.

Đà Nẵng - mười năm đô thị loại 1

.

1.Phân loại đô thị khác với phân cấp quản lý đô thị, vì thế đô thị loại 1 không đồng nhất với thành phố trực thuộc Trung ương. Cũng là thành phố trực thuộc Trung ương nhưng hiện nay Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh được công nhận đô thị loại đặc biệt, còn Đà Nẵng cùng với Hải Phòng và Cần Thơ chỉ được công nhận đô thị loại 1; trong lúc đó, cùng là đô thị loại 1 nhưng hiện nay Huế, Vinh, Đà Lạt, Nha Trang, Quy Nhơn, Buôn Mê Thuột, Thái Nguyên, Nam Định và Việt Trì chỉ là tỉnh lỵ - thành phố thuộc tỉnh, không như Đà Nẵng, Hải Phòng và Cần Thơ đang là thành phố trực thuộc Trung ương. Và cũng vì thế mà mãi đến năm 2003 Đà Nẵng mới được công nhận đô thị loại 1, sau 6 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương - từ năm 1997.

Nhà ga Sân bay quốc tế Đà Nẵng. Ảnh: Minh Trí
Nhà ga Sân bay quốc tế Đà Nẵng. Ảnh: Minh Trí

Như vậy sự kiện Đà Nẵng phấn đấu để được công nhận đô thị loại 1 chủ yếu nhằm xứng tầm với tư cách một thành phố trực thuộc Trung ương. Khi còn là tỉnh lỵ - thành phố thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, Đà-Nẵng-ba-quận chỉ là đô thị loại 2. Một đô thị loại 2 cùng với một huyện đảo đang bị quân đội nước ngoài chiếm đóng trái phép và một huyện nông thôn đa phần là rừng núi muốn vươn lên trở thành một đô thị loại 1 không hề dễ dàng và chắc sẽ càng khó nhọc hơn nhiều nếu Đà Nẵng không/chưa trở lại trực thuộc Trung ương. Nói trở lại trực thuộc Trung ương là bởi trên đường phát triển đô thị hóa, chí ít Đà Nẵng cũng từng trực thuộc Trung Kỳ/Trung Bộ theo Sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945; hoặc trong giai đoạn miền Nam còn tạm bị chiếm 1954 - 1975, Đà-Nẵng-ba-quận từng là một thị xã tự trị trực thuộc chính quyền Trung ương ở Sài Gòn...

2. Nhìn lại Đà Nẵng sau 10 năm được công nhận đô thị loại 1, có thể thấy diện mạo đô thị ở Đà Nẵng thay đổi nhanh chóng và rõ rệt - đến mức có thể xem là kỳ tích. Có người nói để vươn lên xốc tới một cách vượt bậc như thế, thì ngoài tư cách là thành phố trực thuộc Trung ương - được hiểu là động lực quan trọng nhất, Đà Nẵng còn hội đủ ba yếu tố cơ bản trong phát triển: thiên thời - địa lợi - nhân hòa. Đúng là Đà Nẵng đã huy động tổng lực cả ba yếu tố thiên thời - địa lợi - nhân hòa để làm động lực cho phát triển. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là Đà Nẵng thực sự có thiên thời không? Câu trả lời là có lẽ có nhưng không được như mong đợi. Năm 1997 là thời điểm Đà Nẵng được trực thuộc Trung ương, cũng là thời điểm bắt đầu cuộc khủng hoảng tài chính châu Á khởi nguồn tại Thái Lan; và từ thời điểm năm 2008 tức sau 5 năm trở thành đô thị loại 1, Đà Nẵng bị ảnh hưởng lớn của cuộc khủng hoảng tài chính bùng phát tại Mỹ và lan rộng toàn cầu; đặc biệt mấy năm trở lại đây là thời điểm Đà Nẵng luôn phải căng gân để đối phó với những mưu toan của Trung Quốc muốn độc chiếm biển Đông, muốn biến biển Đông thành ao nhà của họ, ngang nhiên và hung hãn xâm phạm chủ quyền biển đảo thiêng liêng của đất nước ta, trong đó có huyện đảo Hoàng Sa của thành phố mình.

Vấn đề đặt ra nữa là Đà Nẵng thực sự có địa lợi không? Cũng khó nói không khi Đà Nẵng hữu tình như thế, biển một bên và… sông một bên. Nhưng dường như Đà Nẵng chỉ mới địa lợi một… nửa. Những ai đã tận mục sở thị cái mắt bão Xangsane năm 2006 nằm im như một con voi lớn - tiếng Lào Xangsane nghĩa là con voi lớn - trên bầu trời Đà Nẵng chắc sẽ dễ cảm nhận được tình trạng địa lợi một… nửa này. Trên con đường di sản miền Trung, Đà Nẵng nằm giữa các di sản văn hóa thế giới như đô thị cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn, cố đô Huế hay di sản thiên nhiên thế giới như rừng quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng… Đây cũng là địa lợi một… nửa đối với phát triển công nghiệp không khói của Đà Nẵng, vì nếu không tạo ra được những sản phẩm du lịch độc đáo và hấp dẫn của riêng mình thì Đà Nẵng chỉ là địa điểm trung chuyển để du khách đến với Hội An, Mỹ Sơn, Huế và Phong Nha-Kẻ Bàng, rất khó lòng cầm chân du khách.

Thiên thời một phần, địa lợi một nửa, vậy Đà Nẵng dựa lưng vào đâu để mà phát triển? Có thể nói Đà Nẵng dựa chủ yếu vào yếu tố nhân hòa. Đà Nẵng đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ lãnh đạo và công chức thừa hành đồng tâm nhất trí vì đại cuộc, trên dưới một lòng nhất hô bá ứng; và từ nhân hòa trong đảng bộ và chính quyền thành phố mà gầy dựng được nhân hòa trong đông đảo người dân Đà Nẵng. Có thể nói ở Đà Nẵng, Đảng nói Dân tin - Mặt trận và Đoàn thể vận động Dân theo - Chính quyền làm Dân ủng hộ không chỉ là một khẩu hiệu thể hiện quyết tâm chính trị mà đã trở thành một nguồn lực thực tế, và đấy là điều cốt lõi nhất để tạo nên sức mạnh đồng thuận của người Đà Nẵng. Sức mạnh đồng thuận này không phải là đặc sản của mười năm đô thị loại 1, nhưng tầm vóc một đô thị loại 1 đã làm cho sức mạnh đồng thuận ấy phải bộc lộ hết khả năng, phải vận hành hết công suất để làm nên cái Được lớn nhất của Đà Nẵng ngày nay.            

3. Trong phát triển đô thị hiện nay, Đà Nẵng ít chịu sức ép hơn Hội An. Đà Nẵng hoàn toàn có thể vươn lên trở thành một thành phố hiện đại với đủ loại mạng lưới giao thông ngầm có, mặt đất có, trên cao có và đương nhiên với những tòa nhà cao vài chục tầng… mà không chịu nhiều áp lực của di sản kiến trúc quá khứ như là Hội An. Tuy nhiên để có thể trở thành một đô thị phát triển bền vững, trong quá trình quy hoạch đô thị ở Đà Nẵng, các chuyên gia quy hoạch và các nhà quản lý đô thị cần nỗ lực nhằm giữ lại đến mức cao nhất có thể đối với hồn đô thị thể hiện trên từng con đường, từng khúc sông hay từng công trình kiến trúc... nếu không thì các di sản văn hóa hoặc vĩnh viễn mất đi cả hồn lẫn xác hoặc vẫn còn xác nhưng sẽ vô hồn. Cái giỏi của các chuyên gia quy hoạch và các nhà quản lý đô thị là làm sao bảo tồn thật tốt các di sản văn hóa để chính các di sản văn hóa ấy đủ tư cách tham gia vào quá trình phát triển, chẳng hạn trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn hoặc chí ít cũng là nơi chốn lưu giữ hồn đô thị trong mắt những cư dân luôn nhạy cảm với thời quá khứ.(*)

Diện mạo đô thị mới. Ảnh: Thành Lân
Diện mạo đô thị mới. Ảnh: Thành Lân

Đà Nẵng rất cần kêu gọi đầu tư từ bên ngoài thành phố để phát triển kinh tế, nhưng một khi đã hướng đến phát triển bền vững thì không thể tự biến mình thành bãi rác thải công nghiệp lạc hậu lỗi thời của thế giới; hay một khi đã xác định công nghiệp không khói là thế mạnh của thành phố thì phải biết nói không và thực tế đã mấy lần nói không với những dự án đầu tư sản xuất giấy hoặc đóng tàu… nói chung là những dự án sản xuất có nguy cơ cao về ô nhiễm môi trường sống. Mặt khác, để có thể trở thành một đô thị phát triển bền vững, Đà Nẵng không những phải hết sức coi trọng yếu tố môi trường tự nhiên, môi trường sinh thái hay sự đa dạng sinh học - điều đó đã đành - mà còn phải rất mực đề cao môi trường nhân văn, ứng xử văn hóa thấm đẫm chất người trong bản thân con người và cả đạo đức công vụ nhằm tạo thêm chỉ số cạnh tranh và đảm bảo môi trường đầu tư lành mạnh.

4. Mười năm là khoảng thời gian dài đối với một thành phố đương từng ngày đổi mới như Đà Nẵng, nhưng so với cả tiến trình bất tận của lịch sử thì mười năm cơ hồ chỉ ngắn tựa một cái chớp mi. Đà Nẵng sau 10 năm được công nhận đô thị loại 1 đã có nhiều thành tựu đáng ngưỡng mộ. Tuy nhiên nhận thức tất cả chỉ mới là bước khởi đầu - dẫu là bước khởi đầu ngoạn mục - không chỉ là đòi hỏi khắt khe của sự phát triển mà còn là cách nhìn, cách nghĩ thực sự nghiêm túc, cầu thị của bản thân người Đà Nẵng. Bằng cách nhìn, cách nghĩ nghiêm túc, cầu thị và không tự mãn, người Đà Nẵng ý thức rất rõ rằng không nên nhầm lẫn ngộ nhận giữa đề bài và đáp số. Thành phố đáng sống, thành phố sinh thái, thành phố môi trường, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững… tất, tất cả mới chỉ là những đề bài, thậm chí là những đề bài khó còn đang loay hoay tìm cách giải hoặc tìm cách giải tối ưu, chứ chưa phải là những đáp số có sẵn. Có lẽ bên cạnh bài học về sức mạnh đồng thuận thì biết phân biệt thật tường minh giữa đề bài và đáp số cũng là một bài học khác. Để cho người Đà Nẵng có đủ nghị lực và sức lực tiếp tục xốc tới vươn lên xây dựng thành phố bên bờ sông Hàn trở thành một chấm son trên bản đồ Tổ quốc - đúng như mong muốn của Bác Hồ khi nghĩ về mảnh đất này.  

BÙI VĂN TIẾNG

;
Tin liên quan
    .
.
.
.
.
.