.

Đi rồi sẽ tới

.

“Danh hiệu này do tôi tạo lập, nhưng tôi biết nhiều người cũng mong mỏi  điều này lâu lắm rồi. Vì vậy  niềm vui này xin dành cho các bạn!”. Đó là một trong số rất nhiều câu nói của Murray (ảnh) sau lúc anh đoạt chức vô địch Wimbledon vào cuối tuần rồi, danh hiệu mà nước Anh chờ đợi trong mỏi mòn hằng 77 năm qua dù giải đấu này diễn ra ngay trên sân nhà.

Những rung cảm hãy còn tươi mới sau giây phút đăng quang thần thánh, lời chàng trai Scotland như thốt ra từ vô thức, từ trong sâu thẳm  nỗi khắc khoải tìm cách vượt qua bao trở ngại để đương đầu với sức ép đến từ tình yêu và khát vọng chính đáng của công chúng.

Một tuần sau trận chung kết Wimbledon, dư vang của chiến thắng vẫn còn bàng bạc,  làm ngất ngây cả nước Anh và thỏa lòng những ai hâm mộ chàng trai này. Người ta nói nhiều về sự “giải thoát nội tâm” mà Murray đã mang lại, về con đường tươi xanh phía trước mở ra với  nền thể thao nước này sau khi “lời nguyền” đã được phá dỡ, về triển vọng làng quần vợt thế giới thêm lôi cuốn nhờ vào sự góp mặt phơi phới của  bốn anh tài hàng đầu Djokovic, Murray, Federer, Nadal. “Sự sắp đặt của hóa công” cũng là đề tài thú vị khi nhiều người tìm thấy và lôi ra  những con số 7 lý thú xoay quanh chiến thắng lịch sử (77 năm ròng rã kể từ ngày vị tiền bối Fred Perry đoạt cúp, trận chung kết diễn ra ngày 7 tháng 7, người chiến thắng giành cả thảy 7 game giao bóng của đối thủ…).

Những kỳ vọng cũng vừa đặt ra với chàng trai đang trở thành niềm cảm hứng của bao gia đình, đại loại Murray sẽ đoạt thêm bao nhiêu danh hiệu lớn nữa trước lúc gác vợt, bao giờ ngôi số một thế giới sẽ về tay đại diện nước Anh… Độ rung chiến thắng tác động lên nhiều khía cạnh của đời sống. Ngắm nhìn một nước Anh hoạt náo sinh động sau ngày đứa con của họ lên ngôi ở giải đấu lâu đời nhất do chính họ sáng lập, có người tự hỏi điều khủng khiếp nào sẽ xảy ra nếu như trong chiều ấy, người thất bại lại là chính Murray!

Chắc chắn sẽ nhói đau và thổn thức gấp bội so với lần Murray đứng khóc bên Federer 12 tháng trước. Sự tuyệt vọng, nếu thế, hẳn sẽ gặm nhấm nhức buốt vào mỗi tâm hồn, biến nỗi buồn trở thành lưu cữu và đau thương chiến bại thành nỗi ám ảnh với xứ sở sương mù! Hú vía, điều ấy không xảy ra. May mắn cho nước Anh, nỗi khắc khoải chờ đợi cũng hiểu rằng mình không thể thử thách và đùa cợt mãi với một tấm thân đã có chiều vơi cạn nguồn sống.

Chia vui với trẻ con

Sau khi trở thành tay vợt Vương quốc Anh đầu tiên sau 77 năm vô địch Wimbledon, Andy Murray không vội đánh bóng tên tuổi của mình. Anh lặng lẽ đem chiếc cúp vàng tới một trong những trung tâm cộng đồng ở thủ đô London để chia vui cùng với các trẻ em tại đây.

TB

Giá trị của chiến quả, vì thế, thường mang ý nghĩa tương đối. Federer giữ trong tay 17 danh hiệu Grand Slam nhưng độ rung cảm với người Thụy Sĩ chắc gì vang vọng như những gì diễn ra với nước Anh những ngày này. Cả 8 chiếc cúp Roland Garros mà Nadal đang sở hữu cũng chưa chắc khuấy động cuộc sống  người Tây Ban Nha như hình ảnh Murray quỳ xuống mặt cỏ All England Club nức nở khóc mừng chiến thắng. Thành công đến từ khát vọng của một dân tộc, từ  khắc khoải của một cộng đồng và được xây đắp bằng độ bền chí của một cá nhân, chất miệt mài của một tập thể thường lóng lánh vẻ đẹp lâu dài. Chính Murray tâm sự rằng nỗi tin yêu trông đợi của người hâm mộ đã tiếp sức cho anh, nhắc nhở anh không được buông xuôi để mạnh mẽ gạt nước mắt bước qua các thất bại cay đắng.

Hạnh phúc không hề nhỏ khi con người được chiến đấu cho niềm vui của một cộng đồng, trở thành cảm hứng tin yêu của một dân tộc. Các danh hiệu có thể tiếp tục đến với Murray thêm nữa, hình ảnh anh ôm cúp sẽ trở nên quen thuộc trong những năm tới nhưng niềm vui dạt dào thấm đượm mà anh tạo ra trong lòng người mến mộ thì dường như cứ  mãi tươi nguyên. Sẽ còn xanh mãi một giá trị giàu tính réo gọi ý chí và nỗ lực của con người: Cứ đi rồi sẽ tới!

ĐÌNH XÊ  

;
.
.
.
.
.