Không thể ra khơi như những ngày còn trai tráng, thế nhưng biết bao ngư dân lớn tuổi vẫn không nguôi nỗi trăn trở về nghề biển. Ngày ngày, họ vẫn dõi theo lớp con cháu đang theo bám ngư trường. Một tin bão gần, một tin bão xa, hay tin những chiếc tàu Trung Quốc ngang nhiên xua đuổi, uy hiếp tàu cá ngư dân mình, họ lại như đứng ngồi trên lửa.
Biển luôn là máu thịt
Chưa thống kê chính xác, nhưng theo Hội Nghề cá thành phố, hiện trên địa bàn Đà Nẵng có khoảng 400-500 ngư dân đã khép lại thời thả sức tung hoành trên biển, ở nhà chăm lo hỗ trợ con cháu vững tin vươn khơi. Không còn xuống tàu ra biển, nhưng các cựu ngư dân này đã và đang là điểm tựa vững chắc cho lớp ngư dân trẻ. Và hầu như ai cũng có điểm chung: Hễ tàu rời bến là suốt ngày ngóng tin và cầu mong sự bình yên.
Trời chưa sáng hẳn, ông Đặng Có, 76 tuổi, ở tổ 54, phường Hòa Cường Nam (quậnHải Châu), cựu thuyền trưởng tàu đánh bắt xa bờ chạy xe sang Cảng cá Thọ Quang. Ông đến xem có tàu quen nào cập bến, hỏi thăm tin tức về tàu của gia đình. Đó là cái lần gần đây, suốt hai tuần, 2 con trai và 1 con rể của ông đi trên tàu ĐNa 90081 TS, không gọi điện về. Lại nghe đài báo nói về chuyện tàu cá Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc bắn cháy ca-bin, đâm bể be, lòng dạ ông như lửa đốt. Giấc ngủ chập chờn. Đi về phía cuối cầu tàu, nhìn như thôi miên ra phía biển, ông lẩm bẩm một mình: Không rõ bây giờ mấy đứa đánh bắt ở đâu, có bình yên, thuận lợi? Gần 50 năm bám biển, từng là thuyền trưởng, quanh năm tung hoành giữa đại dương bao la, nhiều năm đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp thành phố, ít nhất 2 lần được báo chí nêu gương, ông Có là người dạn dày sóng gió và giải quyết tình huống xảy ra rất linh hoạt. Ông biết, con cái không hề thua kém, có khi giỏi hơn ông, nhưng rồi, ông vẫn lo.
Gặp ông trên đường từ cảng cá về nhà, ông không giấu được nỗi lo: Không rõ hiện giờ mấy đứa đánh bắt ở ngư trường nào, liệu có bình yên, thuận lợi. Nghe vậy, ông Nguyễn Thanh Vấn, nguyên cán bộ phụ trách thủy sản Phòng Kinh tế quận Hải Châu, trấn an: Mấy bữa nữa chúng về, không chừng trúng đậm. Hồi các ông bám biển, tàu công suất nhỏ, chẳng có máy liên lạc tầm xa như hiện giờ, có hề hấn gì đâu, huống hồ nay tàu lớn, máy móc thiết bị hiện đại. Ông cứ yên tâm.
Ông Trương Văn Trọng, 83 tuổi, ở tổ 20, phường Xuân Hà (quận Thanh Khê), cha của 9 đứa con, ông của 2 đứa cháu nội đang có mặt trên 9 tàu đánh bắt xa bờ, quan tâm con cháu đi biển theo cách riêng của mình. Là ngư dân kỳ cựu, ông thừa hiểu điều người trên tàu cần gì ở đất liền. Sẵn có máy ICOM tại nhà, thỉnh thoảng ông lên sóng liên lạc, hỏi thăm, dặn dò, động viên. Ông nghĩ, giữa biển cả bao la, lời động viên của người thân ở đất liền quý lắm. Với ông, điều đáng làm nhất cho con cháu là quan tâm đến chất lượng tàu thuyền. Chẳng thế mà, hễ tàu chuẩn bị rời bến là ông đến, tự mình kiểm tra máy móc, thiết bị, dụng cụ, dây nhựa, thật cẩn thận. Tàu nào lên đà sửa chữa, ông ít khi rời xưởng.
Thuyền trưởng Lê Văn Sang (trái) nhận quà của Sở NN&PTNT nhân ngày xuất bến chuyến đầu tiên. |
Có bữa, cả 9 tàu đều bám biển, nhớ quá, tản bộ một mình ra bãi biển sát đường Nguyễn Tất Thành, cứ thế ông ngó trân trân về hướng mặt trời mọc cả buổi mới chịu về. Lúc rỗi rãi, ông kéo tấm lưới rách ra vá. Gặp chúng tôi, lão ngư ngoài 80 tuổi này tâm sự: 15 tuổi theo cha xuống tàu ra biển. Biển đối với ông linh thiêng lắm. Nơi đó, cha và chú ông đã vĩnh viễn nằm lại trong một lần bão tố. Cũng vì vậy mà con cái đứa nào lớn lên, ông đều đưa xuống tàu ra biển. Nhiều bữa, cả 11 đứa đều ở giữa biển, nửa đêm trở dậy, ngồi canh máy ICOM rà sóng, liên lạc với từng tàu. Theo ông, hiện nay, tàu công suất lớn, máy móc thiết bị hiện đại, gió bão không đáng ngại lắm, chỉ sợ tàu Trung Quốc làm càn.
Cũng một nỗi lo con, nhớ biển, chuyến nào tàu về ông Lê Văn Bé, 67 tuổi, ở tổ 27 cùng phường Xuân Hà cũng ra cảng đón. Có bữa, thức chờ cả đêm tàu mới về đến bến. Mỗi lần tàu cập cảng, ông lại như được chạm vào hơi thở của biển khơi.
Nhiều năm nay hoạt động đánh bắt hải sản của phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà) rất phát triển. Hiện toàn phường có 95 tàu cá, tổng công suất 14.714 CV (trung bình mỗi chiếc 154 CV). Ông Võ Văn Xừng, cán bộ phụ trách thủy sản phường cho biết, tuy không còn ra khơi, song hơn 30 cựu ngư dân ở đây vẫn đóng góp tích cực cho hoạt động đánh bắt hải sản của địa phương. Hằng năm, cứ vào lễ hội cầu ngư, họ lo toan rất chu đáo. Tuy ở nhà, nhưng mấy ai rỗi rãi. Người lo ngư lưới cụ, người lo lương thực, thực phẩm, dầu nhớt… cho chuyến biển tiếp. Khi tàu về, thì ai nấy đều xuống khoang máy kiểm tra, sửa chữa, bảo dưỡng. Không còn vươn khơi như hồi trẻ, song với họ, biển gắn bó như máu thịt.
Tin ở người trẻ
Nếu như trước năm 2000, toàn thành phố không có chiếc tàu cá nào công suất 90 CV, thì nay đã có đến 211 chiếc đánh bắt xa bờ, trong đó 53 chiếc công suất từ 400 CV trở lên. Đà Nẵng cũng là địa phương hiện có 2 tàu lớn nhất miền Trung. Hiện tại, hầu như tàu đánh bắt xa bờ nào cũng đã lắp đặt máy liên lạc tầm xa và định vị toàn cầu. Có tàu lắp máy dò ngang (tầm ngư) để theo dõi luồng cá.
Ông Đặng Có đứng trên cầu cảng, hướng ra biển trông ngóng những chuyến tàu trở về. |
Theo ông Trương Văn Tình, 62 tuổi, ở tổ 26, phường An Hải Bắc, hiện nay, nếu không bị tàu Trung Quốc quấy nhiễu, gây khó dễ thì đánh bắt thuận lợi hơn nhiều. Trước đây, thế hệ của ông ra khơi chỉ có tàu công suất 60 CV là cao lắm. Hồi đó, đâu đã thành lập tổ đội như bây giờ. Mạnh ai nấy làm. Ra biển đơn độc một mình. Máy liên lạc tầm xa chưa có, không ít chuyến, bão đến bất ngờ, suýt chết. Nay không chỉ công suất lớn mà trên tàu, loại máy nào cũng có. Bão vừa hình thành ở phía Đông Philippines người ta đã biết, thông báo cho tàu, chủ động phòng tránh. Điều ông Tình lo nhất là tàu Trung Quốc xâm lấn vùng biển nước mình nhiều quá. Nhiều lúc nghe đài báo nêu, ông tức anh ách. Ông tin chắc rằng, lớp ngư dân trẻ bây giờ rất kiên cường, bản lĩnh, dù hiểm nguy đến mấy, họ vẫn kiên gan bám biển. Ông thấy nhiều chuyến tàu gần đây, dù đụng tàu của họ, nhưng đều đạt sản lượng cao.
Mạnh dạn giao tàu cho con trai ở tuổi 27, ông Lê Văn Mến ở phường Thuận Phước (quận Hải Châu), rất tự tin. Hồi trước ông cũng hăng say bám biển. Chuyến nào, do ảnh hưởng thời tiết, ở nhà lâu ngày, lòng dạ ông cồn cào không yên. Ra khơi, tuy vất vả, song có thú vui của nó. Cảm giác, kéo mẻ lưới nặng trịch, đổ ra boong, những con cá lấp lánh ánh bạc, nhảy tưng tưng, khó bề quên nổi. Rồi, những lúc tàu chết máy thả trôi giữa biển, gặp lúc gió to sóng lớn, ai nấy nôn thốc nôn tháo. Nhớ lại cảnh đó, thấy thương con cái. Thế nhưng, qua 5-6 chuyến vừa rồi, ông nhận thấy chúng còn can trường hơn cả mình. Tàu về, chưa nghỉ được một tuần lễ đã lên đường theo chuyến mới.
Được đào tạo đến nơi đến chốn, có sức khỏe và nghị lực, thế hệ ngư dân hiện nay đang tích cực bám biển làm chủ ngư trường xa bờ. Những con tàu công suất lớn với lá cờ đỏ sao vàng kiêu hãnh trên nóc ca-bin đã và đang là những cột mốc sống xác lập chủ quyền trên biển. Trước những thử thách không phải đến từ thiên tai, bão tố, ngư dân vẫn không tỏ ra nao núng, lo sợ, mà tỏ rõ quyết tâm bám ngư trường truyền thống bằng mọi giá. Như lời của thuyền trưởng tàu hậu cần nghề cá ĐNa 90444 TS, công suất 1.200 CV, Lê Văn Sang: Đi biển cùng cha khi còn ít tuổi, điều chúng tôi học được ở lớp ngư dân lớn tuổi là nghị lực và ý chí của họ. Có chuyến, gặp gió phải quay về, lỗ tổn, song không một ai kêu ca phàn nàn. Họ kiên nhẫn và rất lạc quan. Hiện nay, tàu lớn hơn nhiều, thiết bị hiện đại, đồng bộ hơn nhiều, không lý do gì không làm được như lớp cha ông đi trước.
Còn anh Trần Văn Mười, chủ tàu cá lớn nhất miền Trung số hiệu ĐNa 90567 TS kể rằng, trước đây, cha ông là thuyền trưởng tàu công suất chỉ 60 CV, nhưng vẫn đưa về ăm ắp cá và liên tục bám ngư trường xa bờ. Hiện nay, tàu công suất lớn, máy móc hiện đại, ai nấy được đào tạo bài bản, lại được sự quan tâm hết mực từ đất liền, không bám ngư trường truyền thống góp phần bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc là thiếu sót rất đáng trách. Vị thuyền trưởng này khẳng định: gần 2 năm kể từ ngày hạ thủy đến nay, tàu liên tục bám biển. Nghề câu mực, một chuyến 2-3 tháng mới về đất liền. Nhiều tháng nay, không chỉ đơn thuần làm kinh tế, tàu ĐNa 90567 TS đang kiên cường bám trụ tại vùng biển Trường Sa, mặc cho tàu Trung quốc gia tăng việc quấy nhiễu.
NGUYỄN CẦU