.

Nền kinh tế Trung Quốc suy giảm: Lạc quan hay bi quan?

.

Chính quyền Bắc Kinh công bố mức độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc quý 2-2013 là 7,5%. Đây là tỷ lệ khá cao so với tiêu chuẩn Mỹ nhưng lại bị xem là thấp với Trung Quốc. Sự thật là mức độ tăng trưởng của Trung Quốc đã chậm lại ở 11/13 trong quý gần đây nhất. Như vậy, những dự báo từ rất lâu rồi của các nhà kinh tế về nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang dần hiển hiện.

Một người dân Trung Quốc “đau đầu” khi đứng trước thông tin chứng khoán.
Một người dân Trung Quốc “đau đầu” khi đứng trước thông tin chứng khoán.

Vấn đề này có vẻ khó hiểu nên có người cho đây là dấu hiệu bi quan nhưng có người lại nhìn nhận lạc quan. Với những ai lạc quan là họ tin vào chính quyền Bắc Kinh sẽ giúp nền kinh tế bật dậy. Những ai bi quan thì cho rằng kinh tế Trung Quốc đang gần giống Mỹ. Tuy nhiên, có một thứ mà những ai lạc quan hay bi quan đều đồng ý là nền kinh tế của Trung Quốc đang thay đổi căn bản. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chủ yếu dựa vào xuất khẩu và đô thị hóa nhưng đó là hai thứ mà các nhà kinh tế nước ngoài đều nhận định từ lâu rằng thiếu bền vững. Về lâu dài, Trung Quốc phải từ bỏ xu hướng làm gia công sản phẩm cho nước ngoài mà phải tạo dựng sản phẩm có chất lượng tốt cho riêng người dân trong nước. Ở mức độ ngắn hạn, Trung Quốc cần hạ nhiệt ở hệ thống ngân hàng vì bong bóng bất động sản, cho vay và vay nhiều hơn mức an toàn…

Những người lạc quan cho rằng khác với sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng Mỹ trước đây là do vượt qua sự kiểm soát của chính quyền Washington thì lãnh đạo Bắc Kinh có vẻ như đang kiểm soát tốt tình trạng bong bóng bất động sản. Họ đang cố làm cho mọi thứ diễn ra nhẹ nhàng mà cách hạ mức tăng trưởng GDP là quan trọng nhất. Nói như thế để thấy mức tăng trưởng thấp là nằm trong quyền kiểm soát của Bắc Kinh nhằm tránh sụp đổ hệ thống ngân hàng. Tăng trưởng thấp chỉ là một việc. Các nhà kinh tế cho rằng Trung Quốc cần chấm dứt việc dựa vào xuất khẩu những sản phẩm rẻ tiền, xây dựng những ngôi nhà to lớn, dự án hạ tầng không cần thiết. Chẳng hạn như một thị trấn xa xôi có tới… hai sân bay là chuyện không hiếm ở Trung Quốc.

Những ai bi quan thì cho rằng Bắc Kinh không thể thực hiện những gì cần phải làm hoặc phải chờ đợi quá lâu. Những người này nhận thấy Bắc Kinh không có dấu hiệu kiểm soát được nguy cơ khủng hoảng tín dụng. Lãnh đạo Trung Quốc cảm thấy căng thẳng khi tăng trưởng sa sút sau hai thập niên. Vấn đề lợi ích nhóm cũng đã được nói rất nhiều nhưng không tìm thấy lối gỡ. Trung Quốc cần phải chấp nhận nỗi đau tăng trưởng chậm nhưng lành mạnh để ổn định kinh tế và xã hội một cách lâu dài.

ANH THƯ (theo Washington Post)

;
.
.
.
.
.