.

Nguyễn Duy Hiệu, người con ưu tú của Hội An

.

Nguyễn Duy Hiệu (1847-1887) chỉ sống có 40 năm, ông thọ hình ở tuổi nhi bất hoặc. Là con một phú hào, ông được học hành đến nơi đến chốn với các bậc danh sư Lê Tấn Toán, Nguyễn Đình Tựu. 16 tuổi (1863), ông đậu Tú tài, 1876 đậu Cử nhân, 1879 thi Hội ông đậu Phó bảng.

Tượng Nguyễn Duy Hiệu được đặt trong khuôn viên Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu, Điện Bàn, Quảng Nam.
Tượng Nguyễn Duy Hiệu được đặt trong khuôn viên Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu, Điện Bàn, Quảng Nam.

Ông không được triều đình bổ dụng vào đội ngũ các quan chức. Lúc này Pháp đã đánh chiếm lục tỉnh Nam Bộ và đang từng bước o ép buộc triều đình giao miền Bắc cho chúng. Tình hình đất nước rối ren, nguy ngập. Có thể vì vậy ông không muốn làm quan, tham chính.

Năm 1882, thấy ở ông một người tài cao, học rộng, có nhân cách, Tự Đức sung ông làm chức Giảng tập, lo việc giảng dạy cho một ông hoàng, con nuôi của Tự Đức, người có thể làm vua (ông vua này không có con).

Tự Đức qua đời trong hoàn cảnh quốc tang bối rối, Pháp mở cuộc tấn công ở Huế, buộc triều đình phải nhượng bộ. Tình hình càng rối ren, nguy ngập, Nguyễn Duy Hiệu lấy cớ còn mẹ già không ai nuôi dưỡng, xin từ chức về quê. Triều đình ban cho ông hàm Hồng Lô Tự Khanh, để an ủi ông. Từ đây danh xưng Hường Hiệu xuất hiện và gắn liền với tên tuổi, sự nghiệp của ông cho đến ngày ông lên đoạn đầu đài và cho đến mãi về sau.

Nguyễn Duy Hiệu chưa hề làm quan cai trị, chưa có tên trong bộ máy công quyền phong kiến nhà Nguyễn, ông cũng không hề làm một võ tướng. Nhưng chỉ sau khi từ quan về nhà một thời gian ngắn với sự biến 1885, vua Hàm Nghi xuất bôn, xuống chiếu Cần Vương, ông đã mau lẹ ứng nghĩa và chiến đấu hy sinh suốt 3 năm. Ông đã tỏ rõ ý chí kiên cường, tài ba thao lược của một thủ lĩnh nghĩa quân. Ông trở thành một tấm gương sáng của phong trào Cần Vương chống Pháp ở Quảng Nam, và rộng hơn thế của cả vùng tả trực kỳ Nam Ngãi Bình Phú.

Có thể nói ngay từ khi thực dân Pháp nã những loạt đại bác đầu tiên tấn công xâm lược nước ta ở Đà Nẵng 1858, nhân dân ta trên mọi miền Tổ quốc đã liên tiếp đứng lên anh dũng chống xâm lăng.

Thời kỳ đầu tất cả các cuộc khởi nghĩa đều được tiến hành dưới ngọn cờ Cần Vương với tôn chỉ tôn quân thảo tặc. Tất cả mọi người tham gia cuộc chiến đấu từ các sĩ phu khoa bảng, quan chức các cấp đến các dân ấp, dân lân đều chung một ý thức chống giặc phò vua cứu nước.

Đúng là các ông vua Việt Nam thời này ít nhiều đều có lòng yêu nước. Triều Nguyễn từ khi thực dân Pháp mở cuộc xâm lược nước ta 1858 đến Cách mạng Tháng Tám có 10 ông vua, trừ 3 ông Dục Đức, Kiến Phúc, Hiệp Hòa mỗi người chỉ ở ngôi một thời gian ngắn (Dục Đức, Hiệp Hòa 3 ngày; Kiến Phúc 7 tháng), còn 7 ông thì có đến 3 ông đã tham gia các hoạt động chống Pháp bị chúng truất phế và lưu đày (Hàm Nghi, Duy Tân, Thành Thái). Với tinh thần yêu nước, chống Pháp của các ông vua, phong trào Cần Vương tôn quân thảo tặc có nhiều yếu tố tích cực.

Nhưng chúng ta đều biết, chế độ phong kiến nhà Nguyễn đến giữa thế kỷ 19 đã bước vào thời kỳ già cỗi, bảo thủ, lỗi thời. Nhiều ông vua chỉ lo giữ gìn lợi ích của người ngồi trên ngai vàng, sẵn sàng làm tay sai cho các thế lực thực dân chống lại Tổ quốc.

Họ không biết những thay đổi lớn lao trên thế giới, chỉ cúi đầu sùng bái văn minh, thiên triều Trung Hoa, thực hiện các chính sách bế quan tỏa cảng, thủ cựu, từ chối mọi kiến nghị duy tân tự cường, khiến nước ta chìm sâu trong nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu (nền văn minh thứ nhất).

Giữa lúc đó các nước tư bản phương Tây với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật đã chuyển hẳn sang nền văn minh công nghiệp (nền văn minh thứ hai) và đã thực hiện cuộc cách mạng dân chủ tư sản. Họ đã đi trước hơn hẳn chúng ta một thời đại chứ không phải chỉ hơn ở tàu đồng, súng thép. Và việc tràn về phương Đông xâm chiếm, chia chác thuộc địa để có thị trường, có nguồn nguyên liệu và nhân công là một tất yếu. Chúng ta chỉ có lòng yêu nước nồng nàn, ý chí dân tộc mạnh mẽ vẫn phải chấp nhận thất bại.

Nguyễn Duy Hiệu với trí tuệ và trải nghiệm của mình đã ý thức rất rõ về chung cuộc thất bại đó ngay từ khi ứng nghĩa. Như đã nói, ông là học trò của Tế tửu Nguyễn Đình Tựu (cậu ruột của Huỳnh Thúc Kháng, người cũng từng dạy người được chuẩn bị làm vua, người được vua bổ nhiệm chức Sơn phòng xứ Quảng Nam, thay cho Trần Văn Dư, chủ tướng của Nguyễn Duy Hiệu).

Trước khi nhận lãnh trách nhiệm thủ lĩnh nghĩa hội thay Trần Văn Dư, Nguyễn Duy Hiệu đã tìm đến Nguyễn Đình Tựu kính mời ông nhận lãnh trọng trách này, nhưng Nguyễn Đình Tựu một mực từ chối. Rồi sau khi Nguyễn Đình Tựu có một số hành trạng đáng nghi trong quan hệ với triều đình Đồng Khánh và thực dân Pháp, nhiều người trong nghĩa hội đòi trừng trị ông. Nguyễn Duy Hiệu đã nói: “Chúng ta cử sự biết chắc thế nào cũng thất bại, chỉ vì danh nghĩa phải làm nhưng trên danh nghĩa quân sư là trọng, nay mang tiếng giết thầy, biết lấy gì mà tỏ với thiên hạ, hậu thế”.

Trong bài thơ tuyệt mệnh viết khi thung dung tựu nghĩa, ông cũng nói:

Tây nam vô địch xích đồng tri
Tảo cập kim thời thế khả vi

(Không địch được quân Tây chuyện đã biết.
Thời cơ như thế lẽ nào ngồi trơ)

Biết là không thể đối địch với giặc Tây nhưng ở vào tình thế này, dù thấy trước kết cục thảm bại của các cuộc khởi nghĩa chống Pháp, nhưng không thể đầu Tây chuốc lấy nỗi nhục đầu hàng bán nước thì còn có thể lẩn khuất ở đâu, ứng nghĩa là việc phải làm.

Ông không chỉ biết chắc cái kết cục thảm bại mà ông cũng đã thấy phần nào nguyên nhân yếu hèn dẫn đến mất nước.

Trong thư cuối cùng gửi cho gia đình Nguyễn Duy Hiệu đã căn dặn con trai: “Nếu may mà triều đình xử tử hình toàn gia đình ta, thì chúng ta sẽ gặp nhau hết ở nơi chín suối. Còn nếu không may triều đình chỉ làm tội riêng cha, thì con chịu khó nuôi bà, dạy các em như lúc cha còn sống. Không nên theo đuổi cái học khoa cử từ chương, chỉ lầm mình, lầm nhà, lầm thiên hạ mà thôi”.

18 năm sau, cái học ấy được các nhà duy tân nhận định “Cái học khoa cử làm hại nước ta đã lâu, ngày nay đã thành đồ bỏ”.

Ông chưa tiếp cận với tân thư như lớp đàn em của ông (Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp) sau đó 20 năm. Khi ông còn đi học và cả khi dạy cho vua tương lai (thập niên 80, thế kỷ 19) chắc ông có biết đến văn minh phương Tây qua những gì mà người phương Tây và người Nhật, người Hoa đem đến Hội An. Dù lúc ông ra đời và lớn lên đô thị thương cảng này đã suy tàn nhiều. Ông cũng có thể biết được ít nhiều việc thế giới qua các chuyến đi sứ của Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ. Ông cũng có thể biết ít nhiều những kiến nghị về cải cách của Nguyễn Lộ Trạch, Nguyễn Trường Tộ dù lúc đó các văn bản này không dễ gì phổ biến, lại chưa có một phong trào đọc tân thư đến mức “tân thư nhất lãm thùy song lệ” (một lần đọc tân thư nước mắt lại chảy ròng). Một nho sinh, một sĩ phu, một phó bảng giảng tập chỉ ở cách trung tâm Hội An chừng vài cây số vẫn chìm đắm trong cảnh “đêm tối thực là đêm tối, không một tờ báo nào, không ai hiểu bây giờ trên thế giới đang diễn ra những gì”. (Nguyễn Ái Quốc - 1923)

Tư tưởng chủ đạo của ông là trung quân ái quốc. Bản thân ông và ông biết trong tâm tưởng các đồng chí, đồng đội trong nghĩa hội của mình Hàm Nghi là một thần tượng.

Nguyễn Duy Hiệu đã cho làm một chiếc ngai vàng đặt ở chỗ tôn nghiêm nhất trong một căn nhà tranh ở căn cứ Tân tỉnh để tượng trưng cho uy quyền của vua đang hiện diện tại đây. Ông đã cho người bí mật vượt đường thượng đạo ra Quảng Bình tìm gặp Hàm Nghi xin nhà vua ban chiếu và ân tứ mang về làm của tin cho nghĩa hội. Một tài liệu của Pháp thu được cho biết, theo đề nghị của Nguyễn Duy Hiệu, Hàm Nghi đã cử các quan khâm sai đặc biệt vào Quảng Nam cùng với các đồng tiền vàng và bạc và một bức thư chính thức khen thưởng những quan lại hoạt động cho nghĩa hội. Đồng thời chứng tỏ cho họ biết rằng họ có một ông vua.

Ông là người hết mực trung quân, nhưng không phải là ngu trung, trung một cách máy móc, ngu muội, trong ông cũng có cách nhìn như dân gian.

Hàm Nghi mới thực vua trung
Còn như Đồng Khánh là ông vua xằng

Ông rất trung thành với các nguyên lý của đạo nho mà quan trọng nhất là trung với vua. Nhưng lòng trung của ông cao quý chính nhờ gắn liền với ông vua ấy là tình yêu Tổ quốc, là trách nhiệm với đất nước, dân tộc. Điều này cũng thể hiện rõ ở đức hiếu của ông. Theo đạo nho cùng với trung, hiếu là chuẩn mực đạo đức quan trọng nhất.

Ông còn mẹ già. Biết được điểm yếu này, thực dân đã bắt mẹ của ông gây sức ép buộc ông đầu hàng. Chúng ta biết đây là thủ đoạn hèn hạ mà chúng đã dùng và có kết quả với nhiều thủ lĩnh Cần Vương như Nguyễn Quang Bích, Phạm Bành, Phan Trọng Mưu, Lê Thành Phương, Mai Xuân Thưởng, những bậc anh hùng chống Pháp này phải ra đầu hàng với giặc để cứu mạng đấng sinh thành đang bị chúng giam cầm, tra khảo.

Với Nguyễn Duy Hiệu ông đành chịu lỗi với mẹ hiền nhất quyết không rời bỏ nghĩa hội. Ông không chấp nhận đức hiếu theo kiểu giáo điều. Có một đôi câu đối của Văn Thân làm thay ông khóc mẹ đã nói lên ý chí và nỗi đau đớn ấy:

Là bầy tôi mà vua nạn không phò, vua chạy không theo, khó đem nỗi bất bình mà kêu cùng tạo hóa.
Là con mà mẹ đau không dưỡng, mẹ mất không chôn, chỉ biết lấy trường hận mà khóc công sinh thành.
Nguyễn Duy Hiệu là người được đào tạo nơi cửa Khổng sân Trình, ông phải nhập tâm và hành xử đúng với tam cương ngũ thường. Là một sĩ phu trí thức Việt Nam, ông giàu lòng yêu nước và ý chí chống xâm lăng cứu nước. Thực tiễn cuộc đấu tranh vì dân tộc đã làm cho ông, yêu cầu ông không tuân thủ máy móc các đạo lý khô cứng ấy. Ông trung nhưng không phải là ngu trung, ông hiếu nhưng không vì chữ hiếu mà nhẹ việc nước.

Ông sinh trưởng Hội An (vùng ven) nhưng thời thế, hoàn cảnh chưa cho ông điều kiện để ông thoát khỏi hệ tư tưởng như những người thuộc tầng lớp ông, thế hệ kế tiếp. Họ đã “dám có cái nhìn đảo lộn ngai vàng, đảo lộn quý tộc, đảo lộn Khổng Mạnh, đảo lộn đặc quyền, đảo lộn phương thức sinh hoạt, phong tục tập quán, vào một thời xã hội còn tối ngòm ngòm”. (Nguyễn Văn Xuân)

Dù như vậy, Nguyễn Duy Hiệu - người con ưu tú của Hội An vẫn là một trong những gương mặt sáng giá nhất của giới sĩ phu Việt Nam cuối thế kỷ 19, một thời xã hội còn tối ngòm ngòm.

Như đã trình bày, Nguyễn Duy Hiệu chưa từng làm quan, chưa hề là võ tướng, vậy mà ứng nghĩa Cần Vương, sau khi Trần Văn Du lâm nạn, ông trở thành tổng chỉ huy và cũng là linh hồn của nghĩa quân.

Trong cuộc đụng đầu giữa nghĩa quân với quân thực dân và triều đình hùng mạnh, chuyên nghiệp được trang bị và đảm bảo hậu cần tốt hơn nhiều lần, ông đã tổ chức và duy trì cuộc kháng chiến gần 3 năm và có nhiều trận đã làm kẻ thù kinh hoàng.

Việc quan trọng nhất và là việc đầu tiên mà ông quyết định là dời căn cứ của nghĩa hội từ sơn phòng Dương Yên về tân tỉnh Trung Lộc. Sơn phòng Dương Yên đã nằm trong quy hoạch các căn cứ kháng chiến của triều đình Huế, ngoài việc đào hào, đắp lũy, bố phòng, căn cứ này còn được tàng trữ nhiều lương thực, khí giới và cả vàng bạc để có nguồn lực kháng chiến lâu dài. Nhưng rồi căn cứ này bị quân Pháp công phá cuối năm 1885 và sau đó thủ lĩnh Trần Văn Du lâm nạn. Nguyễn Duy Hiệu nhận thấy những điểm yếu của căn cứ này và quyết định dời căn cứ tổng hành dinh về Trung Lộc, sau này được gọi là tân tỉnh Trung Lộc.

Đây là một vùng có núi non hiểm trở gắn liền với dải Trường Sơn hùng vĩ. Đây là vùng nguồn sông Thu Bồn, có đường thủy về Vĩnh Điện, Hội An thuận lợi, đây cũng có thung lũng Tây Lộc màu mỡ, dân gian còn gọi là Đồng Nai con, có thể cung ứng đủ lương thực cho đại sự. Ở đây chẳng những về miền xuôi giao thông thủy bộ thuận lợi (đường qua đèo Le, nay là đường 105) mà khi cần thiết có thể lui về đại ngàn Trường Sơn, và theo các con đường thượng đạo ra Bắc vào Nam. Vùng này còn có các mỏ sắt, vàng, than đá... có thể khai thác, đúc rèn quân khí và rất thuận lợi cho thực hiện hậu cần tại chỗ. Một căn cứ như vậy là tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ. Nguyễn Duy Hiệu đã quyết định dời căn cứ từ sơn phòng Dương Yên về đây.

Với Nguyễn Duy Hiệu, căn cứ không chỉ là nơi che giấu quân binh và mọi lực lượng để từ đó mở các mũi tiến công. Căn cứ phải là nơi có điều kiện để xây dựng các thiết chế của một bộ máy công quyền Nhà nước.

Trên ngọn núi mà bây giờ dân vẫn gọi là núi Ông Hường, ông cho xây cất dù chỉ bằng tranh tre gỗ đủ các cơ quan lục bộ nha, thự, ty, niết, có cả bãi luyện quân, ngục thất và bãi chém. Bốn bề của khu căn cứ được bảo vệ bởi một hàng rào tre vót nhọn, đan chéo kiên cố, có các vọng gác ở các góc. Người nào muốn vào căn cứ làm việc đều được bố trí nghỉ chân ở một trạm đón tiếp bên ngoài cách khu căn cứ cả một cây số. Nguyễn Duy Hiệu còn cho lập một văn miếu, một thiết chế thường có bên cạnh các cơ quan cấp tỉnh, huyện để thờ Khổng Tử và các tiên thánh. Ông còn cho nghĩa quân đột nhập vào văn miếu ở tỉnh, thành Vĩnh Điện lấy đi 150 bài vị đem về thiết trí ở văn miếu tân tỉnh để thờ cúng.

Khi phong trào Cần Vương sôi nổi cả nước, các cuộc khởi nghĩa, cùng với tân tỉnh Trung Lộc đều có các căn cứ như Vụ Quang, Ba Đình, Bãi Sậy, Nghĩa Lộ... Nhưng có lẽ không ở đâu căn cứ lại như tân tỉnh Trung Lộc với đủ những thiết chế của một bộ máy công quyền.

Baille, khâm sứ Trung Kỳ lúc ấy đã nhận xét: “Hiệu là một tay khuấy động lớn ở Quảng Nam, kẻ đã tự xưng là vua thứ hai. Người này còn trẻ và có một khí phách lạ lùng, dần dần được khoác lên như một bậc anh hùng kỳ dị và cuối cùng đã đẽo gọt làm thành một vương quyền thật sự trong tỉnh ấy”.

Nguyễn Duy Hiệu không phải là người khoác cho mình chiếc áo anh hùng kỳ dị, ông cũng không tự đẽo gọt để trở thành ông vua thứ hai.

Trong con mắt thực dân thì Nguyễn Duy Hiệu và nghĩa hội cũng như mọi phong trào tổ chức Cần Vương khác đều là phiến loạn. Nguyễn Duy Hiệu ngay từ khi ứng nghĩa với thành lập tân tỉnh ông đã khẳng định chính danh, chính nghĩa của nghĩa hội.

Nơi đây từng là đại bản doanh của Nghĩa hội Quảng Nam (thuộc thôn Lộc Đông - Quế Lộc).
Nơi đây từng là đại bản doanh của Nghĩa hội Quảng Nam (thuộc thôn Lộc Đông - Quế Lộc).

Như sau này trong chống Mỹ, chúng ta thường nói tiêu diệt sinh lực địch đi đôi với giành quyền làm chủ. Xây dựng tân tỉnh để có thể tiêu diệt nhiều sinh lực địch hơn và tiêu diệt nhiều địch hơn lại là mở rộng và nâng cao quyền làm chủ của tân tỉnh, của nghĩa hội. Việc di dời căn cứ khỏi sơn phòng Dương Yên và xây dựng tân tỉnh với đủ các thiết chế như một triều đình đã nói lên tầm nhìn chiến lược của Nguyễn Duy Hiệu.

Như đã trình bày, Nguyễn Duy Hiệu là người chỉ huy cao nhất của nghĩa quân, chắc chắn là trong những chiến thắng của nghĩa quân đều có dấu ấn của Nguyễn Duy Hiệu và chúng ta càng kính phục ông, một chân học trò chưa qua binh nghiệp mà đã vận dụng tài tình các nguyên lý quân sự và có nhiều cách đánh sáng tạo của Việt Nam.

Như trận đánh Nam Chơn diệt đại úy Besson và tùy tùng được miêu tả là thành công của thế thiên quân yểm noãn (dùng sức của 30.000 cân đè bẹp 1 quả trứng), hay trận Gióng Mây, nhờ các mẹ chị giả vờ đi chợ, đi làm đồng rồi bỏ gióng mây thành một đống ở một điểm nhất định, quân giặc bị phục kích chạy về điểm ấy, đang hoảng loạn lại vướng cả đống gióng mây nên tổn thất nặng.

Các trận Phú Thượng, Trà Kiệu thì nói lên nhãn quan chính trị của ông. Đây là vùng công giáo toàn tòng. Cuộc tiến công của nghĩa quân chỉ nhằm mục đích diệt và bắt sống những tây dương đạo trượng, các sĩ quan xâm lược khoác áo thầy tu và cố gắng tránh tổn thất cho đồng bào có đạo, nên nghĩa quân đã lúng túng bỏ lỡ nhiều cơ hội chiến thắng.

Từ một nho sinh, một ông thầy giảng sách đến khi ứng nghĩa Cần Vương lên rừng xây dựng căn cứ tân tỉnh và chỉ huy trăm trận, chỉ trong 3 năm chiến đấu anh dũng Nguyễn Duy Hiệu đã để lại cho đời những hình ảnh sáng ngời, đẹp đẽ của một sĩ phu yêu nước.

Có rất nhiều thủ lĩnh của phong trào Cần Vương và cả các phong trào chống Pháp sau này được những người Pháp có mặt trong các cuộc chinh phạt đối đầu với lực lượng yêu nước ghi chép, miêu tả với nhiều mến mộ, kính phục.

Nguyễn Duy Hiệu là một người nổi bật trong những gương mặt đó. Hành trạng của ông được chính Baille, khâm sứ Trung Kỳ lúc đó miêu tả trong tập sách Kỷ niệm về An Nam (xuất bản 1890). Và chúng ta cùng nhau đọc lại những dòng viết về giờ phút cuối cùng của người anh hùng, người con ưu tú của Hội An, của đất Quảng .

“Trong cũi, Nguyễn Duy Hiệu mặc áo dài, vấn khăn chỉnh tề vẫn ung dung cầm chiếc quạt phe phẩy, đôi mắt đen và sâu vẫn trầm tĩnh nhìn đồng bào ruột thịt đang vây quanh...

Hiệu đợi chết như một người thuộc loại y, vào bậc y, nghĩa là đợi chết không sợ sệt và đợi nó như một vận số, một định mệnh, không có điều gì để căm giận. Hiệu cũng như nhiều người khác đã thấy ở Trung Kỳ, Nam Kỳ, vẫn làm thơ khi tới pháp trường và viết câu thơ mà đầu ngọn bút không một nét run nào tỏ sự xúc động”.

NGUYỄN ĐÌNH AN

;
.
.
.
.
.