Thế giới màu xanh lá cây và màu hồng trong tác phẩm của họa sĩ lừng danh người Nga Marc Chagall gần như bị hiểu ngược lại trong cuộc triển lãm mang tên Chagall: Modern master (tạm dịch Chagall: Bậc thầy hiện đại) với thời gian mở cửa khá dài từ tháng 6 đến tháng 10 năm nay tại Tate Liverpool, Vương quốc Anh.
Triển lãm giới thiệu các tác phẩm hội họa mang màu sắc đặc trưng, tiêu biểu của Marc Chagall mà không thể lẫn lộn với màu sắc của các họa sĩ được tôn vinh cùng thời như Cezanne, Van Gogh, Matisse…
Marc Chagall |
Ở triển lãm lần này, Tate Liverpool trưng bày 70 tác phẩm, số tác phẩm thu thập từ các bộ sưu tập tư nhân và công cộng từ các nước châu Âu, Nga và Mỹ.
Marc Chagall sinh ngày 7-7-1887 và được nuôi dưỡng với tám anh chị em khác trong một môi trường của người Do Thái. Cha của Marc Chagall làm việc trong một nhà kho và mẹ ông, người phụ nữ đảm đang trông coi một cửa hàng bán cá và nguồn cung cấp các thứ bánh phổ thông. Như một đứa trẻ, Chagall đi học trường công, nơi mà bài học đã được giảng dạy bằng tiếng Nga. Sau khi học hết các bước cơ bản tranh vẽ ở trường, năm 1907-1910 Chagall học hội họa tại St Petersburg tại Hội Bảo hộ Nghệ thuật Hoàng gia và cuối cùng theo thiết kế sân khấu Léon Bakst.
Chagall đến Paris vào năm 1910 và tại đây, ông gặp một số nhà văn và nghệ sĩ, trong đó có Guillaume Apollinaire, Robert Delaunay và Albert Gleizes. Trong môi trường nghệ thuật được khuyến khích như thế, Chagall nhanh chóng phát triển những khuynh hướng thơ mộng và sáng tạo. Một khuynh hướng lãng mạn mang tính dân tộc có thể chưa xuất hiện ở Nga vào thời điểm ấy. Đồng thời, Chagall chịu ảnh hưởng phái ấn tượng hoặc chủ nghĩa lập thể mà ông thường bắt gặp trong các bảo tàng ở Paris.
Ông chuyên in thạch bản và thiết kế bằng nhiều phong cách nghệ thuật. Tác phẩm của ông tổng hợp các yếu tố của chủ nghĩa lập thể, chủ nghĩa tượng trưng. Một tác phẩm đặc biệt, “Tôi và làng tôi” được thực hiện vào năm 1911, cho thấy thể loại chủ nghĩa siêu thực như một biểu hiện nghệ thuật của suy tưởng. Và, chính những bức tranh vào thời kỳ này đã khởi đầu cho bước chuyển biến sáng nghệ thuật hiện đại. Chagall tạo ra các tác phẩm trong hầu hết các môi trường hay thể loại nghệ thuật, bao gồm các vở kịch, vũ ballet, kinh thánh, và tranh kính màu thường gắn trên tường các nhà thờ, tu viện.
Chẳng bao lâu sau, Chagall tham gia vào Salon des Indépendants và Salon d’Automne (1912), tên của các tổ chức triển lãm nghệ thuật hằng năm nổi tiếng ở Pháp vào thời đó và ông tổ chức cuộc triển lãm cá nhân đầu tiên của mình vào năm 1914. Thời gian đó Chagall sáng tạo ra một số hình ảnh tuổi thơ và quê hương của mình ở Vitebsk - được coi là chuỗi tác phẩm mạnh nhất của Chagall.
“Tôi và làng tôi”, chi tiết tranh của Marc Chagall. |
Sau cuộc triển lãm đầy ấn tượng đầu tiên, Chagall trở về Vitebsk, Belarus, nơi ông có ý định ở lại đủ lâu để kết hôn với vị hôn thê của mình, Bella. Tuy nhiên, Chagall bị mắc kẹt tại đây vì sự bùng nổ của Thế chiến thứ nhất và biên giới của Nga bị đóng cửa vô thời hạn. Không lấy đó làm tuyệt vọng, Chagall chấp nhận hòa đồng và “xắn tay áo lên” vẽ theo xu hướng chủ nghĩa hiện thực xã hội. Đến năm 1941, Marc Chagall với người vợ Bella đến New York. Tại đây, Chagall tiếp tục phát triển các tác phẩm của mình.
Trong sự nghiệp dày dặn của Chagall, màu sắc trên tác phẩm ông chiếm được sự chú ý của người xem. Năm 1960, ông bắt đầu tạo ra các tác phẩm cửa sổ kính màu cho các hội trường như ở Trung tâm Y tế Hadassah của Đại học Hebrew ở Jerusalem - một dự án mà đã trở thành một hành trình tâm linh cho Chagall, một lần nữa liên kết ông với di sản Do Thái của mình. Chagall có thêm nhiều dự án tranh kính màu, trong đó có tòa nhà Liên Hiệp Quốc (1964), Nhà thờ Fraumünster tại Zurich (1967), Nhà thờ St Stephen ở Mainz, Đức (1978)...
Marc Chagall qua đời tại Saint-Paul de Vence, Pháp vào ngày 28-3-1985, để lại đằng sau một bộ sưu tập lớn các tác phẩm nghệ thuật. Hiện nay, người ta đánh giá là một di sản phong phú, quý giá của một nghệ sĩ Do Thái có tên tuổi lớn và là người tiên phong của chủ nghĩa nghệ thuật hiện đại. Ông được coi là một trong những nghệ sĩ thành công nhất của thế kỷ 20.
Pablo Picasso nổi tiếng đã từng nói: “Khi Matisse chết, Chagall sẽ là họa sĩ duy nhất hiểu được những gì là màu sắc thực sự trong tranh”.
HOÀNG ĐẶNG