnh Quảng Tây. Điểm bắt đầu cao nhất của dãy núi là vùng giáp biên giới Lạng Sơn mà chúng tôi vừa đi qua, có độ cao khoảng 1.500 mét, độ cao này tương đương núi Bạch Mã ở Thừa Thiên-Huế, hoặc núi Hòn Bà ở huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Dãy Thập vạn đại sơn thấp dần đến vùng Nam Ninh, còn gọi là vùng Ung Châu ngày trước. Một điều ít ai biết rằng trên dãy núi điệp trùng đó, bộ đội Việt Nam đã vâng lệnh Bác Hồ, có mặt từ tháng Tư đến tháng Chín năm 1949, phối hợp cùng biên khu Việt - Quế, đánh bại đội quân Tưởng Giới Thạch giúp cách mạng Trung Hoa đi đến thành công vào tháng Mười năm 1949.

Trên con sông Ly Giang này, nơi mà chúng tôi hôm nay đang đi thuyền thong dong ngắm cảnh hai bên bờ và nghe lại từng lời thơ của Bác: 

Quế Lâm phong cảnh
        giáp thiên hạ,
Như thi trung họa, họa
                trung thi.
Sơn trung tiều phu xướng.
Giang thượng khách
         thuyền quy.

Kỳ! (2)

(Dịch nghĩa:

Phong cảnh Quế Lâm đẹp bậc nhất trong thiên hạ, Khác nào tranh vẽ trong thơ, thơ trong tranh vẽ. Trên núi, những người hái củi ca hát. Dưới sông, thuyền khách trở về... Thật kỳ lạ)

Bác Hồ viết bài thơ này vào năm 1961 khi đi nghỉ tại Trung Quốc nhân kỷ niệm 71 năm ngày sinh của Người. Chính nơi đây, gần 30 năm trước tính từ lúc bài thơ ra đời, đã là một trong những nơi chứng kiến tổn thất nặng nề của hồng quân Trung Quốc trong trận vượt vòng vây của quân Tưởng Giới Thạch để tiến hành cuộc Vạn lý trường chinh về phía Bắc. Cuộc rút lui xuất phát từ Giang Tây và Phúc Kiến, tới tận Diên An của tỉnh Thiểm Tây ở miền bắc Trung Quốc. Khởi đầu cuộc rút lui vào năm 1934, hồng quân có 90.000 người, nhưng một năm sau khi tới Diên An thì chỉ còn 7.000 người sống sót, gần 1/3 số quân bị mất trong trận chiến tại sông Ly Giang này.

Mãi đến chục năm sau, quân giải phóng Trung Quốc mới bắt đầu phục hồi và dần chiếm lại một số vùng ở miền Bắc sông Dương Tử, còn gọi là sông Tương hay sông Trường Giang, nhưng vẫn chưa đủ sức để tấn công xuống vùng Hoa Nam, phía Nam sông Dương Tử do quân Tưởng Giới Thạch làm chủ.

Sang năm 1949, cách mạng Trung Quốc dần chiếm ưu thế, nhưng ở mặt trận phía nam, đặc biệt là ở hai tỉnh Quảng Tây và Quảng Đông, có diện tích gấp 1,3 lần cả nước Việt Nam, vẫn rất gay gắt. Hai tỉnh này trở thành khu vực trọng điểm tập trung sự kháng cự quyết liệt cuối cùng của quân Quốc dân Đảng, gây cho quân đội Trung Quốc những tổn thất nặng nề, dân chúng sống trong hoảng loạn vì nạn cướp bóc, giết người.

Trong lúc ta đang tập trung sức chống Pháp, cũng còn rất nhiều khó khăn vì thiếu vũ khí, thì tháng 3-1949, Đảng Cộng sản Trung Quốc đề nghị ta sang giúp nhằm giải phóng và làm chủ biên khu Việt-Quế (khu biên giới Quảng Đông-Quảng Tây) cách Lạng Sơn chừng 800 cây số và biên khu Điền Quế (khu biên giới Vân Nam- Quảng Tây) giáp với biên giới nước ta.

Trước đó, năm 1944 Việt Nam chưa có quân đội, Bác Hồ chỉ thị cho lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tức là những cán bộ Việt Minh làm công tác tuyên truyền cứu nước trong dân là chính. Vũ khí thì chỉ có 17 súng trường, 14 súng kíp và 1 súng máy. Thế nhưng chỉ sau 5 năm, quân đội ta đã từng bước trưởng thành… Trước đề nghị của Trung Quốc, nhận thấy những đơn vị du kích của bạn ở vùng biên giới đang gặp nhiều khó khăn, lương thực cũng rất thiếu thốn, Bác Hồ phái một đoàn vũ trang sang giúp.

Đầu tháng 6-1949, các đơn vị chia làm hai hướng: Một hướng từ Cao Bằng, Lạng Sơn vượt biên giới sang khu vực Long Châu; một hướng từ Lạng Sơn, Hải Ninh sang khu vực Khâm Châu. Khâm Châu là một huyện phía Nam tỉnh Quảng Tây rộng gần 11.000km2, phía bắc giáp với thành phố Nam Ninh, phía tây giáp với thành phố cảng Phòng Thành, cảng này nằm sát tỉnh Quảng Ninh của Việt Nam. Khi dãy Thập vạn đại sơn đi qua phía đông bắc và tây bắc huyện Khâm Châu nối với dãy Lục vạn đại sơn thì địa hình núi lúc này đều có độ cao khoảng 1.000m. Ngày ra đi, các chiến sĩ tình nguyện của ta nhìn lại quê hương mình, vẫn còn thấy cảnh máy bay giặc Pháp đang thả bom, những cột khói bốc lên nghi ngút, lòng ai cũng căm phẫn. Nhưng vì một nghĩa cử lớn của tình đoàn kết quốc tế mà Bác Hồ căn dặn, các anh nén lòng lên đường. Bộ đội ta vượt những dãy núi này để đến tận Nam Ninh tạo thế bao vây quân Tưởng ở thủ phủ Quảng Tây.

Vượt qua biết bao gian khó ở vùng rừng núi Thập vạn đại sơn khắc nghiệt, quân đội ta chiến đấu gần nửa năm trời, giúp bạn giải phóng và làm chủ cả một vùng đất rộng lớn ở tỉnh Quảng Tây và Quảng Đông. Hoàn thành nghĩa vụ quốc tế, cuối tháng 9-1949 quân đội Việt Nam rút về nước. Ngày 1-10, bạn tổ chức lễ quốc khánh mừng thành công của cách mạng Trung Quốc, chào mừng sự ra đời của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. (3)

Suốt thời gian lưu lại trên đất Quảng Tây, chúng tôi đi tìm tại các nhà lưu niệm Hồ Chí Minh ở Long Châu, ở thành phố Liễu Châu, không thấy có tư liệu về sự kiện này. Không phải ở Quảng Tây-Trung Quốc, mà ngay cả trong nước, cũng không thấy trưng bày tư liệu ở các bảo tàng, không nghe nhắc đến sự kiện này, ngay cả khi  Bác Hồ còn sống.

Chúng tôi đi thuyền trên con sông Ly Giang ngắm núi Vòi Voi, Điệp Thái Sơn, Phục Ba Sơn… Mặc dù đang trong mùa nước cạn, nhưng dòng sông, ngọn núi những cảnh đẹp ở Quế Lâm  hiển hiện trước mắt chúng tôi, ai cũng cảm nhận được vẻ đẹp đó qua lời thơ của Bác…

Phong thái ung dung, luôn ngợi ca cái đẹp, không nhắc lại chuyện cũ cho dù đó là một chuyện đại hiệp, Bác Hồ coi nghĩa vụ quốc tế là tình cảm của người cách mạng, giúp bạn cũng là để tự rèn giũa ý chí và nghị lực cho mình. Những đức tính đó nó sẽ nằm lại trong tâm hồn, trở thành tố chất của con người Việt Nam.

Bác Hồ - một phong cách hào hiệp, khiêm nhường của người quân tử, chừng đó cũng đủ hóa giải những lệch lạc trong mỗi chúng ta về nhận thức tình nghĩa láng giềng.

BÙI CÔNG DỤNG


(1) Chương trình Tham quan tìm hiểu đời hoạt động của Bác Hồ tại Quảng Tây của Liên hiệp các hội  Văn học-Nghệ thuật Đà Nẵng tháng 10-2012.

(2)http://123.30.190.43:8080/tiengviet/tulieuvankien/4lanhtu/details.asp?topic=3&subtopic=91&leader topic=&id=BT2730335661.

(3)http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/56/58/58/85950/Default.aspx.

;
.
.
.
.
.