- Chào chú Phan Lang, bữa ni có điều chi tâm đắc mà thấy chú gật gù liên tục rứa?
- Dạ, chẳng giấu gì bác Lang Vè, em đang suy ngẫm về một vấn đề khá mới mẻ, lần đầu được nghe từ một vị lãnh đạo Cục Quản lý Y dược cổ truyền tại Đại hội Trung ương Hội Dược liệu ở TP. Hồ Chí Minh hồi tháng trước, vừa rồi lại được nghe nhắc lại lần nữa trong buổi làm việc giữa lãnh đạo Cục với Sở Y tế thành phố. Đó là vấn đề an ninh dược liệu.
- Mới dữ ta! Trước đây tui chỉ nghe nói đến “an toàn thực phẩm”, “an toàn dược phẩm”, cùng lắm là “an ninh lương thực”, chứ quả thiệt chưa nghe nói “an ninh dược liệu” bao giờ.
- Nhưng ngẫm kỹ, vấn đề này đặt ra rất đúng, rất trúng đó bác ơi! Trong tình hình hiện nay, khi Việt Nam đã và đang trở thành một nước nhập khẩu dược liệu trên 80% để phục vụ cho việc sản xuất thuốc và chữa bệnh trong nước, nếu tiếp tục thả nổi chất lượng và giá cả hoàn toàn phụ thuộc nước ngoài, thì vấn đề an ninh dược liệu trên phạm vi quốc gia đang bị xâm phạm nghiêm trọng. Hậu quả để lại cho sức khỏe đồng bào ta sẽ khó lường hết được, nếu các nhà quản lý không có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
- Nghe chú nói, tui chợt nhớ lại cách đây chưa đầy 2 năm, có chuyện khoa Y học cổ truyền của một bệnh viện Trung ương đóng trên địa bàn thành phố chúng ta bỗng dưng niêm yết đóng cửa tất cả các phòng bệnh của khoa này trong suốt nửa tháng, làm bệnh nhân phần lớn là cán bộ hưu trí vốn ưa chuộng Đông y phải nhốn nháo một phen. Khi phóng viên vào cuộc tìm hiểu thì vị giám đốc bệnh viện trả lời tỉnh bơ rằng “vì giá thuốc đột ngột tăng cao bất thường nên không mua được thuốc cho khoa, đành chấp nhận đóng cửa tạm thời các buồng bệnh”.
- Xử sự kiểu ông giám đốc nói trên chắc là “có một không hai” trong cả nước, nhưng việc giá cả dược liệu nhập ngoại tăng vọt hàng chục lần trong nhiều năm qua, khiến cho các khoa dược hay các đơn vị nhận thầu thuốc phải “ngậm đắng nuốt cay”, “giật gấu vá vai”, “lấy bồ hòn làm ngọt”, trong ngành dược không ai không biết. Để bảo đảm an ninh dược liệu, theo bác Lang Vè, chúng ta cần phải làm gì?
- Thì Đảng và Nhà nước ta hiện đang có cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đó. Thực ra, ngay từ thời xưa, Danh y Tuệ Tĩnh, tác giả sách Nam dược Thần hiệu đã đề ra bản “tuyên ngôn độc lập” cho ngành dược nước nhà: “Tôi tiên sư kính đạo tiên sư, Thuốc Nam Việt chữa người Nam Việt”. Nghĩa là: “Kẻ bề tôi (dù) kính trọng học thuyết các thầy thuốc Trung Hoa, (nhưng) chỉ dùng thuốc Nam chữa bệnh cho người Việt”. Muốn giữ thế độc lập cho ngành dược liệu nước nhà, không có con đường nào khác là phải tổ chức sản xuất, từ các vùng chuyên canh dược liệu, đến các “tủ thuốc xanh” như vườn thuốc nam trong các trạm y tế, trường học, các luống, các chậu cây thuốc đồng thời là cây rau, cây ăn quả, cây cảnh trong vườn nhà… Cùng với đó, phải khai thác hợp lý và bền vững các nguồn dược liệu thiên nhiên, tiến tới sản xuất ngày càng nhiều dược phẩm có nguồn gốc dược liệu trong nước. Theo tui, chỉ khi nào chúng ta tự chủ sản xuất được 50 - 70% cây, con làm thuốc, mới có thể gọi là bảo đảm an ninh dược liệu.
- Theo em, một việc không kém quan trọng nữa là cần đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm sử dụng thuốc nam thay thế thuốc bắc và thuốc tây cho các tầng lớp nhân dân, nhất là đội ngũ cán bộ y tế.
- Thì đó là công việc của chuyên mục “Phương hay thuốc quý” đang làm mà.
PHAN LANG