.

Ngồi chợ cá

.

Mờ sáng, trên mỗi ngả đường, những chiếc xe máy cũ kỹ chở những người phụ nữ ngồi kẹp giữa một chồng thau cá cao quá đầu người lao vùn vụt. Mọi góc chợ tanh nồng mùi cá.

Gánh cá rong.
Gánh cá rong.

Những cánh vạc đêm

2 giờ sáng, chợ hải sản Thọ Quang (quận Sơn Trà) bắt đầu nhộn nhịp. Dưới bến, trên bờ, hàng trăm phụ nữ, người cắp rổ rá, người quẩy quang gánh tụm năm tụm bảy chờ tàu về bến. Những câu chuyện kể về chồng con, về buổi cá bán ngày hôm trước hay chỉ giản đơn là những lời đùa vui, mỗi người góp nhặt một chuyện để xua đi cơn buồn ngủ chỉ chực ùa về trên mí mắt.

Tàu vừa cập bến, mọi người bỏ dở cuộc nói chuyện, người nào làm việc nấy. Những giỏ cá được nhà tàu nhanh chóng chuyển lên bờ. Các mẹ, các chị tranh nhau tìm mối quen. Có người, tay giữ giỏ cá mà miệng vẫn không ngớt lời ngã giá “cò kè bớt một thêm hai” với chủ tàu. Có người lội ngay xuống mặt sông để cố giành cho được một suất cá ngon hơn những người khác. Những tiếng cãi nhau, những lời mặc cả lẫn cùng tiếng rao của hàng bún, hàng bánh. Chợ cá náo nhiệt như ong vỡ tổ. Trong ánh đèn vàng tờ mờ không thấy rõ mặt người, phận đời của những người bán cá dường như cũng lao nhanh theo nhịp thở gấp gáp của đêm khuya.

Đôi mắt trũng sâu vì những đêm mất ngủ, đôi tay thoăn thoắt xếp những con cá nằm ngay ngắn trong rổ, chị Hường, một người bán cá hơn ba chục năm nay ở phường Nại Hiên Đông, “khái quát” chuyện nghề: “Buôn cá phải lanh lẹ và biết tính toán mới không chịu lỗ. Có khi phải chửi nhau với người khác để giành cho được cá vừa tươi, vừa rẻ. Làm nghề ni cực lắm, thức đêm dậy sớm chỉ mong đủ tiền ăn qua ngày”. Xuất thân từ nghề chèo đò, chồng lại bị bệnh, gánh cá của chị Hường là con đường mưu sinh của cả nhà.

Cũng như chị Hường, nhiều chị em bán cá ở phường Nại Hiên Đông trước kia vốn xuất thân từ nghề chèo đò đưa khách qua lại trên sông Hàn. Từ ngày cầu Sông Hàn quay những nhịp đầu tiên, những chiếc phà thôi không xuôi ngược, ghe đò của các chị cũng nằm im trên bến. Nhiều chị tính chuyện buôn bán nhỏ, nhiều chị vốn là con em nhà đi biển mấy đời lại bám theo nghề bán cá nối nghiệp ông cha. Nhiều người trong số đó có phận đời éo le, nên cái ăn, cái mặc như gánh nặng đè lên đôi vai gầy guộc của các chị. Trừ những lúc ốm đau thì hầu như các chị không bỏ buổi chợ nào.

Thức cùng chợ cá Thọ Quang, còn có những cô gái bán cá tuổi đời chỉ khoảng mười tám, đôi mươi. Đa số các em là dân vùng biển, bỏ học giữa chừng rồi lại lấy chồng sớm, không có cái nghề trong tay nên đành theo mẹ, theo dì học nghề bán cá. Các em trông già hơn so với tuổi, cũng cố gắng bươn chải sớm hôm với nghề để nuôi chồng con. Ở chợ cá này, chúng tôi cũng bắt gặp một vài đấng mày râu chễm chệ ngồi bán cá. Họ thường đi theo buổi chợ để đỡ đần cho vợ, nhiều người bán cá còn “lanh” hơn cả phụ nữ.

Trễ hơn chợ Hải sản Thọ Quang, chợ cá dọc bãi biển trên tuyến đường Hoàng Sa - Trường Sa thường họp chợ vào khoảng tầm 4 giờ sáng nhưng cũng nhộn nhịp không kém. Những người bán cá ở đây cũng thức từ rất khuya để chờ tàu về và tranh mua cá, tất bật và vội vã. Chỉ khi bán được hết cá tại bãi biển hoặc mua được cá cột gọn gàng trên xe để về bán ở chợ, những người phụ nữ mới ngồi lại nghỉ ít phút, ăn vội một miếng. Đối với họ, cuộc sống là một vòng quay hối hả không ngừng.

Thức cùng chợ cá đêm, mới biết rằng khi nhiều nhà còn say giấc ngủ thì vẫn có biết bao nhiêu người vật vã để mưu sinh, như những cánh vạc đêm không mỏi.

Giá cao, nhưng lời ít

Mờ sáng, trên mỗi ngả đường, những chiếc xe máy cũ kỹ chở những người phụ nữ ngồi kẹp giữa chồng giỏ cá cao quá đầu người lao vùn vụt. Mọi góc chợ, tanh nồng mùi cá.

 Một phụ nữ bán cá ngồi kẹp giữa 5 thau cá  và  chen chúc người mua kẻ bán nơi hàng cá chợ Chiều (Thọ Quang-quận Sơn Trà).
Một phụ nữ bán cá ngồi kẹp giữa 5 thau cá và chen chúc người mua kẻ bán nơi hàng cá chợ Chiều (Thọ Quang-quận Sơn Trà).

Nghề bán cá bây giờ khó khăn hơn nhiều so với ngày trước. Giá cả lên xuống thất thường là nỗi lo thường trực của các bà, các chị. Vào những ngày có dịch cúm gia cầm khi hàng thịt trở nên ế ẩm, người đi chợ mua cá rất đông đã đẩy giá cá tăng khoảng 20-30%. Nhưng theo nhiều người bán cá, vì đầu nậu cũng đẩy giá bán tăng lên theo dịch cúm nên khi về chợ, giá dù tăng nhưng cũng chẳng lời được bao nhiêu. Nhiều loại phí tổn rồi xăng dầu tăng, nên cá vào chợ thường tăng gấp đôi, gấp ba so với chợ đầu mối.

Chợ cá luôn là nơi đông kẻ mua người bán nhất, nhưng nói như chị Xuân (người bán cá ở chợ Miếu Bông, xã Hòa Phước) dù, “trăm người bán, vạn người mua”, nhưng cá lúc giá này, lúc giá khác, vào chợ rồi có khi cân già họ mới chịu mua. Mà cân già vài lượt thì tính ra mình cũng lỗ hết mấy ký cá!”. Chị Thu Hương, một chủ đầu nậu ở chợ cá Thọ Quang cũng cùng chung suy nghĩ: “Bây giờ kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu. Vào hàng cá, họ phải trả giá nhiều lượt, ướm cho vừa đồng tiền”. Không như hàng thịt, và hầu hết những mặt hàng khác bày bán trong chợ, giá cả dường như cố định, ở hàng cá, người mua có thể thoải mái trả giá mà không chút lo lắng bị chửi khéo hay lườm nguýt như trước kia. Nay, chỉ cần một sự phản ứng khó chịu của người bán, thì người mua lập tức rẽ qua hàng cá khác và “một đi không trở lại”.

Dạo quanh nhiều chợ, không khó để gặp những người bán con cá, con nghêu chạy ăn từng bữa. Có khi đó là một cụ già vào tuổi tám mươi ngồi nép trong một xó chợ bán một rổ nghêu mà cụ tự kiếm được chỉ vài chục ngàn đồng. Có khi đó là những phụ nữ phải bưng rổ cá nhỏ trên tay suốt cả buổi chợ vì không tìm được chỗ ngồi. Là nơi tập trung đông người bán nhất, nhưng đa số nơi bán cá ở các chợ đều không có mặt bằng rộng. Chợ Chiều (phường Thọ Quang) tận dụng con hẻm cụt giữa hai dãy nhà làm nơi bán cá, mỗi ngày tập trung khoảng hơn 50 người bán. Chợ An Cư (phường An Hải Bắc) hàng cá lấn sang cả hàng rau. Ở nhiều chợ, hàng cá tràn ra cả vỉa hè, kể cả những chợ mới xây dựng như Phước Mỹ.

Ông Đinh Văn An, Phó Chủ tịch UBND phường Thọ Quang cho biết: “Việc hỗ trợ mặt bằng cho các hộ bán cá hoặc sửa chữa lại chợ thường khó khăn. Một phần vì thiếu kinh phí, phần vì người dân đã quen chợ nên khó di dời được. Trong khi ngoài những người có đăng ký kinh doanh bán cá ở chợ thì người bán cá tự phát rất nhiều nên khó kiểm soát”. Lo sợ bị kiểm soát, nên những người “buôn tạm bán đợ” ngày nào cũng thắc thỏm với những chuyến chợ bay. Sáng dạo chợ Hòa Khánh (quận Liên Chiểu) hay chiều dạo chợ Hàn (quận Hải Châu) dễ dàng bắt gặp hình ảnh các bà, các chị quẩy quang gánh đi dọc ở các chợ để bán cá. Có người gửi quang gánh ở một nhà nào đó gần chợ, rồi cắp một rổ nhỏ đi bán. Nhiều người ngồi bán ở vỉa hè, khi bị bảo vệ hay trật tự đô thị bắt gặp lại cắp rổ cá chạy tất tưởi. Có khi gánh cá của các chị “tập kết” ở khu dân cư đông đúc, có khi ở khu công nghiệp... Cay cực lắm, nhưng những người bán cá rong dường như không còn sự lựa chọn nào, âu cũng vì cái sự nghèo.

Và dù có nơi bán cá ổn định có mái che, hay ngoài trời, dù vốn nhiều hay vốn ít, thì các chị, các mẹ vẫn lo liệu cho một buổi chợ trong lúc nhà nhà còn yên giấc và kết thúc một buổi chợ, trở về nhà trong mùi cá tanh nồng trên áo. Họ lại chăm chút cho gia đình, lại bắt đầu nghĩ tới buổi chợ ngày mai...

HOÀNG HÂN

;
.
.
.
.
.