Cựu Tổng thống Brazil, Inacio Lula de Silva nói trong hội nghị Liên minh châu Phi tại Addis Abada về giảm đói nghèo cho lục địa đen rằng, nền nông nghiệp tự cung tự cấp phải được gỡ bỏ thì các nước châu Phi mới thoát được đói nghèo vào năm 2025.
Vùng Guaribas của Brazil đã thoát nghèo. |
Ông Lula nhận định, để thực hiện được mục tiêu này, các nước phải có ý chí chính trị vững chắc để đưa nhu cầu cuộc sống ấm no của người dân vào các chính sách quốc gia. Những người lãnh đạo phải thực sự tâm huyết, đặt trọn ý chí vào công cuộc cải thiện đời sống người dân thông qua việc hiện đại hóa công nghiệp nhằm tăng năng lượng sản xuất. Brazil đã hướng dẫn được người nông dân chăn nuôi trồng trọt không chỉ để sử dụng trong gia đình mà còn làm thật nhiều để bán kiếm tiền.
Cựu Tổng thống Lula cho rằng, hoàn toàn có thể áp dụng mô hình của Brazil cho bất cứ nơi nào. Cốt yếu của mô hình là người nghèo phải nằm trong kế hoạch hoạt động ngân sách quốc gia. Không ít nhà kinh tế gạt người nghèo ra khỏi kế hoạch chi ngân sách vì quá trình thu lợi trở lại quá lâu. Nhu cầu của họ được xem như là khoản đầu tư chứ không phải là khoản chi tiêu ngân sách chính phủ. Mục tiêu xóa đói nghèo cũng nên nằm trong các chiến dịch vận động tranh cử nhằm tạo lên chính phủ áp lực phải làm việc năng động hơn, tích cực hơn vì người nghèo.
Ông Lula tự hào, 8 năm ông cầm quyền, kinh tế Brazil tăng trưởng trung bình 5%, số lượng người nghèo giảm được 20 triệu người và có thêm 20 triệu việc làm mới. Các hộ nông dân được hỗ trợ giống và tín dụng. Theo thống kê, có khoảng 50 triệu người được hưởng lợi từ chính sách này. Ông Lula nói thêm tình trạng biểu tình của người dân Brazil trong thời gian diễn ra Confederations Cup vừa qua cũng xuất phát từ lý do chính phủ không đặt nhu cầu của người dân trong vấn đề chi ngân sách (cắt giảm nhiều chương trình an sinh xã hội).
Jose Graziano da Silva, nằm trong nội các của ông Lula trước đây, giờ đang là Tổng Giám đốc Tổ chức Lương nông LHQ (FAO) cho rằng, tăng cường sản xuất là chưa đủ, phải cho dân nghèo tiếp cận được cách sản xuất an toàn và sử dụng nguồn lương thực, thực phẩm an toàn. Như vậy, người dân mới khỏe mạnh để tiếp tục kế hoạch phát triển sản xuất.
Ngoài những phát biểu mang tính định hướng nòng cốt của ông Lula, nhiều đại biểu tham gia cũng đã đóng góp những ý kiến hữu ích khác. Chẳng hạn như đại diện Guinea cho rằng cần giãn thời gian cho việc tăng sản lượng nông nghiệp và cắt giảm phụ thuộc lương thực để kế hoạch xóa sạch nghèo đói vào năm 2025 đạt mục tiêu và bền vững. Đại diện Malawi cho biết họ có ngân hàng nông nghiệp rất “thông cảm” với nông dân trong việc tiếp cận vốn vay nuôi trồng…
ANH THƯ (Theo Guardian)