.

Bó tay với tránh thai!

.

Vợ chồng trẻ bây giờ tưởng giỏi hơn các bà, các mẹ ngày xưa ở cái khoảng kế hoạch hóa, bởi thoáng nhìn qua gia đình nào cũng biết cách dừng lại ở một đến hai con. Nhưng quanh câu chuyện sinh nở của người trẻ cũng có lắm kinh nghiệm nhớ đời vì thiếu hiểu biết.

Không ít đứa bé chào đời “ngoài kế hoạch”. (Ảnh minh họa)
Không ít đứa bé chào đời “ngoài kế hoạch”. (Ảnh minh họa)

Trí thức cũng “vỡ”

Chưa qua ba tháng mười ngày kiêng cữ khi sinh mổ đứa con đầu lòng, hàng xóm nhà chị N. (Trần Cao Vân, quận Thanh Khê) đã nghe tiếng chị khóc tu tu. Tưởng em bé có bề gì, ai dè lý do là chị phát hiện trong bụng mình vừa có thêm em bé nữa. Cả hai vợ chồng đều làm ngành y, nên ai cũng nghĩ kinh nghiệm về sức khỏe sinh sản hay kế hoạch hóa gia đình, anh chị phải hiểu biết đầy mình. Lâu nay, chòm xóm có thắc mắc liên quan đến chuyện bầu bì lại tìm tới hỏi chị như một địa chỉ tin cậy. Nhưng trong hoàn cảnh này, mọi người lại đóng vai trò ngược lại là tư vấn, động viên để chị yên tâm dưỡng thai trong thời điểm nuôi con nhỏ.

Nói về trường hợp những người làm thầy thuốc bị “vỡ” thì không chỉ có riêng gia đình chị N. Một cán bộ dân số đã bật mí những câu chuyện bi hài khi không ít người trực tiếp làm công tác tuyên truyền cũng “bó tay” trước “kế hoạch” của chính mình. Cho tới bây giờ, nhiều người vẫn còn thắc mắc về trường hợp một cán bộ dân số sinh liên tiếp 3 năm 3 đứa, đáng nói hơn khi tất cả các lần đều là sinh mổ. Người bảo chị mắn con, người bảo chị có đạo đức nên biết nguy hiểm cho bản thân vẫn cố giữ con, nhưng tựu trung mọi người vẫn không thể hiểu vì sao một người “thấm nhuần” kiến thức kế hoạch hóa gia đình lại liên tù tì để “vỡ”. Trong khi đó, đồng nghiệp khác của chị thì ngày thôi nôi đứa con đầu cũng là ngày đầy tháng đứa kế tiếp. Dĩ nhiên, sự tiếp nối này chỉ là chuyện bất đắc dĩ.

Thiếu tự tin

Cứ ngỡ chỉ có phụ nữ lao động nghèo, quanh năm tất bật cơm áo, chẳng màng tuân thủ thời gian sử dụng phương tiện tránh thai nên mới để vỡ kế hoạch. Thực tế có nhiều người trẻ trí thức, vốn rất tự tin với kiến thức chuyên môn, nhưng đụng đến lĩnh vực giới tính, sinh sản thì lúng túng đủ đường.

Là một giáo viên, nhưng chị L. (30 tuổi, giáo viên âm nhạc tiểu học) lại hoàn toàn mất tự tin khi nói về vấn đề sức khỏe sinh sản. Nơm nớp uống thuốc tránh thai hằng ngày đúng từng giây, từng phút, nhưng thấy trễ “đèn đỏ” mấy tháng liền kèm với các triệu chứng “khó ở” trong người khiến L. đâm hoảng. Dù que thử không cho thấy dấu hiệu L. đã có thai, nhưng chị vẫn đến Trung tâm Chăm sóc bà mẹ trẻ em Đà Nẵng cầu cứu bác sĩ. Qua thăm khám, biết chắc mình trễ ngày vì phản ứng phụ của thuốc tránh thai, L. mới thở phào và tự dưng cảm giác “khó ở” cũng biến mất.

Sự hốt hoảng của L. khi thấy trong mình xuất hiện những triệu chứng lạ có nguyên nhân sâu xa là thiếu hiểu biết. Từ trước khi lập gia đình đến cả lúc đã sinh con, L. cũng như nhiều bạn gái khác không bao giờ mạnh dạn đọc sách, báo hay lên Internet tìm kiếm các thông tin về chủ đề vốn bị coi là “nhạy cảm” này, vì sợ người khác nghĩ mình “bậy bạ”. Chị nhớ, có lần lên mạng tò mò tìm hiểu, vô tình có người đi ngang qua nhìn thấy, dù họ không nói gì nhưng tự chị thấy xấu hổ, tắt máy không kịp. Lần khác, chị mua được quyển sách dạy cách quan hệ an toàn và để vào cốp xe máy. Đến lúc đổ xăng, vừa bật yên xe lên, chị đã lật đật giấu nhẹm cuốn sách trước khi người xung quanh phát hiện.

“Nhìn chung chị em gái ở mình còn rụt rè khi đụng đến chủ đề sinh lý, giới tính, v.v… Ngay cả bản thân mình, hồi mới làm dân số cũng rất ngại mỗi lần phải cầm trên tay những chiếc bao cao su chuẩn bị đi phát cho mọi người. Thế nên lúc nhận “hàng”, mình gói kín bít trong mấy lớp giấy báo rồi mới dám cầm đi. Càng thiếu hiểu biết thì càng dễ “vỡ””, một tuyên truyền viên dân số nói.

TRÀ MY

;
.
.
.
.
.