.

Vai trò động lực

.

Ngày 19-5 vừa qua, tại xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đã diễn ra một sự kiện quan trọng, liên quan đến vai trò “động lực” của Đà Nẵng. Đó là việc khởi công xây dựng tuyến đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi.

Cảng Tiên Sa đón tàu du lịch quốc tế.                                         Ảnh: Thục Yên
Cảng Tiên Sa đón tàu du lịch quốc tế. Ảnh: Thục Yên

Tuyến đường này đã trải qua 10 năm nằm trong Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị nên khi chính thức được khởi công thì nhiều người thở phào nhẹ nhõm… Tuyến đường dài gần 140km với tổng vốn đầu tư gần 1,5 tỷ USD từ hai nguồn vốn vay ADB và WB này đã được Bộ Chính trị xác định từ 10 năm trước: “Sớm có quyết định đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm, có tác động đến sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, như dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi…”. Từ nhìn nhận đó, Bộ Chính trị đã giao nhiệm vụ cho Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương “khẩn trương xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (…). Trong đó, chú ý đến các cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho Đà Nẵng là hạt nhân, đóng vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng”.

Mặc dù đã được xác định như vậy, nhưng nhiều dự án vẫn triển khai một cách chậm chạp, mà trong đánh giá qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW, cũng là 5 năm Đà Nẵng trở thành đô thị loại 1 cấp quốc gia, Ban Bí thư đã thẳng thắn chỉ ra rằng, “sự quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ thành phố tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ, dự án, công trình trọng điểm theo tinh thần nghị quyết, giúp thành phố vươn lên giữ vai trò trung tâm, động lực trong khu vực của các bộ, ngành Trung ương rất chậm, cần nghiêm túc rút kinh nghiệm” (Thông báo Kết luận số 166-TB/TW ngày 16-7-2008 của Ban Bí thư về kết quả kiểm tra thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW).

Có lẽ, từ sự đốc thúc này, trong thời gian sau đó, nhiều dự án đã được các bộ, ngành Trung ương phối hợp với Đà Nẵng đẩy nhanh tiến độ như đường Đà Nẵng - Hội An; nâng cấp mở rộng ga hàng không quốc tế Đà Nẵng, khu công nghệ cao…; hoàn thành những công trình như cầu Thuận Phước, nâng cấp cảng Tiên Sa, cầu vượt Hòa Cầm để hoàn thiện Tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây,… làm động lực cho kết nối, phát triển cả vùng cũng như liên kết với các nước trong khu vực (Lào, Campuchia, Thái Lan…). Tuy nhiên, nhiều dự án hiện vẫn đang còn gặp khó khăn, chưa nói một số dự án như Làng Đại học Đà Nẵng, cảng Liên Chiểu, đường sắt 2 chiều Đà Nẵng - Quảng Ngãi… qua hàng chục năm vẫn còn “treo”!
Không chờ đợi và quá phụ thuộc vào sự phối hợp, với vai trò, nhiệm vụ được giao của mình, Đà Nẵng đã nỗ lực vươn lên, thực hiện những phần việc để tạo nên “sức hấp dẫn” trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cũng như tạo nên mối liên kết, hợp tác chặt chẽ hơn giữa các tỉnh duyên hải miền Trung.

Còn nhớ, sáng 30-4-2011, khi mọi người vẫn còn trong giấc mơ về một đại tiệc pháo hoa từ DIFC 2011, một cuộc gặp gỡ được cho là lịch sử giữa lãnh đạo các tỉnh, thành phố duyên hải miền Trung (từ Thừa Thiên-Huế đến Khánh Hòa) đã diễn ra giữa lòng thành phố biển này. Đây là cuộc gặp gỡ đông đủ, chính thức đầu tiên giữa các vị lãnh đạo chủ chốt trong vùng, để hoàn thiện ý tưởng về một mối liên kết, hợp tác giữa 7 tỉnh, thành phố duyên hải cho phát triển chung của toàn vùng trên nhiều lĩnh vực. Để có cuộc gặp này, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cũng đã một thời gian dài làm việc với các tỉnh trong khu vực nhằm “kết nối” và triển khai ý tưởng liên kết thành hiện thực, không phải với tư cách một “đầu tàu”, mà bằng tất cả  sự nhiệt huyết của mình về một sự phát triển chung, hóa giải sự đơn lẻ trong phát triển của các địa phương trong vùng.

Thấu hiểu điều đó, một hội thảo liên kết phát triển 7 tỉnh, thành duyên hải miền Trung (từ Thừa Thiên-Huế đến Khánh Hòa) đã chính thức được tiến hành tại Đà Nẵng vào ngày 15-7-2011, chỉ sau một thời gian ngắn chuẩn bị từ cuộc gặp gỡ đó. Các vị đại biểu đều khẳng định, đây là một sự kiện lịch sử của cả khu vực, mà nếu như tính từ thời chúa Nguyễn mở cõi về phương Nam, thì đây là lần đầu tiên sau hơn 500 năm, đã có một sự hội ngộ đông đủ lãnh đạo của các địa phương trong khu vực nhằm tiến tới một sự liên kết, hợp tác bền vững thật sự!

Để rồi, chỉ trong vòng 2 năm, sự đồng thuận, nhất là đồng thuận về tìm kiếm cơ hội khai thác tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương trong chuỗi liên kết, đã mở rộng vòng tay hợp tác sang 2 địa phương là Ninh Thuận và Bình Thuận - được chính thức kết nạp vào ngày 30-4-2012, nhân kỷ niệm 1 năm hình thành mối liên kết vùng. Cũng nhân dịp này, nội dung liên kết được nâng tầm thành hợp tác vùng; tổ điều phối được nâng thành Ban điều phối vùng với Trưởng ban là ông Nguyễn Bá Thanh, nay là Trưởng ban Nội chính Trung ương, nguyên Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng. Cũng chỉ trong 2 năm, với sự làm việc tích cực của nhóm tư vấn mà đứng đầu là TS Trần Du Lịch cũng như việc tạo điều kiện thuận lợi của lãnh đạo các địa phương, các cuộc hội thảo chuyên đề về phát triển du lịch; thu hút đầu tư khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao; phát triển nguồn nhân lực đã được tổ chức, từ đó phân định rõ hơn vai trò, trách nhiệm và phát huy lợi thế của từng địa phương trong mối quan hệ hợp tác phát triển chung của toàn vùng.

Không chỉ với sáng kiến hợp tác vùng đó, sự thể hiện vai trò động lực của Đà Nẵng còn là sáng kiến về một Tuyến hành lang kinh tế Đông Tây 2 do lãnh đạo thành phố chủ động đề xuất với Trung ương. Đó là tuyến từ Đà Nẵng đến Băng Cốc qua Cửa khẩu Đắc Ốc (Nam Giang, Quảng Nam) - Sêkong-Pắcxế (Lào) - Chongmek-Nakhon (Thái Lan) nhằm phát huy vai trò là điểm quá cảnh hàng hóa, cửa ngõ ra biển của Lào và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan...

Qua 10 năm đóng vai trò “động lực” theo tinh thần Nghị quyết 33-NQ/TW cũng như xứng tầm đô thị loại 1 cấp quốc gia, từ nội lực của mình cũng như mối quan hệ hợp tác với các địa phương trong vùng và sự phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, Đà Nẵng đang trên đường thực thi nhiệm vụ của mình. Trên con đường đó, dẫu lắm gian nan, vất vả, nhiều dự án vẫn còn “treo” dang dở, nhưng rõ ràng đã hình thành một dấu ấn Đà Nẵng.

NGUYỄN THÀNH

;
.
.
.
.
.