.

Những trang sách về “đạo làm người”

.

Thu Giang Nguyễn Duy Cần (1907-1988) là học giả nổi tiếng ở miền Nam trong những năm 60 của thế kỷ trước. Sau năm 1975, một số tác phẩm của ông như “Cái cười của thánh nhân”, “Cái dũng của thánh nhân”… được tái bản và được không ít bạn đọc hâm mộ. Tuy vậy, với bộ sách Nguyễn Duy Cẩn trên 10 cuốn do NXB Trẻ xuất bản cùng lúc đầu năm 2013 này, chúng ta mới có dịp thấy rõ tầm mức sự đóng góp của ông trong việc biên khảo, giới thiệu những tinh hoa của thế giới cho bạn đọc trong nước.

Bộ sách mấy nghìn trang, gồm nhiều đề tài nhưng có thể phân làm hai loại: Tinh hoa triết học phương Đông có các cuốn: Nhập môn triết học phương Đông, Lão Tử tinh hoa, Tinh hoa Đạo học Đông phương, Phật học tinh hoa… Mảng thứ hai là sách có thể gọi chung là “thuật xử thế” hoặc là “những bài học làm người” có các cuốn: Cái cười của thánh nhân, Cái dũng của thánh nhân, Thuật xử thế của người xưa, Một nghệ thuật sống, Óc sáng suốt, Thuật yêu đương, Tôi tự học…

Những năm gần đây, tiếp tục tinh thần “Đổi mới” và cũng do nhu cầu tìm hiểu, học tập của công chúng, nhiều cuốn sách về triết học - cả Đông và Tây - được dịch, xuất bản, trong đó, có những cuốn nổi tiếng trên thế giới từ lâu, với đối tượng chủ yếu là tầng lớp trí thức, học giả. Sách triết học của Nguyễn Duy Cẩn lại khác, có lẽ do ông quan niệm “việc dùng đến danh từ “triết học Đông phương” cũng đã là một sự miễn cưỡng, bởi thật sự Đông phương không có triết học (theo nghĩa thông thường của nó) mà phải gọi là Đạo học…” (“Nhập môn triết học Đông phương”, Tr.25) nên ông không muốn “kẻ học triết, đọc triết có khi phải điên đầu vì sự chống đối nhau hết sức kịch liệt và ai cũng tranh phần phải về mình” (Sách đã dẫn, Tr.23) như các triết gia Tây phương; vì thế, có thể gọi những cuốn sách triết học của ông là sách về “đạo làm người”, gần gũi với bạn đọc rộng rãi. Nhờ vốn kiến thức Đông - Tây uyên thâm, mặc dù mỗi cuốn sách triết của Nguyễn Duy Cẩn chỉ một vài trăm trang, nhưng với cách nhìn toàn cục và với “đạo trung” (mà ông cho là “đạo đức cao nhất của người Đông phương” - không thái quá, cũng không bất cập), ông đã mang đến cho người đọc những tinh hoa của triết học Đông phương, bằng một lối diễn giải giản dị, dễ hiểu.

Xin trích một đoạn trình bày về “nhị nguyên”, “nhất nguyên” và “Thái cực đồ” (Dịch Kinh) để thấy Nguyễn Duy Cẩn có biệt tài diễn giải những điều “cao siêu”, trừu tượng  một cách giản dị (xem sơ đồ kèm theo):

“Đồ Thái cực có hai phần bằng nhau: một phần Âm (màu đen) và một phần Dương( màu trắng) bao trong một cái vòng tròn. Cái đó gọi là Đạo, tức là nguyên lý chỉ huy và điều hòa hai lực lượng mâu thuẫn kia…”. Tiếp đó, ông chỉ ra 4 điều cần chú ý, mà điều 1 là quan trọng nhất: “Phần Dương không hoàn toàn là thuần Dương mà phần Âm cũng không hoàn toàn là thuần Âm. Ta thấy có hai điểm nhỏ: một điểm Âm trong phần Dương, một điểm Dương trong phần Âm. Điểm này là điểm cực kỳ quan trọng. Nó chính là hột chủng tử có cái mầm sống cực kỳ mạnh mẽ và vô cùng quan trọng. Cái hột Dương hay Âm ấy giống như hột giống hàm chứa một tiềm lực phi thường mà ít ai chịu lưu ý đến, chính nó là nguyên nhân của mâu thuẫn nội tại , của bất cứ sự vật nào trên đời. Nhân thế, ta có thể nói rằng: không có một sự vật gì trên đời mà thuần tốt hay thuần xấu, thuần lợi hay thuần hại…” (Sách đã dẫn. Tr. 69)

Mảng sách mà tôi tạm gọi là “sách học làm người” của Nguyễn Duy Cẩn cũng rất lý thú. Vẫn với văn phong giản dị, sáng sủa, ông kể những kinh nghiệm sống và tự học của bản thân và những câu chuyện hàm chứa nhiều ý nghĩa sâu sắc được truyền tụng qua nhiều thế hệ khắp Đông và Tây. Từ đó, chúng ta có thể rút ra những bài học bổ ích, thích hợp với hoàn cảnh sống của mình. Nguyễn Duy Cẩn đề cập đến hầu như toàn bộ những tình huống, những động thái mà con người ai cũng trải qua, từ việc tự học, đọc sách, làm văn, cách quan sát… cho đến thuật yêu đương. Những chuyện thật gần gũi với con người, nhưng cách đặt vấn đề của Nguyễn Duy Cẩn không tầm thường mà xuất phát từ “Đạo”; như trong “Thuật yêu đương”, trước khi phân tích tâm lý đàn ông, đàn bà khác nhau ra sao, ông viết:

“Tâm hồn của người đàn ông cũng như tâm hồn của người đàn bà là cả hai thái cực… Thế mà cặp mâu thuẫn ấy bắt buộc phải sống mãi chung nhau… Nó là một sự huyền bí trong tất cả những huyền bí của tạo hóa. Âm là âm, mà dương là dương, nó có những tính khí khác hẳn nhau. Nhưng âm không thể lìa dương mà dương cũng không thể lìa âm. Hai bên phải chung đụng nhau, cọ xát nhau và điều hòa nhau, thì vạn vật mới sinh tồn. Đạo trời là như thế…” .

Những bạn đọc thích những danh ngôn và cách ngôn thì cũng có thể tìm thấy rất nhiều câu lý thú ở phần Phụ lục của nhiều cuốn sách của Nguyễn Duy Cẩn …

Vì thế, tuy rất ngại mang tiếng là “PR” cho bộ sách của Nguyễn Duy Cẩn mới xuất bản, tôi cũng phải nói rằng: Đây là bộ sách mà mỗi gia đình nên có trong tủ sách của mình.

NGUYỄN KHẮC PHÊ

;
.
.
.
.
.