.

Không chỉ là chuyện một "kỳ nữ" Huế

.

Trước “Treo tình trên sóng” (TTTS), Võ Ngọc Lan đã “tung hoành” trên rất nhiều lĩnh vực, nhiều vùng đất, từng cho xuất bản 3 tập thơ, một tập tùy bút, mấy CD toàn dành cho Huế, rồi biểu diễn tại 2 kỳ Festival Huế 2008-2010…, nhưng TTTS mới là dịp để Võ Ngọc Lan thể hiện chân dung toàn vẹn của mình.

Nói thế, vì trong Lời tựa của GS. Hoàng Như Mai, cũng như Lời bạt của nhà thơ Lê Minh Quốc, đều cho rằng TTTS là một tự truyện. Hẳn là những người đã đọc TTTS đều muốn biết tác giả đã tự thuật chân thực được mức nào? Và nhân vật Duyên có phải chính là Võ Ngọc Lan không?

Chuyện đối chiếu nhân vật trong sách với nguyên mẫu ngoài đời chủ yếu chỉ để thỏa tính tò mò mà con người ta ai cũng có. Với TTTS thì có lẽ người đọc tò mò hơn vì cuộc đời nhân vật Duyên quả thật là đặc biệt.

Chỉ sơ qua đoạn lý lịch trích ngang của Duyên đã thấy lắm điều khác thường. Bố Duyên hoạt động từ đầu Cách mạng Tháng Tám, là liệt sĩ nhưng chồng cô lại là trung tá lính nhảy dù, rồi Trưởng ty cảnh sát của chính quyền Sài Gòn. Là con gái nhà nghèo ở Kim Long, nhưng sau khi bố mất, lại được sống trong Phủ Bà Chúa (do bố dượng là ông Bửu Huân, em của bà Chúa Nhất - con gái trưởng của vua Dục Đức)…

Vậy mà đây là quãng đời có thể nói là “yên ổn” nhất của Duyên. Cô rời Huế lúc 20 tuổi, khi “bị” anh lính dù An (dân Bắc di cư) đeo bám rồi vào sống ở Biên Hòa, Đồng Nai, Sài Gòn cho đến nay. Số phận trớ trêu và thời cuộc rối ren đã xô đẩy cô vào những hoàn cảnh éo le và cay đắng không kể xiết. Khi là vợ sĩ quan, cũng như trong 13 năm An đi tù, cô đã buôn bán đủ thứ hàng - kể cả hàng cấm, đã tổ chức cho mấy đứa con và bạn bè vượt biên rồi bị tù, hai lần bị tịch thu nhà và nhiều lần chứng kiến chồng phản bội, hai lần xuống tóc trước cửa Phật, nhưng rốt cục lại trở thành tín đồ của đạo Ki-tô…

Kể ra, ở một đất nước trải qua mấy cuộc chiến tranh khốc liệt, biết bao gia đình ly tán, đổ vỡ vì sự đối đầu ý thức hệ dai dẳng, không ít người cũng đã trải những hoàn cảnh éo le như Duyên, nhưng một điều rất đáng suy ngẫm là cho dù bị quăng quật như thế, Duyên không gục ngã, không hư hỏng - cả khi sống trong nhung lụa, cũng như lúc bị xô đạp đến tận đáy xã hội và cả khi phạm pháp nữa! Hơn thế, Duyên còn nhiều lần “lập công” - đúng ra còn phải dùng từ tôn vinh cô hơn nữa với việc góp phần quan trọng khai sinh nhãn hiệu thuốc lá DONA bán chạy ở Đồng Nai một thời, rồi tiếp đó là xây dựng Nhà máy thuốc lá Nha Trang - tiền thân của Tập đoàn Khataco hùng mạnh hôm nay. Vợ một Trưởng ty cảnh sát “ngụy” đang trong trại cải tạo, bản thân thì vừa ra tù vì tham gia tổ chức vượt biên mà được cử giữ chức Phó Giám đốc Nhà máy thuốc lá Nha Trang thì nghe như là chuyện bịa. Đã đành, cũng do tổ chức biết cô là con liệt sĩ, lại được một số nhân vật tên tuổi đỡ đầu, nhưng người ta tin Duyên, trước hết vì cô có năng lực. Từ khi còn làm thuốc lá thủ công, lẻ tẻ, cô đã chịu khó tìm học bí quyết nhà nghề từ chuyên gia các nhà máy thuốc lá nổi tiếng ở Sài Gòn trước đây. Nói cách khác, cô thành đạt nhờ biết coi trọng chuyên môn, trung thực chứ không phải là những mánh lới lừa đảo mà cô từng là nạn nhân. Và chính là những đức tính người phụ nữ Việt Nam cần phải có mà mẹ Duyên, rồi mệ Bông ở Phủ Chúa và Trường Đồng Khánh gieo trồng cho cô trong những năm ở Huế đã trở thành điểm tựa vô hình mà mầu nhiệm, giúp cô đứng vững và vượt qua giông bão trong suốt cuộc đời mình, biết sống nhân ái và giàu lòng vị tha.

“Gia đình và cuộc sống từ lâu đã dạy dỗ Duyên phải đằm thắm, dè chừng trong cách ứng xử. Riêng với tình cảm, cách biểu lộ càng phải ý tứ hơn…”. Sau khi nhắc lại những “quy định rất nghiêm khắc” hồi còn ở Phủ Bà Chúa Nhất từ chỗ đi đứng cho đến cách mặc áo quần…, tác giả khẳng định: “Thói quen và cách sống đó vẫn theo Duyên đến ngày có chồng, có con…”.

Võ Ngọc Lan đã viết như thế, sau khi Duyên tìm đến nhà Loan - cô vợ bé của chồng. Cuộc đối đầu tưởng là có thể đổ máu, vậy mà trước cảnh tình địch tay ôm con nhỏ xanh xao thiếu sữa, bụng lại mang thai, rầu rỉ vì tay sĩ quan lính dù lại đã có thêm vợ bé khác nữa, Duyên không chỉ dập tắt được cơn lửa ghen sắp bùng cháy mà còn đưa tiền giúp mẹ con Loan; hơn thế, về sau, mặc cho hàng xóm dị nghị, đàm tiếu, mặc chồng theo vợ bé khác, cô đã đưa cả mẹ con Loan về nhà và giúp đỡ họ vượt qua nhiều chặng đường sóng gió…

Chuyện các sĩ quan dù trăng hoa không hiếm, nhưng cách hành xử như của Duyên, phụ nữ Việt Nam có được mấy người?

Cũng phải nói thêm, nếu TTTS quả là tự truyện thì Võ Ngọc Lan không hề tô vẽ cho mình; tác giả không che giấu những lúc hèn yếu và những lầm lỗi của Duyên. Cũng với một vợ bé khác của chồng, Duyên bị chọc tức, không nén giận nổi, đã ném cả chiếc cốc vào mặt tình địch và chính Duyên cũng không trốn thoát được mối tình khá trớ trêu với một chàng trai ít tuổi hơn mình, lại là con của một ân nhân…

Đây là chuyện tình riêng mà cũng là nghệ thuật tiểu thuyết. Cách thể hiện tâm lý Duyên như thế, cùng cuộc đời lắm nỗi truân chuyên của cô đã làm cho cô trở thành một nhân vật có góc cạnh và TTTS có sức hấp dẫn bạn đọc, mặc dù cách viết của tác giả không có gì là mới mẻ, cách tân, thậm chí không ít chỗ còn vụng về. Và chính cuộc đời truân chuyên của Duyên đã khiến cuốn sách không chỉ là chuyện một “kỳ nữ” của Huế mà là chuyện của một thời chưa xa, nhất là của nửa đất nước phía Nam, trong hơn nửa thế kỷ qua. Các nhà sử học, nhà văn, biên kịch có thể tìm thấy trong TTTS vô vàn những mảnh đời thực ở “bên kia chiến tuyến” - trong đó có rất nhiều tên tuổi mà nhiều bạn đọc có thể quen biết ở mọi tầng lớp. Điều đó rất cần thiết để dựng nên những tác phẩm có sức khái quát, có cách nhìn toàn diện về những biến động của đất nước ta trong giai đoạn đặc biệt vừa qua.

Có thể đây là điều ngoài ý định của tác giả, nhưng giá trị chủ yếu của TTTS có khi lại chính là đây.  

NGUYỄN KHẮC PHÊ


(Đọc “Treo tình trên sóng” – Tiểu thuyết của Võ Ngọc Lan, NXB Hội Nhà văn, 2012)

;
.
.
.
.
.